Nishikori: Tay vợt vĩ đại nhất châu Á
Kei Nishikori vừa trở thành tay vợt vĩ đại nhất châu Á khi anh mới 24 tuổi.
Nishikori đã hoàn tất được một nửa ước mơ của mình: lọt vào top 10 thế giới. Một nửa còn lại sẽ phải cần thời gian để kiểm chứng, cần mồ hôi và tài năng để đạt được, đó là duy trì sự hiện diện trong top 10 trong một quá trình.
Nếu không bị chấn thương lưng hành hạ trong trận chung kết, Nishikori hoàn toàn có thể làm nên cuộc lật đổ ngoạn mục trước Nadal (bởi anh hoàn toàn vượt trội trong phần lớn thời gian của trận đấu cho tới khi hầu như không thể thi đấu một cách bình thường), thì lịch sử đã có thể trở nên huy hoàng hơn rất nhiều khi xưa nay chưa từng có một tay vợt châu Á nào vô địch Masters 1000.
Nhưng chưa cần tới chiến thắng trước Nadal, Nishikori đã trở thành người xuất sắc nhất của lịch sử quần vợt châu Á, dù cùng đứng thứ 9 trên bảng ATP như Paradorn Srichaphan (Thái Lan) đã từng làm 11 năm trước (5/2003).
Việc Nishikori vào tới chung kết Masters 1000 là điều Srichaphan cũng như bao tay vợt châu Á khác chưa từng làm được.
Nishikori có thể làm lu mờ Nadal nếu như không gặp chấn thương
Vô địch ATP 500 trên mặt sân đất nện cũng là điều Srichaphan không thể thực hiện thành công mà nguyên do không chỉ vì cựu ngôi sao người Thái là một chuyên gia sân cỏ.
Đặc biệt, Nishikori còn vào tới tứ kết Grand Slam (Australian Open 2012) trong khi Srichaphan chỉ đi xa nhất là tới vòng bốn.
Và nếu như Srichaphan làm được điều đó năm 2003 khi 24 tuổi (cũng là xuất sắc), thì Nishikori đã vào tới vòng 4 US Open năm 2008 khi mới 19 tuổi sau khi đánh bại David Ferrer và Juan Monaco, rồi thua Del Potro.
Chính Nadal trong năm 2008 đã tiên liệu rằng Nishikori sau này đủ sức để chinh phục top 5 ATP sau khi cả hai chạm trán trên sân cỏ, nơi Nadal giành chiến thắng sau hai set nhưng phải mất gần hai giờ đồng hồ.
Ngày ấy (cũng như bây giờ), đôi khi nhiều người không tin những gì Nadal nói, không phải vì ngoại giao, mà bởi châu Á sản sinh ra các ngôi sao nữ đẳng cấp đã khó, tìm ra các ngôi sao nam còn khó bội phần.
Michael Chang là một người gốc Á (bố mẹ đến từ Đài Loan), nhưng được sinh ra và nuôi dưỡng ở Mỹ, được giáo dục và nuôi dưỡng ở một nền thể thao phát triển hàng đầu, và tài năng được trui rèn trong một môi trường tennis khi đó vẫn được coi là lý tưởng nhất thế giới. Thế nên, Michael Chang có chăng chỉ là một biểu tượng khuyến khích cho các tài năng châu Á trên khía cạnh tinh thần, rằng họ không nên tự ti với nhược điểm của vóc dáng.
Clip thất bại đáng tiếc của Nishikori trước Nadal tại chung kết Madrid Masters 2014
Khám phá của Nishikori và tương lai của tennis châu Á
Nishikori đoạt được danh hiệu ATP khi chỉ mới 18 tuổi sau khi đánh bại James Blake lúc đó đang đứng trong top 10 thế giới trong trận chung kết ở Delray Beach (Mỹ), trở thành tay vợt trẻ nhất vô địch một giải thuộc ATP Tour kể từ khi Leyton Hewitt làm được chục năm trước đó (1998).
Nishikori, như trên đã nói, còn từng vô địch ATP 500 và vào tới tứ kết Australian Open 2012, nhưng phải tới khi gặp Michael Chang, sự nghiệp của Nishikori đã và có thể sẽ còn thay đổi.
Khi lần đầu Nishikori đứng bên cạnh Michael Chang trên sân tập, người ta chợt nhận ra, nhà vô địch Roland Garros 1989 còn thấp hơn so với Nishikori vài cm.
Chính xác là thế, Michael Chang cao 1m75, còn Nishikori cao 1m78. Thể hình như vậy không phải là vấn đề đối với Nishikori? Mới chỉ chính xác một nửa.
Huyền thoại Michael Chang đã khai sáng cho Nishikori trong mùa giải 2014
Một nửa không đúng ở chỗ, thể hình lý tưởng trong tennis có thể coi là 1m85-1m88, bởi Federer, Nadal, Djokovic, Sampras đều có chiều cao trong tầm mức này. Tức là Nishikori vẫn thấp hơn mức chuẩn 10cm trong khi chỉ một tấc ấy có tác động rất lớn tới mọi cú quả.
Nhưng một nửa khác lại cho thấy cao hơn mức chuẩn ấy lại là bất lợi rất lớn so với việc thấp hơn. Del Potro, 1m98, cho tới hôm nay vẫn là tay vợt cao nhất thế giới từng đoạt Grand Slam. Và số người thấp hơn mức chuẩn nói trên tới 10cm đoạt Grand Slam lại nhiều hơn hẳn số người cao hơn 10cm ấy, nếu xét đến bảng vàng của tennis thế giới trong khoảng 20 năm qua.
Chưa hết, Del Potro vô địch ở US Open trên mặt sân cứng (và hàng loạt nhà vô địch khác ở Wimbledon cũng có chiều cao lý tưởng) cho thấy có thể cho thấy những gì chúng ta lâu nay suy luận đơn thuần về ưu thế hình thể với các mặt sân khác nhau là một sự nhầm lẫn.
Chiều cao ấy có thể phát huy tối đa trên mặt sân nhanh khi lối chơi giao bóng tấn công (có lên lưới hoặc không) dễ dàng hơn, trong khi trên mặt sân đất nện nó chỉ có vẻ có ích lợi để dễ đè bóng nảy cao nhưng lại rất hạn chế trong việc di chuyển, và ưu thế của cú giao bóng nhanh và mạnh cũng giảm bớt đáng kể.
Chính di chuyển mới là yếu tố quyết định nhất tới sự thành bại trên sân đất nện, và không bất ngờ khi Nadal là người có tốc độ di chuyển cũng như khả năng thay đổi hướng di chuyển siêu việt nhất thế giới tennis.
Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng di chuyển trong tennis không giống như đua điền kinh để cần những sải chân dài mà nó cần những bước di chuyển nhỏ, nhanh, và đổi hướng liên tục.
Phân tích này có thể là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao Roland Garros lại từng chứng kiến trận chung kết giữa hai tay vợt chỉ cao 1m75, Gaston Gaudio đánh bại Guillermo Coria (cùng Argentina). Hay trong mười năm qua, nếu như Soderling cao 1m94 làm nên bất ngờ (lọt vào chung kết hai năm liên tiếp) thì giải đấu trên sân đất nện này còn ghi nhận Mariano Puerta (1m80) và David Ferrer (1m75) cũng có mặt trong trận đấu cuối (đều thua Nadal).
Phân tích này cũng đúng cả với WTA, cùng góp phần cho thấy lý do để Justin Henin trở thành nữ hoàng sân đất nện khi cô từng giành bốn chức vô địch Roland Garros (trong tổng số bảy danh hiệu Grand Slam). Ngoài Henin, giải đấu này còn vinh danh cả Schiavone (1m66), trước kia có Sanchez Vicario (Tây Ban Nha, ba lần vô địch). Hay trong mười năm qua, tám danh hiệu Grand Slam trên sân đất nện thuộc về các nữ tay vợt cao từ 1m75 trở xuống.
Trở lại với Nishikori, việc bản thân anh bất ngờ với những thăng hoa ở Tây Ban Nha, khuất phục những chuyên gia đất nện cừ khôi nhất suy cho cùng chỉ là việc anh đã được Michael Chang khai sáng, mở ra một hướng đi phù hợp nhất cho tương lai của anh: sân đất nện.
Đó là sự thay đổi rất lớn đối với Nishikori, người cho tới cuối mùa giải năm ngoái vẫn tin rằng anh chỉ có thể thành công trên mặt sân cứng bởi ảnh hưởng và của việc đã gần chục năm qua anh gắn liền với học viện tennis lừng danh IMG Bollettieri (Florida, Mỹ).
Và nó cũng có thể làm thay đổi cả tennis châu Á, nơi mà hình thể vẫn là sự ám ảnh đáng kể khi muốn chinh phục những môn thể thao của người phương Tây.
Nishikori chỉ tới học viện IMG Bollettieri khi anh 15 tuổi, nhờ sự tài trợ của Quỹ tennis Masaaki Morita (một trong những thành viên sáng lập và là cựu CEO của tập đoàn Sony). Và Nishikori thậm chí đôi lúc còn bị đánh giá thấp hơn Yuki Bhambri, tay vợt trẻ người Ấn Độ vô địch Australian Open trẻ năm 2009. Nhưng khi mà Bhambri hầu như không có khả năng vươn lên đỉnh cao khi chuyển sang chuyên nghiệp thì Nishikori đang là “gà nòi” của IMG. |