Nguyễn Thị Ánh Viên: Cô đơn trên đỉnh phù hoa
Xuất sắc nhất SEA Games 30 nhưng không thể trở thành VĐV số 1 Việt Nam có lẽ là nghịch lý lớn nhất với kình ngư tài năng Nguyễn Thị Ánh Viên.
Hai kỳ SEA Games liên tiếp gần nhất được nhận giải thưởng "VĐV xuất sắc nhất" và trước đó là "Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 2015", Nguyễn Thị Ánh Viên chính là tên tuổi tiêu biểu nhất của nền thể thao Việt Nam đương đại. Không cần đề cập đến những chiến tích khác, việc cô kình ngư tuổi 24 này giành đến 25 tấm HCV cũng như phá vô số kỷ lục qua 5 kỳ đại hội thể thao khu vực gần nhất đã quá đủ để đưa tên tuổi cô vào "ngôi đền các huyền thoại thể thao Đông Nam Á".
Ánh Viên nhận cúp dành cho Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30
Nên nhớ, cũng tại Philippines ở kỳ SEA Games 14 năm trước, cánh báo chí thể thao đã từ Manila vượt hàng trăm cây số chỉ để "săn" tấm HCV đầu tiên của bơi lội Việt Nam tại đấu trường SEA Games do kình ngư đất Hải Phòng Nguyễn Hữu Việt giành được trên đường đua 100m ếch. Đó là tấm HCV vô cùng quý giá có được sau gần nửa thế kỷ chờ đợi, tính từ khi VĐV Phan Kế Nhơn đoạt HCV cũng ở nội dung 100m ếch nam tại SEAP Games năm 1959!
Vinh quang tuổi 20
Để có được bộ sưu tập thành tích mà bất kỳ VĐV nào cũng thèm muốn với 25 HCV, 9 HCB, 2 HCĐ cùng với việc thiết lập 11 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên đã phải trải qua một chặng đường dài đầy ắp chông gai. Cô xa nhà từ năm lên 12 tuổi, hàng năm trời ròng rã tập luyện ở Mỹ với mục tiêu trở thành cánh chim đầu đàn của bơi lội cũng như của cả nền thể thao Việt Nam. Tỏa sáng rực rỡ nhất tại SEA Games 28, giành hàng loạt thành tích đáng chú ý tại các giải đấu quốc tế trong đó có World Cup, cô được bình chọn vào Top 5 nữ VĐV bơi xuất sắc nhất châu Á trong năm 2015. Cũng trong năm này, Ánh Viên lần đầu tiên trong sự nghiệp giành đủ chuẩn tham dự Olympic Rio ở tuổi 20.
Năm 2015 ghi nhận giai đoạn thành công rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Ánh Viên
Được truyền thông săn đón, nơi nơi mời họp mặt, giao lưu và tặng thưởng bằng vật chất trị giá nhiều tỉ đồng, Ánh Viên vẫn phải bỏ lại phía sau tất cả để tiếp tục hành trình dường như không có điểm dừng, "đóng băng" mọi cảm xúc, mọi tiến trình phát triển tâm sinh lý của một thiếu nữ tuổi đôi mươi bình thường chỉ để tập trung vào việc khổ luyện, thi đấu miệt mài quanh năm với mục tiêu… vô định!
Ánh Viên được cả xã hội yêu quý, đặt nhiều kỳ vọng
Một tài năng thuộc dạng hiếm có, được đầu tư nhiều nhất trong lịch sử nhưng điểm đến ở đâu, mục tiêu ra sao lại hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Vai trò của ngành thể thao Việt Nam trong việc vạch ra lộ trình phát triển tài năng của Ánh Viên hoàn toàn mờ nhạt. Những nhà quản lý gần như chẳng quan tâm đến mô hình tập huấn nước ngoài "một thầy một trò" vô cùng lạ lẫm với thể thao Việt Nam, phó mặc tất cả để thông tin về quá trình tập huấn của Ánh Viên cứ mờ mờ ẩn hiện với người hâm mộ. Nhiều chuyên gia không ngần ngại nói thẳng về thực trạng của vấn đề, không gì khác hơn việc "thuê hồ bơi nước ngoài giá cao" trong khi điều cần làm chính là giáo án tập luyện hiện đại, theo kịp sự phát triển của khoa học thể thao về bơi lội mà quốc tế đã và đang làm rất tốt, cụ thể ngay tại Mỹ, quốc gia mà thầy trò Ánh Viên đến tập huấn.
Cô đơn trên đỉnh phù hoa
Không thành công tại Olympic Rio, Ánh Viên trở lại chói lòa trong ánh hào quang tại SEA Games 29 nhưng rồi chỉ một năm sau, cô tiếp tục thất bại tại ASIAD và gần nhất là không đạt được thành tích khả quan nào, kể cả chuẩn A tham dự Olympic tại Giải Vô địch thế giới 2019. Cô vắng bóng trên bục nhận huy chương nhiều giải đấu liên tiếp và đành "làm mới" cảm xúc bằng tấm HCĐ Đại hội Thể thao quân sự thế giới 2019 trước ngày lên đường sang SEA Games 30 với gánh nặng chỉ tiêu huy chương.
Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn trở về từ SEA Games 29
Trái ngược với những gì gặt hái được ở đường đua xanh khu vực, thành tích quốc tế tốt nhất của Ánh Viên chỉ dừng lại ở 2 tấm HCV Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á 2017 hay tấm HCB World Cup 2015… Điều này đồng nghĩa với việc trong hơn 2 năm gần nhất, biểu đồ thành tích của Ánh Viên đã có sự chững lại, không còn bùng nổ như trước.
"Tiên cá" tập luyện thể lực trên bờ
Giới chuyên môn không dưới một lần đề cập việc phải thay đổi phương pháp huấn luyện, thay HLV để giúp Ánh Viên "làm mới" mình, nhất là sau lần cô tham dự ASIAD 2018 mà không giành nổi dù chỉ một tấm HCĐ. Tuy nhiên, tất cả đều rơi vào "sự im lặng đáng sợ" để rồi tại SEA Games 30, Ánh Viên bật khóc khi thành tích không có dấu hiệu tăng tiến, chỉ tiêu huy chương không đạt yêu cầu do chỉ giành được 6 HCV mà không kèm theo bất cứ kỷ lục nào như ở 2 kỳ đại hội trước đó.
Ánh Viên thất vọng với chính mình tại SEA Games 30
Chứng kiến cảnh Ánh Viên 6 lần bước lên bục chiến thắng để nhận HCV tại SEA Games 30 nhưng vẫn khóc vì "rất buồn khi không đạt kết quả tốt", nhiều nhà chuyên môn không khỏi xót xa và tiếc nuối. Ánh Viên đã chịu đựng và hy sinh quá nhiều, từ lúc còn là cô bé "ăn chưa no, lo chưa tới" đến khi đã thực sự trưởng thành như hiện tại. Phong độ của Ánh Viên không còn như xưa là điều chẳng phải bàn cãi nhưng nói tài năng của cô đã hoàn toàn tàn lụi là quá sai lầm, như cách giới truyền thông trong nước "quay lưng" với cô ở các cuộc bình chọn cuối năm 2019!
"Hồi sinh" tiên cá
Tại SEA Games 30, không vị lãnh đạo nào của Đoàn thể thao Việt Nam xác nhận giao chỉ tiêu giành 8 HCV cho Ánh Viên nhưng cũng chẳng cá nhân có trách nhiệm nào trong ngành, của bộ môn lên tiếng yêu cầu cô "phải thi đấu ít nội dung hơn"! Một khi thành tích của Ánh Viên ảnh hưởng rất quan trọng đến kết quả và thứ hạng của cả đoàn, tất cả đều nhắm mắt làm ngơ để rồi cô gái tuổi đôi mươi vốn đã chịu áp lực tâm lý cực lớn đến độ bản thân "bị stress", phải "gánh" thêm trọng trách tham gia thi đấu từ 8-12 nội dung kèm theo chỉ tiêu cũng rất khủng khiếp như ở hai kỳ SEA Games liên tiếp trước đó!
Nguyễn Thị Ánh Viên được Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng I
Cùng với Nguyễn Huy Hoàng, Ánh Viên được xác định là mục tiêu đầu tư của TTVN để có thể đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020. Muốn một VĐV ưu tú như Ánh Viên phát huy được thế mạnh ở tầm châu lục và thế giới, phải giải phóng cho họ khỏi mọi áp lực chỉ tiêu thành tích ở các đấu trường cấp thấp như giải Vô địch quốc gia hay SEA Games! Chỉ khi nào quan điểm về thành tích được đổi thay từ chính đội ngũ các nhà quản lý thể thao, kình ngư xuất sắc cỡ Ánh Viên mới thoát khỏi cảnh luẩn quẩn ở ao làng để ra biển lớn.
Câu chuyện nợ nần cá nhân của HLV Đặng Anh Tuấn bùng lên trong những ngày đầu năm 2020 được "tháo ngòi" lập tức và việc vị chuyên gia tận tụy này xin thôi dẫn dắt Ánh Viên xem ra lại là tín hiệu tích cực cho một cuộc đổi thay. Ánh Viên không chỉ sẽ có một người thầy mới mà kế hoạch tập huấn của cô sẽ thay đổi mạnh. Ngành TDTT đã tính toán việc để Ánh Viên chuyên tâm tập luyện trong nước bên cạnh việc tham dự nhiều giải đấu quốc tế để nhắm đến việc giành chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020. Điều này cũng sẽ tạo cơ hội để Ánh Viên theo đuổi chương trình cử nhân tại Đại học TDTT TP HCM. |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao - Tin bơi lội) Về Việt Nam, kình ngư Ánh Viên quyết săn vé Olympic.