Những niềm tự hào võ thuật Việt Nam

Hơn 70 năm tồn tại và 40 năm quốc tế hóa, Vovinam đã lan truyền mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế để trở thành một niềm tự hào của võ thuật Việt Nam.

Phóng sự về lịch sử và quá trình lan tỏa quốc tế của Vovinam (bản quyền video thuộc VTV)

Đưa Vovinam ra với thế giới là một hành trình rất dài, nhưng cho ra quả ngọt, của võ thuật Việt Nam. Thành lập kể từ năm 1936 và trải qua gần 80 năm phát triển, Vovinam đã được thế giới công nhận và được đưa vào chương trình thi đấu ở một số giải đấu võ thuật, thậm chí có riêng giải vô địch thế giới.

Được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập, Vovinam là sự kết hợp giữa kungfu của võ thuật Trung Quốc, một vài yếu tố của võ thuật Nhật Bản và Hàn Quốc với những yếu tố căn bản của võ thuật Việt Nam và thể chất của người Việt. Môn võ được truyền bá nhằm mang đến người học những phương pháp tự vệ học được trong một thời gian ngắn.

Dù ra đời trong thập niên 1930, phải tới những năm 1970 Vovinam mới vươn ra quốc tế và bước sang thiên niên kỷ mới, môn võ đã có mặt ở hơn 50 quốc gia. Liên đoàn Vovivam ra đời năm 2007 và trong 5 năm tiếp theo, các liên đoàn Vovinam ở tầm châu lục và thế giới lần lượt ra đời. Năm 2009, giải vô địch Vovinam thế giới đầu tiên được tổ chức, một cột mốc quan trọng trong sự mở rộng của môn võ trên trường quốc tế.

Thưở khai sinh, Vovinam được coi là một biểu tượng của khát vọng giành độc lập dân tộc từ tay thực dân Pháp. Sau quá trình phát triển lâu dài, nó đã mang thêm những giá trị văn hóa và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt. Những giá trị ấy đã sớm lan tỏa ra thế giới và thu hút không ít bạn bè quốc tế theo đuổi môn võ.

Những niềm tự hào võ thuật Việt Nam - 1

Võ sư Patrick Gbwel với động tác "Headscissor", kẹp chân quanh cổ để vật đối thủ xuống đất

Võ sư Patrick Gbwel đến từ Pháp là một trong số đó, thậm chí ông rành rẽ lịch sử của Vovinam không kém gì những võ sư Việt. Là võ sư 4 đẳng, ông sở hữu sự nhanh nhẹn phi thường và thậm chí trong video ở trên, ông có thể thực hiện một động tác kẹp chân quanh cổ đối phương mà thuật ngữ gọi là “Headscissor takedown”, một động tác vật vốn có xuất xứ từ Mexico và đã được truyền bá và kết hợp vào nhiều môn võ khác.

Ông Võ Danh Hải, tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam, cho biết hiện có gần 1 triệu võ sinh theo tập Vovinam trên toàn quốc, trong khi ảnh hưởng quốc tế của môn võ đã lan sang nhiều châu lục như châu Phi trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên Vovinam vẫn cần thêm một vài yếu tố khác để sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

“Cần nhất là một đội ngũ huấn luyện viên và chuyên gia nghiên cứu bài bản luật lệ và cách hướng dẫn võ sinh để đưa họ tới các khu vực có phong trào võ thuật nhưng chưa có đủ người giảng dạy, và nhà nước cũng cần có chính sách thích hợp để môn võ được truyền bá như cần xây dựng học viện quốc tế”, ông Hải cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN