Nhìn lại 1 năm ấn tượng Esports Việt Nam

Năm 2022 đánh dấu sự trở lại sôi nổi của Thể thao điện tử - Esports Việt Nam sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, điểm nhấn nổi bật đến từ thành tích ấn tượng tại các đấu trường quốc tế.

Cú hích từ SEA Games 31

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 được tổ chức tại Việt Nam là kỳ thứ 2 mà Thể thao điện tử được tính vào các nội dung cạnh tranh huy chương. So với lần đầu tiên ở Philippines (2019), Esports Việt Nam đã cho thấy bước tiến vượt bậc trong kỳ SEA Games được triển khai trên sân nhà.

Đội tuyển Free Fire Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 (Ảnh: Garena Việt Nam)

Đội tuyển Free Fire Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 (Ảnh: Garena Việt Nam)

Cụ thể, Esports Việt Nam gặt hái được 4 huy chương vàng và 3 huy chương bạc để giành vị trí nhất toàn đoàn, trong khi ở kỳ SEA Games 30 trước đó, chúng ta chỉ giành được 3 huy chương đồng và xếp ở vị trí thứ 6.

Với thế mạnh ở các bộ môn thi đấu trên máy tính, Esports Việt Nam giành được 2 tấm huy chương vàng đầy thuyết phục ở các bộ môn Liên minh huyền thoại và Đột kích.

Đội Liên minh huyền thoại Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 31 (Ảnh: GAM Esports)

Đội Liên minh huyền thoại Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 31 (Ảnh: GAM Esports)

Còn về các bộ môn thi đấu trên điện thoại, dù vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đội mạnh trong khu vực, nhưng Esports Việt Nam vẫn xuất sắc mang về thêm 1 tấm huy chương vàng ở bộ môn Tốc chiến và 1 tấm huy chương vàng nội dung cá nhân PUBG Mobile của VĐV Phan Văn Đông.

Đáng tiếc, bộ môn rất được ưa chuộng tại Việt Nam là Liên quân mobile lại không có được thành tích cao nhất ở SEA Games 31. Đội tuyển nước chủ nhà đã thất bại trước người Thái ở trận chung kết đành chấp nhận tấm huy chương bạc.

Liên quân mobile Việt Nam gây tiếc nuối khi chỉ giành được huy chương bạc (Ảnh: SGP)

Liên quân mobile Việt Nam gây tiếc nuối khi chỉ giành được huy chương bạc (Ảnh: SGP)

Ngoài Liên quân mobile, nỗi tiếc nuối còn đến từ nội dung tập thể của môn PUBG Mobile và môn FIFA online 4. Một chút thiếu may mắn và tập trung khiến 2 đội này hụt tấm huy chương vàng quý giá tại giải đấu được tổ chức trên sân nhà.

Tuy để lại không ít kết quả đáng tiếc, nhưng nhìn chung Esports Việt Nam đã có 1 kỳ SEA Games thành công rực rỡ. Đó là cú hích lớn để thúc đẩy phong trào Thể thao điện tử nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Ấn tượng với APL 2022 tại TP HCM

Ngoài điểm sáng từ SEA Games 31, dấu ấn lớn của Esports Việt Nam trong năm 2022 là việc nhiều giải đấu trong nước lẫn quốc tế được triển khai theo hình thức offline.

Cụ thể, các sự kiện thường niên như "Đấu trường danh vọng" (Liên quân mobile), "Đấu trường sinh tồn" (Free Fire), "Vietnam Championship Series" (Liên minh huyền thoại)… đã diễn ra các trận chung kết trực tiếp tại TP HCM với sự góp mặt của đông đảo khán giả.

Sân khấu diễn ra sự kiện Chung kết "Đấu trường sinh tồn mùa hè 2022" tại TP HCM (Ảnh: Garena Việt Nam)

Sân khấu diễn ra sự kiện Chung kết "Đấu trường sinh tồn mùa hè 2022" tại TP HCM (Ảnh: Garena Việt Nam)

Thậm chí, với nỗ lực từ đơn vị phát hành game ở Việt Nam, giải đấu Liên quân mobile thế giới - Arena of Valor Premier League (APL) đã được đăng cai tại TP HCM từ 16-11 đến 11-12-2022.

Đây là giải Liên quân mobile quốc tế thứ 3 được tổ chức offline tại Việt Nam, sau AIC 2018 (TP HCM) và AWC 2019 (Đà Nẵng). APL 2022 có sự tham gia của 12 đội đến từ Thái Lan, Indonesia, Việt Nam...

Giải đấu quốc tế APL là dấu ấn đặc biệt của Esports Việt Nam trong năm 2022 (Ảnh: Garena Việt Nam)

Giải đấu quốc tế APL là dấu ấn đặc biệt của Esports Việt Nam trong năm 2022 (Ảnh: Garena Việt Nam)

Với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1 triệu USD, giải đấu đã chứng kiến nhiều màn cạnh tranh quyết liệt và hấp dẫn. Trận chung kết là sự hiện diện của Saigon Phantom (Việt Nam) và Bacon Time (Thái Lan).

Được sự cổ vũ của đông đảo khán giả nhà có mặt tại Trung tâm tổ chức sự kiện White Palace, TP HCM, đại diện của Liên quân mobile Việt Nam đã thể hiện đầy nỗ lực trước đối thủ đến từ xứ chùa vàng.

Tuy nhiên, trước thực lực hùng hậu của đội Thái, Saigon Phantom đành chấp nhận về nhì chung cuộc và nhận số tiền thưởng 200.000 USD. Còn với chức vô địch, Bacon Time được nhận 400.000 tiền thưởng.

Đại diện chủ nhà – Saigon Phantom giành vị trí Á quân tại APL 2022 (Ảnh: Garena Việt Nam)

Đại diện chủ nhà – Saigon Phantom giành vị trí Á quân tại APL 2022 (Ảnh: Garena Việt Nam)

Việc triển khai thành công APL 2022 tại TP HCM, được dự báo sẽ mở ra cơ hội cho nhiều giải Thể thao điện tử quốc tế khác đến với Việt Nam trong tương lai, thậm chí có thể ngay ở năm 2023 này.

Nguồn: [Link nguồn]

Dàn hot girl múa cột tập xuyên Tết, lên kế hoạch đi biểu diễn nước ngoài

(Tin thể thao) Các hot girl múa cột nổi tiếng như Hoàng Thu Thảo, Thiên Phúc hay Thu Nga đều dành thời gian tập luyện trong dịp Tết, có người còn dự tính ra nước ngoài biểu diễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thi Nguyên ([Tên nguồn])
Esport - Thể thao điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN