Những người hùng thầm lặng ở SEA Games

Sự kiện: SEA Games 32

Để SEA Games 31 diễn ra thành công không thể thiếu tình nguyện viên. Họ là huyết mạch của đại hội, cũng là những người hùng thầm lặng xứng đáng được nhận huy chương.

Khi trận chung kết SEA Games 22 (2003) môn bóng đá nam kết thúc và các CĐV lần lượt rời Mỹ Đình với nỗi buồn thua trận, trên khán đài vẫn còn những bóng áo xanh. Họ là những tình nguyện viên (TNV) SEA Games đang cặm cụi thu dọn bãi chiến trường, trả lại sân vận động sạch đẹp vào hôm sau để sẵn sàng cho lễ bế mạc.

TNV của trường Đại học Hà Nội tham gia chương trình tập huấn cho SEA Games 31

TNV của trường Đại học Hà Nội tham gia chương trình tập huấn cho SEA Games 31

Anh Nguyễn Duy Thái, cựu sinh viên trường CĐ Sư phạm Nhạc Họa T.Ư nhớ lại kỷ niệm không thể nào quên cách đây 19 năm: “Hôm đó bọn mình làm tới đêm mới xong, sau đó lại đạp xe gần chục cây số về ký túc xá. Chỉ có cái bánh mỳ lót dạ hồi chiều nên tất cả đều đói và mệt. Thế nhưng không một lời than thở, ai cũng vui và tự hào vì được sống trong bầu không khí của ngày hội lớn”.

Chị Vũ Thùy Linh, một cựu sinh viên khác của trường CĐ Sư phạm Nhạc Họa T.Ư, không cho rằng công việc tình nguyện ở SEA Games 22 là một sự hy sinh. “Trước ngày khai mạc, chúng tôi phải làm công tác chuẩn bị như ghép nhựa lên mặt sân đến 1h sáng”, chị Linh, giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Uông Bí, kể, “Thời điểm diễn ra trận đấu, tôi cùng các TNV giúp điều phối chỗ ngồi, hỗ trợ khán giả nên không được xem ĐT U23 Việt Nam đá. Thế nhưng khi tiếng nhạc, quốc ca cùng tiếng reo hò cất lên, cảm xúc vui sướng khôn tả dâng trào trong tôi”, chị nói.

Được khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện, hòa vào bầu không khí sục sôi của sân vận động rợp cờ hoa và cảm nhận tình yêu Tổ quốc trong những tiếng hô “Việt Nam” là một trải nghiệm không thể nào quên. Trương Văn Cường, một TNV năm ấy, thậm chí còn nhớ rõ quãng thời gian từ tập huấn trước giải, những câu chuyện lịch sử thủ đô được nghe từ giáo sư sử học Lê Văn Lan, tới khoảnh khắc cả sân vận động vỡ òa khi Phạm Văn Quyến ghi bàn.

“Những kỷ niệm ấy sẽ theo tôi đến mãi cuộc đời, và tôi luôn tự hào vì đã góp phần nhỏ bé trong ngày hội lớn của cả dân tộc”, anh Cường chia sẻ.

Gần hai thập kỷ trôi qua và SEA Games trở lại trên mảnh đất hình chữ S. Như những người đi trước, thế hệ sinh viên hiện tại lại hồ hởi trở thành một phần của sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Để sẵn sàng cho SEA Games 31, 3.000 TNV đã được lựa chọn với chủ lực là sinh viên. Trong đó, 2.000 TNV làm nhiệm vụ tại Hà Nội và 1.000 TNV làm nhiệm vụ tại các địa điểm còn lại.

TNV được coi là huyết mạch của các sự kiện thể thao, với vai trò quan trọng trong việc giao tiếp, kết nối và hỗ trợ các đoàn thể thao, VĐV, đội ngũ tác nghiệp, khán giả cũng như lượng lớn du khách. Vì vậy, trở thành một TNV không hề dễ dàng. Họ phải đảm bảo nền tảng sức khỏe tốt, trình độ ngoại ngữ, sự hiểu biết xã hội và khả năng giao tiếp. Trên hết, cần có sự tự giác, nhiệt huyết, năng động và tinh thần trách nhiệm cao. TNV buộc trải qua quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi được phân bổ vào các ban như Lễ tân - Khánh tiết, MC - Phiên dịch, Tháp tùng VIP, Tháp tùng quan chức - trọng tài quốc tế, Đội thể thao các nước, Tiểu ban Y tế - Doping, Giao thông, An ninh, Hậu cần, Đội trao thưởng, Nhà thi đấu...

Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, chia sẻ rằng, lượng người dự tuyển quá đông trong khi số người được chọn không nhiều. Theo Thành đoàn Hà Nội, đến ngày 10/4, có hơn 5.000 lượt đăng ký. Dung đã “rất thất vọng khi không nhận được mail xác nhận trúng tuyển, sau đó vỡ òa lúc phát hiện ra nó nằm ở mục spam”.

Dung sinh năm 2003, đúng vào năm SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam. Lớn lên với niềm yêu thích thể thao, cô đã tìm hiểu về giải đấu và ấn tượng với biểu tượng Trâu Vàng tới mức viết về nó trong bài thuyết trình năm lớp 7. Đó là lý do thôi thúc cô sinh viên năm nhất “phải trở thành TNV để được đắm mình trong không khí ngày hội, đồng thời giúp người nước ngoài cảm nhận sự mến khách, thân thiện và nhiệt tình của con người Việt Nam”.

Để có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người địa phương đến với bạn bè quốc tế, Dung cũng như các TNV khác phải tìm hiểu, tự nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hoá và du lịch. Ngoài ra, họ cũng cần trang bị kiến thức cơ bản về các môn, luật thi đấu nhằm truyền đạt, cung cấp thông tin, đảm bảo tiến trình diễn ra thuận lợi.

Vương Thùy Dương, một trong 1.350 TNV đến từ trường ĐH Hà Nội, nói: “Mình thuộc ban MC - Phiên dịch nên cần trau dồi các từ vựng liên quan đến thể thao nhiều hơn, đồng thời tìm hiểu các quy tắc ứng xử khi đón tiếp đại biểu VIP, quy tắc trên bàn ăn. Mỗi bạn TNV đều đại diện cho hình ảnh đất nước nên cần được “training” rất kỹ, đồng thời phải rất cẩn trọng từ cách dùng từ đến ứng xử sao cho phù hợp và không để lại ấn tượng xấu”.

Về cơ bản, TNV là cầu nối giữa VĐV, ban tổ chức, truyền thông và người hâm mộ. Họ tham gia vào mọi khía cạnh, sau đó biến SEA Games thành một đại gia đình, nơi tất cả đều sẽ nở cụ cười. Trọng trách của họ rất lớn, song như Dương chia sẻ, “không nên quá lo lắng và đừng ngại áp lực, hãy làm việc hết mình, vui chơi hết mình rồi bạn sẽ nhận lại được những gì bạn xứng đáng”.

Lướt qua group chính thức của TNV SEA Games 31 trên Facebook, có thể thấy nhiệt huyết sôi trào của các bạn trẻ. Nguyệt Nguyễn “nhắn tìm đồng đội” đến từ Hưng Yên, Hồ Sỹ Tâm ở Nghệ An tìm người ở ghép trong thời gian tình nguyện tại thủ đô, La Bửu Huy hô hào lập team TP Hồ Chí Minh... Họ sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc để góp sức cho một kỳ Đại hội thành công.

Là một phần của SEA Games 31, họ không nề hà cũng không yêu cầu bất cứ điều gì. Họ, đơn giản là tình nguyện, và động lực chính là tình yêu đối với công việc này. Những người mới hôm qua còn chưa biết nhau nay trở thành một khối, sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở, chia sẻ tiền phòng, phương tiện đi lại.

Ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á chưa bắt đầu nhưng các TNV đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết khi tất cả hòa chung cảm xúc và theo đuổi mục tiêu chung. Tất cả vì một SEA Games thành công, vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Võ sỹ Thu Nhi bị thu hồi đai WBO thế giới, không dự SEA Games 31

(Tin thể thao, tin SEA Games) Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi bị thu hồi đai WBO chuyên nghiệp thế giới và cũng không tham dự SEA Games 31 tới đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hải ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN