NHỮNG KỲ SEA GAMES LỊCH SỬ CỦA THỂ THAO VIỆT NAM (*): Gian nan hội nhập
Vắng mặt tổng cộng 7 kỳ đại hội sau khi nước nhà thống nhất, thể thao Việt Nam từ SEA Games 1989 đã trải qua không ít gian nan trên hành trình hòa nhập, trước khi khẳng định vị thế là một trong các cường quốc thể thao của khu vực
Năm 1965, Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games Federation) kết nạp thêm thành viên mới Singapore, sau khi quốc gia này tách khỏi Liên bang Malaysia và tuyên bố độc lập.
Tìm kiếm sự khẳng định
Năm 1977, SEAP Games chính thức được đổi tên là SEA Games khi có thêm các quốc gia thành viên bên ngoài bán đảo Đông Nam Á là Indonesia và Philippines. Hai năm sau, SEA Games kết nạp thêm Brunei, trước khi có thêm sự hiện diện của thể thao Đông Timor nhân kỳ đại hội được tổ chức tại Việt Nam năm 2003.
Bóng đá Việt Nam giành HCĐ tại SEA Games 1997 ở Indonesia .Ảnh: ĐÀO TÙNG
Dự 7/8 kỳ đại hội đầu tiên khi còn mang danh xưng SEAP Games nhưng rồi phải vắng mặt liên tiếp 7 đại hội sau đó, thể thao nước Việt Nam thống nhất chính thức góp mặt trở lại ở đấu trường SEA Games từ năm 1989 theo đúng ý nghĩa tái hòa nhập, học hỏi bạn bè quốc tế để hướng đến sự phát triển ở một tầm cao mới.
Ở giai đoạn đầu tiên (1989-1995), thế mạnh của thể thao Việt Nam (TTVN) chủ yếu tập trung vào bắn súng và võ thuật - karatedo, judo, taekwondo - với hầu hết số HCV thuộc về các lĩnh vực thế mạnh này, chỉ vài môn có thể chen chân vào bảng vàng thành tích như đôi nữ bóng bàn (Trần Thu Hà, Nhan Vị Quân) tại SEA Games 1991, đơn nam bóng bàn (Vũ Mạnh Cường) tại SEA Games 1995, điền kinh (Vũ Bích Hường, 100 m rào nữ) tại SEA Games 1995... Đặc biệt, bóng đá nam đã vào đến chung kết SEA Games 1995, mở ra chặng đường mới dành cho môn thể thao vua trong sự quan tâm của người hâm mộ nước nhà.
Bước đột phá thành tích
Tại SEA Games 1997, lần đầu tiên trong giai đoạn tái hội nhập, TTVN vươn lên hạng 5/10 với số HCV lên đến 35, trong đó, ngoài "mỏ vàng" bắn súng và võ thuật, có đến 4 bộ môn lần đầu có nhà vô địch đại hội, gồm bóng bàn, billiards, thể dục dụng cụ và cử tạ. Bóng đá nữ ngay lần đầu tham dự đã giành được HCĐ - một khởi đầu suôn sẻ cho bộ môn hiện đứng đầu cả Đông Nam Á.
Bốn năm sau, tại Brunei, TTVN lưu lại dấu ấn khi điền kinh lần đầu giành đến 2 HCV do công của Phan Văn Hóa và Phạm Đình Khánh Đoan trên đường chạy 800 m nam, nữ; xe đạp cũng lần đầu tiên sau năm 1975 có HCV nội dung băng đồng nữ (Nguyễn Thị Thanh Huyền) trong khi bóng đá nam lần thứ nhì giành HCB ở một kỳ đại hội có đủ 10 quốc gia thành viên cử đội tuyển tham dự.
Cũng thời điểm này, Việt Nam tham gia trở lại đấu trường Olympic, ASIAD đồng thời ráo riết chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 22 - 2003 về cơ sở vật chất thi đấu lẫn chuẩn bị lực lượng cho những cuộc tranh tài trong tương lai, tạo tiền đề cho bước đột phá thành tích sau đó.
Trên hành trình gian nan nhưng đầy vinh quang này, TTVN đã cải thiện tích cực diện mạo lẫn thành tích của chính mình. Từ lần góp mặt trong 5 hạng đầu năm 1997, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 4 ở kỳ đại hội diễn ra sau đó 4 năm tại Malaysia rồi "vượt vũ môn" chạm tay đến vị trí số 1 toàn đoàn tại SEA Games 2003 trên sân nhà với hơn 150 HCV.
Kể từ đó, TTVN luôn góp mặt trong tốp 3 ở tất cả các kỳ SEA Games, bao gồm cả 2 lần xếp thứ nhì đại hội vào năm 2009 (Lào) và 2019 (Philippines)…
Kỳ tới: Đường lên đỉnh vinh quang
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin điền kinh) “Nữ hoàng cự ly ngắn” Lê Tú Chinh bất ngờ không thể tham dự SEA Games 31 vì chấn thương trong quá trình tập luyện.