Những môn sinh võ thuật đặc biệt

Tay run run, chân khập khiễng, nhưng đứa trẻ khuyết tật vẫn ra những đòn Aikido tự vệ và khống chế được kẻ xấu mỗi khi bị tấn công bất kể phía trước, sau hay bị nắm cả hai tay.

“Võ nhạc” cho võ sinh đặc biệt

Mỗi sáng thứ tư hằng tuần, nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TPHCM lại rộn ràng tiếng cười, những tiếng “hây ha” có lúc “ấm ớ”. Đó là âm thanh của những người bị hội chứng tự kỷ, down, khiếm thính… vang lên mỗi khi các em ra đòn đốn hạ đối thủ.

Huấn luyện viên của các em là võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, người hơn 50 năm dạy võ cho người khuyết tật. Học viên của võ sư Loan hoàn toàn là những người khuyết tật, không phân biệt độ tuổi, có em nhỏ nhất nay mới 7 tuổi, người lớn thì đã ngoài 40 và gắn bó với lớp gần chục năm qua.

Những môn sinh võ thuật đặc biệt - 1

Võ sư Loan chỉ từng thế võ cho học viên. Ảnh: Ngô Bình

Nhìn hơn 40 học viên xếp hàng ngay ngắn, vừa múa vừa hát, tay đan vào nhau rồi đưa ra trước, vòng ra sau, chân đan chéo, có lúc đấm, đá về phía trước, không ai nghĩ đó là những thế võ mà các học viên đang thực hiện. Kết thúc mỗi bài hát, các học viên lại được tự do tản ra bắt đôi tập luyện kèm theo sự hướng dẫn của võ sư và các tình nguyện viên.

Đến với lớp học võ thuật khi tay chân gần như bị liệt, não kém phát triển, vậy mà Sương Mai đã có thời gian 4 năm theo học. Mai kể từ ngày học lớp võ thuật đã giúp sức khỏe và tinh thần em phát triển tốt hơn. Anh Phước (bố Sương Mai) cho biết, thời điểm Sương Mai chưa đi học, ở nhà em chỉ biết ngồi một chỗ, không nói được và cũng không muốn hoạt động gì. Khi nghe có lớp võ đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật, anh Phước đưa con đến xin nhập học.

“Trước khi đi học bé không đi ra khỏi nhà, sau thời gian theo học lớp võ, tôi thấy tinh thần và thể chất Sương Mai phát triển tốt hơn hẳn. Đến nay, Sương Mai có thể tự đi xe đạp từ nhà đến nhà thi đấu để học và tự về nhà được”, anh Phước nói.

Đang miệt mài tập các thế tấn công, phòng thủ cùng các võ sinh khác, thấy có người đến hỏi thăm, chị Thuận (35 tuổi) theo học lớp võ được hơn 3 năm chạy lại ba lô lấy điện thoại mở hình những giải thưởng đạt được trong các cuộc thi võ dành cho người khuyết tật khoe. “Học nhiều mệt lắm, lát nữa lại đi đá banh nữa đó. Học mệt nhưng vui lắm”, Thuận nói rồi vẫy tay kêu chúng tôi ra sân tập xem chị nhào lộn, ra thế võ quật ngã đối phương. Sau mỗi động tác thực hiện được, nhóm học viên lại vỗ tay hoan hô khích lệ.

Cẩn thận nắn tay, uốn lưng, thủ thế cho những bạn nhỏ, võ sư Loan cho biết, bà đến với Aikido từ khi còn trẻ. Ban đầu chỉ dạy võ cho những người khiếm thị tại trung tâm văn hóa thể thao quận 3, TPHCM.

Lớp võ tại nhà thi đấu Phú Thọ chủ yếu là học viên bị down, tự kỷ, những người này rất khó tiếp thu vì không chịu làm theo những động tác võ mà cứ đứng im hoặc quay đi chỗ khác. Thời gian sau, võ sư Loan nghĩ ra phương pháp áp dụng các bài nhạc vào cho các em vừa hát, vừa múa các thế võ và bà không ngờ phương pháp này lại đem lại hiệu quả bất ngờ.

Bà Loan nói: “Những đứa trẻ tự kỷ rất khó dạy vì họ sợ tiếp xúc với người khác nên ban đầu không thể đụng vào người để hướng dẫn, hay những động tác chỉ tay cũng không chịu thực hiện. Khi tôi dạy các em hát rồi múa theo lời bài hát để đưa các thế võ vào thì các em làm được nên mỗi buổi tập võ cũng là buổi tập nhạc để trẻ thấy vui mà học”.

Mỗi thế võ một nụ cười

Học võ với người bình thường là điều khó khăn, đối với những người khuyết tật càng khó khăn bội phần. Không đơn thuần chỉ là học võ, những đứa trẻ đến đây để học sự hòa nhập với cộng đồng, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa.

Với huấn luận viên, mỗi học viên là một ẩn số và phải tìm cách để đưa các em hòa vào với lớp học. Đặc biệt là với trẻ tự kỷ, mỗi khi các em thực hiện được một động tác hay tư thế nào đó, võ sư, tình nguyện viên và cả lớp học vỗ tay reo hò, cổ vũ nếu không các em sẽ chán và tìm một góc sân ngồi.

Những môn sinh võ thuật đặc biệt - 2

Khoá tay, quật ngã đối thủ

Bà Nguyễn Thị Thu, bà nội của học viên tên Tâm,  cho biết, Tâm sinh ra đã bị hội chứng down từ nhỏ. Mẹ mất sớm còn bố đi làm suốt ngày nên để con nằm ở nhà. Thời gian kéo dài khiến tay chân tâm bị co quắp, rúm ró.

Bà tình cờ nghe đến lớp võ miễn phí cho trẻ khuyết tật nên dẫn cháu đến tham gia. “Thời gian đầu tay chân nó cứng đơ, không hoạt động được mà cũng không nói, không cười cứ lẻn vào góc tường ngồi cúi mặt xuống. Hàng ngày tôi đưa cháu đến, ngồi bên động viên rồi võ sư cùng các bạn khác vừa học vừa động viên nên Tâm mới lên học”, bà Thu nói.

Theo bà Thu , đến nay Tâm đã theo học lớp võ thuật được hơn 2 năm và bé hòa nhập với bạn bè tốt hơn, mặc dù nhiều lúc vẫn lủi thủi một mình. “Không biết võ cháu nó có học được gì không, mà tôi cũng không cần cháu phải biết võ. Đến lớp được hai năm, cháu tôi biết cười, vỗ tay và đi đứng linh hoạt là tôi mừng quá rồi”- bà Thu hớn hở.

Những môn sinh võ thuật đặc biệt - 3

Múa, hát cũng là học võ

Võ sư Loan cho biết, trước đây bà chỉ dạy võ cho người khiếm thị là vô cùng khó khăn bởi, học võ điều quan trọng nhất là phải nhìn động tác để thực hiện theo. Nhưng những học viên của bà đa số là khiếm thị, thậm chí có những người mù hẳn.

Nhiều ngày trăn trở làm sao để tìm phương án dạy cho những học viên này. Bà Loan nghĩ ra, những người này còn có thính giác và xúc giác rất tốt. Mỗi buổi học, bà phải miêu tả chi tiết từng động tác để người nghe mà không nhìn vẫn hiểu để tưởng tượng ra thế võ. Đồng thời, bà cầm tay từng người để uốn nắn.

“Sau thời gian dài luyện tập, các em tiếp thu tốt và thực hiện được các thế võ phòng thủ, khóa tay đối phương. Trong một cuộc thi võ thuật cho người khuyết tật, tôi cho học viên khiếm thị đi thi. Em này cầm gậy dò đường và bị kẻ xấu giật gậy, tấn công từ trước, sau, khóa hai tay. Nhưng với các thế võ được học, em vẫn hóa giải được các đòn tấn công và khống chế kẻ xấu. Sau cuộc thi, nhiều phụ huynh và trẻ khuyết tật tìm đến mong được học”, bà Loan nói.

Bà Loan kể, khoảng đầu năm 2005, khi bà đang dạy ở lớp võ cho người khiếm thị thì có một phụ huynh dẫn con bị bệnh down đến trước cửa phòng tập từ sáng sớm đứng đợi đến khi lớp tan học bà mới dắt con vào xin học. Do thời điểm đó bà chỉ dạy cho người khiếm thị nên buộc phải từ chối.

Sau đó, nhiều ngày liên tục bà bị ám ảnh bởi đứa trẻ và người mẹ nên quyết định đề nghị được nhận toàn bộ học viên khuyết tật chứ không riêng người khiếm thị. “Lúc từ chối, tôi nhìn thấy sự thất vọng tràn trề của người mẹ và hai mắt đỏ hoe, ướt đẫm của đứa trẻ. Nó ám ảnh tôi suốt khiến tôi không thể ngủ yên bởi những đứa trẻ khuyết tật khác cũng cần được đối xử công bằng nên tôi đề nghị được nhận các em và mở một lớp riêng để dạy”.

Đến nay, bà Loan đang đảm nhận hai lớp chuyên biệt, một ở nhà thi đấu Phú Thọ và một lớp ở trung tâm văn hóa thể thao quận 3. Các học viên đặc biệt đến với lớp này không chỉ học võ mà còn học tiếng Việt, tiếng Anh, bóng đá, bơi lội…

Chỉ tay vào học viên 21 tuổi tên Thành, bà Loan cho biết, khi mới đến lớp học. Thành còn phải đeo yếm vì nước miếng chảy dài cả ngày, Thành còn không biết nói, không tiếp xúc với người ngoài. Đến nay, Thành đã theo hoc ở lớp được 8 năm, có thể nói được mặc dù còn lắp bắp và tự đi xe đạp từ nhà đến lớp, về nhà còn phụ cha mẹ việc lau nhà, rửa chén…

Đều đặn mỗi ngày đưa con bị tự kỉ đến lớp học, anh Trần Văn Sơn cho biết, từ khi đến lớp học con anh phát triển tốt hơn hẳn “Ban đầu đến lớp bé không chịu học, phải mất một tháng trời cho cháu đến xem các bạn học rồi cô giáo “dụ dỗ” mãi bé mới chịu. Đến nay, bé đã hoạt bát hơn hẳn, hay nói và cười nhiều hơn”, anh Sơn kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Bình (Tienphong.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN