Những bài học nóng từ 1 giải tennis "lem nhem"
Giải đấu được kỳ vọng sẽ là nơi tranh tài của những tay vợt xuất sắc nhất quốc gia trong năm nay đã kết thúc với những ấn tượng không lấy gì làm đẹp mắt của chính những người trong cuộc và để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm với chúng ta.
Công tác tổ chức sơ sài khiến giải “mất khách”
Giải Quần vợt VĐQG 2015 đã thiếu vắng sự tranh tài của những tên tuổi đình đám trong làng banh nỉ nước nhà như Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Hoàng Thiên, cộng thêm việc công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp khiến cho số lượng khán giả đến Cung thể thao Mỹ Đình lại càng thêm đìu hiu.
Những hình ảnh không đẹp của Ban tổ chức, tổ trọng tài hay các tay vợt tham dự giải đấu số 1 quốc gia cũng khiến người hâm mộ “quay lưng” với giải đấu này. Điển hình nhất trong số những hình ảnh phản cảm ở giải Quần vợt VĐQG năm nay chính là việc xuất phát từ những bức xúc từ quyết định của trọng tài, tay vợt Hoàng Thành Trung (đội TP.HCM) đã ném cây vợt của mình xuống sân rồi quay sang cởi áo, ném xô nước của ban tổ chức và không chịu thi đấu tiếp.
Hoàng Thành Trung (áo đỏ) đã có một hành vi đáng chê trách tại giải Quần vợt VĐQG 2015
Ngoài tình huống xấu xí này, giải đấu năm nay cũng ghi nhận những pha tranh cãi giữa các tay vợt về các quyết định xử lý của trọng tài khiến cho giải Quần vợt VĐQG vốn đã vắng khán giả lại mang một diện mạo rất thiếu chuyên nghiệp.
Công tác tổ chức kém của giải năm nay thực sự là một vấn đề. Vẫn như mọi năm, giải Quần vợt VĐQG chẳng được mấy người biết đến vì công tác truyền thông gần như là không có. Những khán đài vắng vẻ cũng là khung cảnh được dự đoán từ trước.
Hai trận chung kết đơn nữ và đơn nam diễn ra trên 2 sân đấu chỉ cách nhau bởi một tấm vải che hời hợt màu xanh, trong khi trên khán đài chỉ lèo tèo vài người xem.
Rõ ràng, ở một khung cảnh như vậy, có lẽ nhiều tay vợt nghĩ rằng nếu có bức xúc một chút, nổi nóng một chút chắc cũng không mấy ai để ý. Nếu giải được tổ chức quy củ hơn, đông khán giả hơn, chắc chắn các VĐV tennis trước khi định hành động thiếu kiềm chế cũng sẽ phải nghĩ cho kĩ.
Các tay vợt bức xúc cũng bởi công tác trọng tài của giải chưa được tốt. Những trọng tài biên dọc làm nhiệm vụ ở giải năm nay chủ yếu học chuyên ngành Tennis ở Đại học Thể dục thể thao, tức là không có chuyên môn trọng tài, điều khiển trận đấu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Trong khi đó, trọng tài chính và trọng tài biên lại thường xuyên có những tình huống xử lí thiếu quyết đoán dẫn đến những tình huống cho đánh lại cả pha bóng bởi bản thân trọng tài chính cũng không xác định được bóng đã ra ngoài hay chưa.
Phát biểu về vấn đề này, tay vợt Phạm Minh Tuấn – người giành chức vô địch đơn nam giải Quần vợt VĐQG 2015 chia sẻ: “Trọng tài năm nay có nhiều lỗi về nhận định. Em nghĩ cũng là do giải căng thẳng thôi. Lỗi diễn ra khi trọng tài biên và trọng tài chính không thống nhất được ý kiến về nhận định.”
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Việt Nam thì bày tỏ quan điểm: “Khi bắt các trận quốc tế thì tôi thấy các anh ấy (trọng tài Việt Nam) bắt tốt hơn các trận trong nước, lí do có thể là tâm lí thoải mái hơn. Còn ở đây (giải quốc nội) thì có lẽ họ bị tác động bởi nhiều yếu tố, vì trọng tài cũng chỉ là con người thôi, đôi khi họ cũng có sự phân tâm, chưa dứt khoát và kiên quyết trong một số trường hợp. Mà dứt khoát và kiên quyết là yếu tố mang lại cái uy cho trọng tài.”
Một chi tiết đáng suy ngẫm liên quan đến công tác đào tạo những người “cầm cân nảy mực” trên sân quần vợt của chúng ta đó là: Trong lớp học trọng tài được Liên đoàn quần vợt thế giới tổ chức tại Việt Nam năm ngoái, 25 trọng tài Việt Nam thi thì chỉ có một người là đạt.
Có lẽ, đây sẽ là một vấn đề “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!” của quần vợt Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung trong thời gian dài nữa.