Nhà vua giành 11 Roland Garros: Giải mã cỗ máy Nadal

(Tin tennis) Làm thế nào Nadal lại trở thành một cỗ máy chiến thắng ở Roland Garros?

Video cú đánh tinh quái của Nadal khiến Thiem bất lực:

Nhưng trước tiên, câu hỏi làm thế nào để Nadal hoá giải Thiem một cách dễ dàng đến thế có lẽ cần được giải đáp trước.

Cũng nên nhắc là không thiếu những đánh giá về việc Thiem xuất sắc và nhiều chuyên gia tin rằng nếu như làm giống cách Bolelli nhập cuộc, như Schwartzman bắt nhịp rồi cả Del Potro đã rất gần tới chiến thắng set 1, cơ hội của tay vợt Áo sẽ khá nhiều.

Nhà vua giành 11 Roland Garros: Giải mã cỗ máy Nadal - 1

Nadal quá mạnh ở sân đất nện

Hơn nữa Thiem 2 năm qua là người duy nhất thắng Nadal trên mặt sân đất nện, và trận thắng ở Madrid Masters 2018 có sự cạnh tranh thực sự chứ không phải Nadal giữ sức cho Roland Garros.

Bản thân Nadal cũng chơi không tốt ở chặng đường tiến tới chung kết tại Paris trong hai tuần vừa rồi, có nhiều hơn hai lần phải nhờ tới mưa mới tồn tại hoặc vượt qua khó khăn.

Nói như thế để thấy Nadal thắng Thiem ở chung kết không phải là đương nhiên. Việc thắng 3 set thậm chí khá bất ngờ. Cả Ken Rosewell, người vô địch Roland Garros cách nay đúng 50 năm, được mời đến trao cúp vô địch cũng có phần ngạc nhiên, để rồi ông đã có một nhận định bộc trực tới mức làm tổn thương Thiem: “Nadal quá xuất sắc, nhưng Thiem cũng nên thất vọng về màn trình diễn của chính mình”.

Nếu Thiem đáp trả rằng anh đã nỗ lực hết sức, Nadal chính là khởi nguồn của một diễn biến bất ngờ này nhờ sự điều chỉnh chiến thuật xuất sắc

Bóng xoáy và ôm sân: Nadal khởi đầu trận đấu với ý đồ rõ ràng và xuyên suốt, sử dụng bóng xoáy hơn so với cả 6 trận đấu trước đó để đẩy Thiem lùi sâu sau vạch cuối sân.

Thành ra Thiem chỉ đứng ôm sân hơn so với Nadal khi trả giao bóng, và hiếm khi bước vào trong sân đè bóng thành công.

Nadal trái lại, đứng sau baseline hơn 5m để trả bóng 1 và hơn 6m khi trả bóng 2 (vì Thiem sử dụng kick serve), luôn trả bóng sâu rồi ôm sân trở lại.

Trong một cuộc đối đầu của hai chuyên gia sân đất nện, giữa hai người có bộ chân siêu việt thì rõ ràng việc đứng vị trí (court positioning) tạo nên sự khác biệt. Nadal chủ động hơn, phải di chuyển ít hơn và có nhiều lựa chọn khi ra đòn hơn. Nadal có thể mở sân, tràn lưới và thậm chí bỏ nhỏ. Thực tế, Nadal lên lưới 18 lần, thành công 16, và bỏ nhỏ liên tục, thậm chí có cả việc ghi 2 điểm liên tiếp bằng kỹ thuật này. 

Trái tay: Cả Nadal và Thiem đều nỗ lực ép trái rồi từ đó tìm cơ hội dứt điểm bằng cú thuận tay. Họ buộc phải sử dụng trái tay nhiều hơn bất cứ các trận đấu trước đó do e ngại việc né trái đánh phải sẽ bị phản đòn vì để hở phần sân quá lớn.

Từ đây, sự khác biệt được đào sâu hơn. Nadal sử dụng góc đánh của lần chạm vợt đầu tiên từ cú trái tay để làm Thiem bất ngờ, bị động và vặn sườn trong nhiều tình huống.

Đó là một kĩ thuật khó, nhất là khi Nadal bị ép trái ra mang và việc đánh trái tay dọc dây cần đạt tới cảnh giới cao nhất để có được sự chính xác.

Ngoài ra là sự khác biệt về giao bóng và trả giao bóng. Nadal trả giao bóng xuất sắc để ưu thế về tốc độ giao bóng của Thiem (trung bình serve 1 là 183kmh so với 170 của Nadal) trở nên vô nghĩa.

11 lần vô địch sau 13 lần tham dự

Như vậy, một lần nữa, Nadal chơi hay hơn Thiem, và quan trọng hơn là anh chơi hay hơn chính mình, kiểm soát được tâm lý để ở trận đấu quan trọng nhất.  

Có hai yếu tố giúp Nadal: một là phẩm chất của một nhà vô địch được tôi luyện từ trước cả khi Thiem còn là cậu bé 11 tuổi đã thấy Nadal trên TV chơi trận chung kết năm 2005; hai là sự xuất hiện của Carlos Moya để tái sinh Nadal, làm mới Nadal.

Nhà vua giành 11 Roland Garros: Giải mã cỗ máy Nadal - 2

Đơn giản là không thể cản

Quá trình tôi luyện bao gồm cả những việc tỉ mỉ được lặp đi lặp lại. 11 năm, anh vẫn tắm ở cái buồng tắm cuối cùng bên phải của sân Roland Garros, sử dụng đúng cái tủ đồ ấy, ngồi trên một chiếc ghế có vị trí nguyên si để chỉnh tất, giày và chiếc băng mồ hôi trên trán.

Những thói quen đó phần nào phản ánh về cách Nadal dù có thay đổi chiến thuật thế nào thì cách anh kết thúc đối thủ ở trận chung kết tại Roland Garros cũng như các Grand Slam khác là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hãy nhìn lại 17 điểm championship point – 17 thời khắc vinh quang của Nadal trong đó bắt đầu với 11 điểm vàng ở Roland Garros.

Năm 2005, Puerta (cũng tay chiêu) đánh cú thuận tay dọc dây ra ngoài khi Nadal có championship point đầu tiên ở set thứ tư, Nadal đã ngã ra sân ăn mừng với hai cánh tay chỉ lên trời.

Năm 2006, Nadal cầm giao bóng trong tay ở loạt tiebreak cũng ở set 4 khi có championship point, tự ghi điểm bằng cú swing volley, anh đã ngã ra sân, hai tay ôm đầu mừng chiến thắng. Nadal có vẻ xúc động hơn cả năm trước mà nguyên nhân có thể là anh đã vừa thắng người giỏi nhất thế giới.

Năm 2007, Nadal tái đấu Federer và khi có 3 championship point trong tay, anh cũng là người giao bóng. Nadal lần này không giết bóng ngay mà đặt Federer vào thế tự đánh hỏng. Nadal vẫn ngã ra sân ăn mừng chiến thắng.

Năm 2008, Nadal đánh cú trái tay chéo sân khi Federer tràn lưới để kết liễu trận đấu. Nadal không ngã ra sân. Anh đứng thẳng, đầu ngẩng cao và hai tay vươn lên trời. Đó là lần thứ ba liên tiếp anh thắng Federer ở chung kết Roland Garros. Và lần đầu tiên, tỉ số chênh lệch 6-1 6-4 6-0 nên có lẽ Nadal đã không có được nhiều cảm xúc.

Năm 2010, một năm trở lại sau cú sốc lớn trước Soderling, Nadal có cơ hội đòi lại món nợ từ chính đối thủ. Điểm kết thúc một lần nữa là Soderling tự đánh bóng vào lưới sau khi Nadal phòng thủ kiên cường. Nadal ngã ra sân ăn mừng.

Năm 2011, Nadal nín thở vào chung kết khi Djokovic bị loại bởi Federer ở bán kết. Rồi điểm cuối cùng lại là một pha bóng mà Federer tự đánh hỏng. Nadal không ngã ra sân. Anh quỳ cả hai gối ăn mừng với sự tiết chế cảm xúc.

Năm 2012, Nadal lần thứ hai liên tiếp không ngã mà vẫn chỉ quỳ hai gối ăn mừng danh hiệu thứ 7 của mình khi Djokovic mắc lỗi giao bóng kép ở điểm quyết định cho Nadal.

Rồi 2013 là một điểm trực tiếp, ngã ra sân ăn mừng trước Ferrer. Năm 2014, Nadal vô địch khi Djokovic mắc lỗi kép, anh chỉ quỳ gối ăn mừng. Năm 2017, Wawrinka tự đánh hỏng điểm cuối và Nadal đổ ra sân ăn mừng.

Và năm nay, Nadal sau 3 lần tự cố ghi điểm bất thành ở 3 lần championship point đầu tiên đã vô địch sau khi Thiem tự đánh hỏng. Điều quan trọng khác là Nadal không ngã ra sân ăn mừng.

Wimby 2008 ngã, Federer tự hỏng. Australian Open 2009 ngã, Federer tự hỏng. Wimby 2010, Nadal ăn điểm trực tiếp rồi mới ngã ăn mừng trước Berdych. US Open 2010, Djokovic tự đánh hỏng, Nadal ngã ăn mừng và khóc. US Open 2013, Djokovic đánh rúc lưới. Nadal ngã ăn mừng với hai tay ôm mặt.    

Như vậy là Nadal có 12 lần kết thúc các trận chung kết Grand Slam bằng việc các đối thủ của anh tự đánh hỏng (hoặc bị ép). Nó nói lên cách chơi của Nadal, dù anh có tấn công mạnh mẽ, và dù có áp đảo thì ở những điểm quyết định, Nadal vẫn muốn biến nó thành cuộc chiến về tâm lý, chơi thứ tennis lạnh như băng để đối thủ “tự xử”.

Và 11 lần anh đổ người ra sân ăn mừng (thậm chí có lúc như bóng vừa kịp chạm sân anh đã ngã rồi) cho thấy những nỗ lực phi thường được đền đáp đã đẩy cảm xúc lên tột đỉnh trong khi chỉ vài phần trăm giây trước đó thôi vẫn bình tĩnh.

Nhà vua giành 11 Roland Garros: Giải mã cỗ máy Nadal - 3

Bao giờ "Bò tót" sẽ dừng lại?

Người chú Toni Nadal có dấu ấn lớn ở đó cho tới khi Nadal chững lại, còn Carlos Moya đã giúp Nadal từ chỗ bị hoài nghi, đã làm mới mình và chiến thắng trở lại.

Có 3 danh hiệu Grand Slam Nadal đoạt được khi Moya có mặt, trong đó có 2 Roland Garros và 1 US Open. Và cũng không quên trận chung kết Australian Open 2017 mà Nadal đã tiến rất gần tới chiến thắng trước Federer.

Nadal thời gian nói trên giao bóng hiệu quả hơn, tới mức kiểm soát được các đường bóng tiếp theo ý của anh (khoảng 90% cú đánh sau serve là thuận tay), đứng ôm sân, sử dụng cú trái nhiều hơn và đổi hướng cú đánh bất ngờ sớm nhất có thể.

Roland Garros 2017 và 2018 là hai trong số chức vô địch ấn tượng nhất mà Nadal có được, nó là 2 trong 6 lần anh vô địch không thua set nào (3, năm 2008, 2010 và 2017) hoặc chỉ thua 1 set (2007, 2012, 2018).

Nên nhớ, thành tích của Nadal thời Moya là khi Nadal đã ngoài 30 tuổi (sinh 3/6/1986).

Kỷ lục nào phía trước

Nadal kết thúc mùa giải đất nện 2018 với 4 chức vô địch để lấy lại kỷ lục người có nhiều danh hiệu Masters 1000 nhất (32, nhiều hơn Djokovic 2), có 17 Grand Slam (ít hơn Federer 3 và nhiều hơn Djokovic 5).

Nadal cũng tạo lập kỷ lục 50 set thắng liên tiếp trên một mặt sân (vượt qua 49 set thắng trên sân trải thảm của John McEnroe).

Và Nadal còn san bằng được thành tích 11 lần vô địch chỉ ở một giải vô địch Grand Slam của nữ huyền thoại Margaret Court làm được ở Australian Open 45 năm trước. Ngoài ra, Nadal còn có cả 11 lần vô địch ở Monte Carlo và 11 lần vô địch ở Barcelona.

Nhưng quả thực, so sánh sự thống trị của Nadal với Margaret Court là điều rất khó khăn, và không nên, nếu như chúng ta không muốn rơi vào Cuộc chiến Giới tính (Battle of Sexes) mà chính Margaret Court đã từng đại diện cho WTA đấu với Bobby Riggs – một tay vợt ATP khi ấy đã về hưu nhiều năm.

Federer - Nadal, ai vĩ đại hơn?
Theo bạn Federer và Nadal, ai vĩ đại hơn?

Muôn đời tranh cãi: Federer – Nadal, ai vĩ đại hơn?

Câu chuyện muôn thuở của làng tennis về Federer và Nadal một lần nữa nóng trở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN