Những quy định kỳ lạ khiến vận động viên bị “trói chân”
Tuần trước, làng bóng chuyền Việt Nam xôn xao với câu chuyện VĐV Lê Quang Khánh muốn rời CLB bóng chuyền Long An nhưng không được Sở TDTT Long An chấp thuận.
Trong bản cam kết cha Quang Khánh thay mặt con trai ký với Trung tâm TDTT tỉnh Long An hồi năm 2004 có ghi rõ: Quang Khánh phải thi đấu cho Long An từ 2005-2009. Nếu muốn nghỉ hoặc chuyển sang đội khác sau 5 năm phải có sự thỏa thuận đồng ý của Sở TDTT Long An.
Lê Quang Khánh bị Long An "phong tỏa"
Như vậy, tính đến nay, mọi ràng buộc giữa hai bên đã không còn hiệu lực và Quang Khánh có thể tự do ra đi. Thế nhưng, nguyện vọng của cựu tuyển thủ quốc gia đã bị Sở TDTT Long An hết lần này tới lần khác làm khó. Đáng nói hơn, sở dĩ Quang Khánh phải lựa chọn ra đi là bởi mức thu nhập 2,5 triệu đồng ở đội bóng quê nhà không thể giúp anh trang trải cuộc sống.
Những người đứng đầu ngành Thể thao Long An hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết nhưng họ vẫn muốn bó buộc VĐV. Ở tuổi 29, xét về khía cạnh chuyên môn, Quang Khánh không phải cái tên Long An muốn giữ bằng mọi giá. Phải chăng, động thái trên chỉ vì mục đích tìm phí “bôi trơn”?
Thể thao Việt Nam từ xưa tới nay vẫn luôn tồn tại những vụ việc phi lý liên quan tới đi, ở của các VĐV. Hồi 2015, gia đình kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm muốn con mình được thanh lý hợp đồng để sang Mỹ du học. Mặc dù vậy, Trung tâm thể thao dưới nước TP.HCM lại gây khó dễ bằng việc buộc gia đình phải cam kết không để Trâm thi đấu cho bất kỳ đơn vị nào, bằng không sẽ phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo lên tới vài tỷ đồng. Rất may là sau đó hai bên chấp nhận hòa giải, Phương Trâm ở lại TP.HCM cùng đãi ngộ hấp dẫn.
Trước đó, năm 2014, danh thủ bóng chuyền Nguyễn Hữu Hà muốn rời Đức Long Gia Lai để về Hà Nội chăm sóc gia đình. Trong hợp đồng lại có quy định nếu thanh lý hợp đồng, Hữu Hà sẽ phải giải nghệ nên chủ công xuất sắc của ĐT bóng chuyền Việt Nam đành ngậm đắng chia tay sự nghiệp dù vẫn còn dư sức thi đấu đỉnh cao vài năm. Tương tự là trường hợp nữ cua rơ Phạm Thị Kim Loan của Đồng Tháp. Hợp đồng của cô ghi rõ: Nếu hết thời hạn mà vẫn còn khả năng thi đấu, cô tiếp tục phải ở lại Đồng Tháp, nếu thanh lý hợp đồng, cô không được tập luyện, thi đấu cho bất kỳ tỉnh, thành nào khác.
Những trường hợp kể trên khác nhau về hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là đều bị cơ quan chủ quản trói chân, dù đa phần đều trái quy định. Tình trạng này xuất phát từ những lỗ hổng trong quy chế quản lý, chuyển nhượng của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, các VĐV cũng nên tự trách mình vì không trang bị những kiến thức cần thiết để đảm bảo quyền lợi bản thân. Nếu không sớm có sự thay đổi, trong tương lai, thể thao Việt Nam vẫn sẽ còn những: Hữu Hà, Kim Loan, Quang Khánh, Phương Trâm...