Những khoảnh khắc ấn tượng SEA Games 27

Người giành được HCV, người không nhưng những nỗ lực của các VĐV vì thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2013 vẫn để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Xen kẽ những hình ảnh hạnh phúc, tự hào của đoàn thể thao Việt Nam trên bục nhận huy chương, SEA Games 2013 vẫn có nhiều khoảnh khắc lắng đọng và đầy xúc động mà ở đó, đôi khi người thất bại lại tạo ấn tượng mạnh nhờ vượt qua nghịch cảnh.

Nước mắt vui buồn cùng điền kinh

Với chỉ tiêu 10-12 HCV, tức phải gánh 1/7 số HCV mà cả đoàn thể thao Việt Nam muốn giành trên đất Myanmar, toàn đội điền kinh ai cũng đều nỗ lực tối đa vì mục tiêu chung. Chính áp lực thành tích, sức ép vô hình từ BTC hay những quyết định tranh cãi của trọng tài đã khiến không ít người phải bật khóc ở đích đến. Trong đó, chị em VĐV đi bộ Nguyễn Thanh Phúc, Nguyễn Thanh Ngưng là những người cay đắng nhất.

Những khoảnh khắc ấn tượng SEA Games 27 - 1

Những khoảnh khắc ấn tượng SEA Games 27 - 2

Quách Thị Lan (trái) gần đích đến trước khi gục ngã Ảnh: REUTERS

Những hình ảnh, băng hình đã chứng minh VĐV giành HCV chủ nhà Myanmar phạm quy rất rõ ràng nhưng Phúc vẫn chỉ được nhận HCB. Em trai của Phúc thậm chí còn bị tước luôn HCB. Hai chị em đã khóc rất nhiều nhưng ở một cuộc chơi trị giá “ao làng”, họ phải chấp nhận sự nghiệt ngã, bất công mà không ít đồng nghiệp phải chịu.

Sau những giọt nước mắt của Thanh Phúc - Thanh Ngưng, nhiều người lại xúc động mạnh khi chứng kiến hình ảnh nữ VĐV Quách Thị Lan gục ngã ngay ở đích đến của nội dung chạy 400 m vượt rào nữ. Trước khi bất tỉnh, Lan vẫn kịp rướn qua vạch đích để giành HCB.

Sự chậm trễ trong việc sơ cứu của tổ y tế do nước chủ nhà bố trí tại sân đã khiến Lan mất tri giác tạm thời. May mắn là sau đó, cô vẫn bình an vô sự với kết luận kiệt sức. Riêng ban huấn luyện điền kinh Việt Nam được một phen khiếp vía vì nếu Lan đột quỵ, không hiểu tình huống xấu nào sẽ xảy ra.

Cũng vì sợ sẽ có những người khác giống Quách Thị Lan nên với trường hợp Phạm Thị Bình, nhà vô địch chân trần từng mổ bệnh tim, ban huấn  luyện rất cẩn trọng. Sau khi khiến cả Đông Nam Á kinh ngạc vì đi chân trần vượt qua quãng đường hơn 42 km để xuất sắc giành HCV marathon nữ, cô gái người Quảng Ngãi đã hoàn toàn kiệt sức.

Dù được nghỉ ngơi đến 4 ngày nhưng chân tay Bình không thể vận động mạnh. Ban huấn luyện buộc phải ngăn cô, không để tham dự nội dung chạy 10.000 m vì sợ chuyện không hay.

“Độc cô cầu bại” 4 năm mới có HCV

Hiếm có ai kiên nhẫn tìm “vàng” như nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa, người có thể xem là tiêu biểu cho ý chí nhẫn nại, vượt nghịch cảnh. Được mệnh danh là “độc cô cầu bại” của làng vật khu vực nhưng trước khi đến Myanmar, chưa bao giờ Lụa được nếm trải hương vị dự SEA Games. Biết Lụa quá mạnh nên các đối thủ trong khu vực đều cố tình tránh mặt cô. Tại SEA Games 2009, khi đã sang đến Lào, Lụa mới hay tin các đối thủ đồng loạt không tham gia, buộc hạng cân 48 kg nữ phải bị hủy bỏ.

Sau khi chứng kiến Lụa xuất sắc giành HCB Á vận hội Quảng Châu 2010, đến SEA Games 2011, dù đã cố tăng cân lên 51 kg nhưng khi thấy tên Lụa, nước chủ nhà Indonesia bỏ luôn hạng cân này khiến cô phải khóc nghẹn trở về nhà. Lụa tiếp tục chờ đợi và lần này đã được thỏa ước mong dự SEA Games ở Myanmar. Gặp liên tiếp 4 đối thủ, mất chưa đầy 2 phút tranh tài, Lụa thắng tuyệt đối, lần đầu tiên trong đời giành được HCV SEA Games.

Trên bục nhận huy chương, Lụa đứng hơi khom mình vì cái đầu gối phải bị đau bó bột suốt nhiều tháng qua. Đó là hệ quả từ việc tập luyện gian khổ để nâng hạng cân. Lụa đã khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Vinh quang thế giới và châu lục Lụa đã nhận rất nhiều nhưng phải chờ hơn 4 năm, cô mới có được vinh quang ở đấu trường khu vực.

Mất HCV vẫn được thưởng trên 3 tỉ đồng

Dù đội tuyển nữ Việt Nam không thể giành được HCV sau thất bại 1-2 trước tuyển Thái Lan ở trận chung kết đêm 20-12 nhưng trước những nỗ lực của toàn đội, VFF đã quyết định trao thưởng cho thầy trò HLV Trần Vân Phát 3 tỉ đồng. Trong đó, 1,5 tỉ đồng trích từ quỹ treo thưởng cho đội U23 Việt Nam vốn bị loại ngay vòng bảng. Trước trận chung kết, VFF đã treo thưởng cho tuyển nữ 2 tỉ đồng nếu đoạt chức vô địch, nếu đoạt ngôi á quân được thưởng 1,5 tỉ đồng, còn giành HCĐ nhận 1 tỉ đồng.

Số tiền trên được xem là sự khích lệ tinh thần lớn mà VFF muốn dành cho đội tuyển nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi nhưng lại đang có cơ hội tranh vé dự VCK World Cup nữ 2015. Thay mặt toàn đội, đội trưởng Kiều Trinh cho biết sau khi trở về Việt Nam, toàn đội sẽ nỗ lực tập luyện hơn nữa để cố gắng thi đấu tốt nhất tại VCK Asian Cup nữ vào tháng 5-2014 tại TP HCM - giải đấu quyết định các suất dự VCK World Cup nữ 2015 ở Canada.

Ngoài khoản tiền thưởng 3 tỉ đồng từ VFF, đội tuyển nữ còn nhận thêm 300 triệu đồng từ một mạnh thường quân. Trước đó, sau trận chung kết, một số CĐV cuồng nhiệt của bóng đá Việt Nam đã thưởng nóng cho các cầu thủ 1.000 USD ngay tại sân Mandalay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A.Dũng (nld.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN