Những điểm nhấn trong bảng xếp hạng ATP cuối mùa
Có nhiều điểm mới lạ ở bảng xếp hạng trong năm mà ATP vừa công bố, cụ thể là trong Top 100, qua đó có thể thấy cán cân quyền lực ở sân chơi nam đã có sự dịch chuyển nhất định.
Từ con số
Có đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau có đại diện của mình trong Top 100, vượt qua kỷ lục cũ (37) được thiết lập trong năm 2010-2011. Trong số này có 2 cái tên mới gia nhập là CH Dominica với Burgos ở hạng 79 và Tunisia với Jaziri ở hạng 75.
Còn xét về mặt địa lý thì trong Top 10 có 66 tay vợt đến từ châu Âu, 19 của châu Mỹ, 13 của châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi chỉ có 2 đại diện. Quốc gia có nhiều đại diện nhất trong Top 100 chính là Tây Ban Nha với 12 đại diện, trong đó có đến 5 tay vợt nằm trong Top 20. Xếp kế tiếp là Pháp với 9 thành viên, trong đó 7 tay vợt có tên trong Top 50.
Về độ tuổi, Coric của Croatia là thành viên ít tuổi nhất (18), kế tiếp là Kyrgios của Úc ở tuổi 19. Trong khi đó, Tommy Haas (36) là tay vợt lớn tuổi nhất và thứ hạng hiện tại của anh là 77.
Kei Nishikori là tay vợt đầu tiên của châu Á lọt vào trận chung kết Grand Slam
Còn xét trong số những tay vợt cựu trào thì Federer đã tạo nên dấu ấn trong lịch sử khi trở thành tay vợt số 2 TG lớn tuổi nhất và đây là năm thứ 13 liên tiếp anh kết thúc mùa giải với một vị trí trong Top 10 (bằng Ivan Lendl và chỉ thua Andre Aggasi và Jimmy Connors đồng sở hữu kỷ lục với 16 năm).
Trong khi đó, Djokovic khẳng định sự vượt trội bằng thành tích là tay vợt số 1 lần thứ 3 trong 4 năm. Ngoài ra, Ferrer là tay vợt lớn tuổi thứ 2 có tên trong Top 10 và đây là năm thứ 5 liên tiếp anh có tên trong nhóm này. Cũng có thể nhắc đến Murray có năm thứ 7 liên tiếp kết thúc mùa giải ở một vị trí trong Top 6 và cuối cùng là Berdych có năm thứ 5 liên tiếp có tên trong Top 10 khi mùa giải kết thúc.
Đến sự kiện
Trong số những điểm mới lạ mang tính đột phá trong bảng xếp hạng năm nay, cái tên Nishikori được ca tụng nhiều nhất khi anh kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5, một bước tiến vượt bậc so với thứ hạng 21 hồi giữa tháng 3. 2014 chính là mùa giải thành công nhất trong sự nghiệp của Nishikori khi anh đã tạo nên những dấu ấn để đời.
Cụ thể, Nishikori là tay vợt đầu tiên của châu Á lọt vào trận chung kết Grand Slam. Bên cạnh đó, anh cũng trở thành tay vợt đầu tiên của châu Á được quyền dự World Tour Finals và trận bán kết giữa anh với Djokovic ở London đã thu hút đến 10 triệu người xem trên kênh truyền hình Asahi của Nhật, dù trận đấu ấy diễn ra trong khoảng thời gian 11g đêm đến 1 giờ sáng theo giờ Nhật. Còn một điểm nhấn nữa: Nishikori trở thành tay vợt đầu tiên của châu Á kết thúc năm trong Top 10 nên việc anh tạo ra cơn sốt ở Nhật cũng là điều dễ hiểu.
Cũng như Nishikori, Raonic đã làm rạng danh quần vợt Canada khi anh trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử nước này kết thúc mùa giải ở một vị trí trong Top 10. Ngoài ra Raonic còn là tay vợt đầu tiên thuộc thế hệ 9x có tên trong nhóm này khi mùa giải kết thúc. Một cái tên nữa cũng làm báo giới tốn không ít giấy mực là Cilic khi anh đã có danh hiệu Grand Slam đầu tiên lúc đăng quang ở Mỹ mở rộng.
Tay vợt của Croatia này chính là người tạo ra bước nhảy lớn nhất về thứ hạng khi từ hạng 37 ở cuối mùa trước anh đã vươn lên hạng 9 ở thời điểm này. Và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 có 3 cái tên mới (Nishikori, Raonic và Cilic) xuất hiện trong Top 10 vào cuối mùa giải và đó cũng chính là 3 tay vợt lần đầu tiên được quyền dự World Tour Finals.