"Nhà vua" Australian Open: Djokovic và nghệ thuật phá huỷ Nadal

(Tin thể thao, tin tennis) Chung kết Australian Open 2019 là một nỗi đau với Nadal nhưng lại là chiến thắng vang dội nhất của Djokovic.

Video Djokovic lên lưới xử lý tinh tế hạ Nadal:

Một ngày trước trận chung kết của Nadal và Djokovic, hai tay vợt nữ Naomi Osaka và Petra Kvitov đã tạo nên một cuộc chiến ngoạn mục. Có kịch tính (cứu 3 championship point), có những loạt đôi công cháy sân, và khi trao giải, người thất bại là Kvitova kỳ cựu, đã từng lên ngôi ở Grand Slam, thậm chí còn gọi đó là một danh hiệu á quân, chỉ vào cái đĩa bạc gọi đó là một “trophy”.

"Nhà vua" Australian Open: Djokovic và nghệ thuật phá huỷ Nadal - 1

Nadal và Djokovic màn đối đầu chênh lệch tại Australian Open 2019

Hoá ra đó là một sự đổi ngôi, giữa các trận chung kết đơn nam và nữ xét về sự cân bằng, kịch tính. Trước thì nữ một chiều, nay ngược lại.

Nó biến những dự đoán của thế giới tennis trở thành “một lỗi kép”, như John McEnroe đoán rằng Nadal sẽ thắng set 5 với tỉ số 6-4, hay Wilander nói sẽ là một cuộc kịch chiến.

Cũng có lý cho những chờ đợi như vậy, bởi cả hai đã cực xuất sắc trên con đường vào chung kết. Họ cho thấy sự vượt trội so với phần còn lại và việc lần đầu tiên cả hai không phải gặp bất cứ tay vợt nào trong Top 10 thế giới hiện tại chỉ là điều ngẫu nhiên.

Nhưng hoàn toàn trái ngược, nó là một trong những trận đấu chênh lệch nhất trong 10 năm qua ở các giải Grand Slam.

Với riêng Nadal, nó là thất bại cách biệt nhất của riêng anh trong cả thảy tám lần anh thua trong trận chung kết ở các giải đấu lớn (17 thắng, 8 thua)?

Chỉ giành được 8 games và trận đấu kéo dài 2 giờ 4 phút là đi ngược lại với sự tương quan của số 1 và số 2, của trận chung kết kéo dài nhất trong lịch sử mà chính anh và Nole đã tạo ra năm 2012 (gần 6 tiếng).

Chỉ giành được đúng 1 điểm trong 3 game đầu tiên của trận đấu, và cũng chỉ giành đúng 1 điểm khi Djokovic cầm giao bóng trong set 1, đây không phải là Nadal đứng trong top đầu về trả giao bóng và đã trình diễn cú giao bóng mới đầy ấn tượng trước đó.

Tâm lý của Nadal

Một ngày trước trận chung kết, HLV Carlos Moya nói về vấn đề tâm lý của Nadal như là một phần đương nhiên bởi cách tiếp cận tôn trọng với mọi trận đấu, mọi giải đấu, mọi đối thủ khiến cho Nadal luôn bị trạng thái, đồng thời giúp Nadal trở nên vĩ đại.

"Nhà vua" Australian Open: Djokovic và nghệ thuật phá huỷ Nadal - 2

Nadal gặp vấn đề tâm lý khiến anh chơi dưới sức

Tức là ai cũng hiểu vấn đề của Nadal khi chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Djokovic, cho một trận đấu được cho là bản lề trong cuộc đua chưa từng có trong lịch sử tennis giữa 3 tay vợt vĩ đại khi giữa họ là 51 danh hiệu Grand Slam (Federer 20, Nadal 17 và Djokovic 14).

Carlos Moya nói không sai. Nadal dù rất vĩ đại, đẳng cấp nhưng đôi khi Nadal cho thấy như thể anh mới chỉ là tay vợt chơi những trận chung kết lớn đầu tiên. Như trận chung kết Roland Garros 2018, những điểm đầu tiên trước Thiem là run rẩy, rồi sau đó mới thanh thoát và hủy diệt.

Nhưng đấu với Djokovic là cả một câu chuyện khác, một chút tâm lý của Nadal đã trở thành thảm họa. Trận chung kết khép lại bằng một lỗi tự đánh hỏng của Nadal để rồi anh bị bẻ game lần thứ 5.

Một trong những hình ảnh bất lực của Team Nadal là khi anh tràn lưới bắt cú volley giò gà nhưng rúc lưới để rồi Moya thất vọng ném một cú đấm vào hàng rào thép trên khán đài.

Vô số những tình huống Nadal thể hiện sự hoảng sợ khi anh đã có thể đánh vặn sườn Djokovic nhưng thay vì đưa bóng tới một biên độ an toàn thì anh lại phải tìm tới “góc chết”, tới sát dây nhất có thể để rồi không chính xác và mất điểm.

Đó là game đầu tiên Nadal cầm giao bóng. Đó là game Nadal có được breakpoint duy nhất. Và không thể kể xiết trong số 28 lỗi tự đánh hỏng của Nadal.

Djokovic là con ngáo ộp với Nadal

Một trong những lý do của việc Nadal trở nên mạo hiểm với các cú đánh hơn bởi anh hiểu rằng nếu chỉ tua bóng đều đặn với Djokovic thì chiến thắng đương nhiên thuộc về tay vợt người Serbia.

Thực tế Djokovic đã giành tới 76% số điểm (22/29) của các loạt bóng bền (từ 9 lần chạm vợt trở lên), 62% (18/29) các loạt bóng trung bình (từ 5 – 8 lần chạm vợt) và 58% (49/84) các loạt bóng ngắn (dưới 5 lần chạm vợt).

"Nhà vua" Australian Open: Djokovic và nghệ thuật phá huỷ Nadal - 3

Djokovic khiến Nadal sợ hãi

Các cú bóng xoáy của Nadal có thể gây khó khăn cho ai đó, cho Tsitsipas, cho Tiafoe, nhưng lại là những pha mớm bóng cho các cú đánh bóng rất sớm (rising balls) của Djokovic.

Khi đánh bóng sớm tức góc đánh rộng mở hơn để có thể tìm góc đánh tùy thích, đẩy Nadal vào thế chưa thể sẵn sàng cho cú đánh tiếp theo thì bóng đã lại tìm tới chân, để từ đó áp đặt thế tấn công vũ bão.

Djokovic xưa nay vẫn có một hạn chế khi phải đối diện với những cú bóng bạt và chìm, là lý do khiến cho anh suýt trở thành nạn nhân của Danill Medvedev ở vòng 4.

Nhưng Nadal không sở hữu những thứ vũ khí» như vậy, ngoại trừ những cú cắt trái đáng ra Nadal phải sử dụng thường xuyên hơn trong trận chung kết.

Djokovic có kế hoạch hoàn hảo để hủy diệt Nadal

Nadal không muốn chơi thứ tennis quen thuộc, thay vào đó là sự mạo hiểm. Nhưng anh chỉ có vậy. Djokovic  còn hơn thế.

Trị bóng xoáy cồng và sử dụng cú trái tay cực kỳ hiệu quả để đôi công chéo sân với thuận tay bền bỉ của Nadal là sự chuẩn bị của Djokovic ròng rã từ 2011.

Thực hiện những cú giao bóng nhẹ nhàng nhưng khó đoán hướng và sắc như « cắt tiết » vào các góc chết với một người thuận tay chiêu cũng là sự chuẩn bị của hơn nửa thập kỷ.

Djokovic serve ra mang với điểm rơi rất dị, chéo sân hết sức có thể hay lại dọc dây cùng với một kiểu tung bóng khiến cho Nadal mất phương hướng mà 8 cú ace chỉ sau 69 lần giao bóng 1 chỉ là một phần kết quả.

Nhưng kỳ diệu nhất phải là kỹ thuật trả giao bóng của Djokovic khi Nadal cố gắng giấu rất kĩ hướng giao bóng và liên tục thay đổi ở 3 vị trí là ra mang, chữ T và cả vào thẳng vị trí của Djokovic.

Làm thế nào mà khi Nadal vừa chạm vợt vào bóng, Djokovic đã bật nhẹ 2 chân lên và di chuyển nhẹ sang trái khoảng 20cm thực hiện cú trả giao bóng né trái đánh phải để bóng tìm vào đúng điểm êm của mặt vợt!

3 năm trước, các cú body serve bóng 2 còn cứu được Nadal, giải thoát cho anh trong những tình thế ngặt nghèo, nhưng giờ vô hiệu, rõ ràng Nadal không thể không hoang mang, không thể không nao núng.

Rõ ràng là ê kíp của Djokovic và bản thân anh đã hoàn thiện mình tốt hơn, có một kế hoạch hoàn hảo hơn cho cả một lộ trình, từ việc xác định rõ Nadal là đối thủ chủ chốt của giai đoạn 2011 trở đi (khi Federer bắt đầu qua ngưỡng 30) ở các giải đấu lớn.

Mở ngoặc là Djokovic kể 2011 tới giờ có hiệu số đối đầu với Nadal là 21-9 và với Federer cũng là 20-9, nhưng sự chênh lệch còn nhiều hơn thế bởi Federer có vấn đề của tuổi tác.

Còn cho riêng trận đấu này là kế hoạch tấn công phủ đầu ngay, thực hiện cú đánh đầu tiên mang tính quyết định. Chính bởi thế Djokovic nhiều lần thực hiện cú thuận tay dọc dây vào tay thuận của Nadal trong khi đáng ra nó có thể là một cú chéo sân thuần túy.

Nadal đã phải chôn chân nhìn bóng trong trận chung kết này nhiều hơn bao giờ hết, chịu thua trận chung kết Grand Slam chênh lệch nhất trong sự nghiệp của anh, chỉ giành được 8 games, đúng bằng số games trung bình các đối thủ của anh giành được trước anh ở 6 vòng trước.

Kỷ lục vĩ đại chờ Djokovic

Đó chính là một Djokovic cực kỳ bản lĩnh, giống như giai đoạn 2015, thâu tóm cách danh hiệu, tạo nên các kỷ lục vĩ đại như việc vô địch 4 Grand Slam liên tiếp (từ Wimbledon 2015 tới Roland Garros 2016) – người đầu tiên sau Rod Laver (1969).

Giờ đây Djokovic đang là đương kim vô địch của 3 Grand Slam nên chỉ cần chiến thắng ở Roland Garros 2019 tới đây sẽ đi vào lịch sử một lần nữa. Anh sánh ngang Rod Laver một lần nữa với tư cách là 2 người duy nhất lịch sử xưa nay 2 lần vô địch liền 4 giải Grand Slam (chỉ khác là Laver thâu tóm trong cùng 1 năm). 

Chỉ như thế thôi đã là rất vĩ đại, chứ chưa nói tới việc thay đổi khoảng cách 15-17-20 Grand Slam của Djokovic với Nadal và Federer tới đây là một câu chuyện rất thực tế.

Djokovic ”lên đỉnh” Australian Open: Khát vọng ngai vàng ”Vua Grand Slam”

Trở thành "Vua Australian Open", Djokovic sẽ hướng tới ngôi "Vua Grand Slam".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN