Người thợ gặt và nhà vô địch SEA Games
Xuất thân từ gia đình nhà nông, quanh năm làm quen với đồng ruộng, nhưng sau bao nhiêu năm thoát ly khỏi “cái đói, cái nghèo”, Nguyễn Thị Chinh đã mang về tấm HCV đầu tiên cho mình ở sân chơi SEA Games.
Câu chuyện người bầm tím, thân thể không còn lành lặn hay phải nén những cơn đau để lên sàn thi đấu có lẽ là chuyện thường ngày đối với các VĐV. Nhiều VĐV thể thao phải chích thuốc giảm đau, xoa bóp… để lấy lại cân bằng trước khi ra trận. Thể thao luôn đi liền với chấn thương, thương tích… và những ngày khổ luyện, đó mới là thể thao.
Người ta nhắc nhiều đến việc võ sĩ Nguyễn Thị Chinh phải nén đau bước lên sàn đấu và xuất sắc đoạt huy chương vàng ở hạng cân 48kg wushu nội dung tán thủ. Nhưng có lẽ phía sau tấm HCV này còn rất nhiều điều đặc biệt chưa được khám phá.
Nguyễn Thị Chinh sinh ra và lớn lên ở ngoại thành Hà Nội. Dù ở Thủ đô, nhưng Sóc Sơn vẫn được cho là một huyện nghèo, nền kinh tế chính đa phần là nông nghiệp. Và cũng như bao hộ gia đình khác, bố mẹ Chinh cũng nuôi con ăn học và lớn lên bằng nghề nông.
Nguyễn Thị Chinh (giáp đen) trong trận chung kết nội dung Tán thủ hạng 48kg
Là thành viên nhỏ tuổi trong gia đình khá đông đúc anh em, rất tình cờ Chinh đã bén duyên với nghiệp “đấm đá”. Lúc đầu chỉ là sự ham muốn và tò mò của tuổi mới lớn, nhưng khi đã ăn tập và được dìu dắt của các thầy, Chinh đã chính thức đam mê và coi đó như cái nghiệp của mình.
Là VĐV trẻ có triển vọng, theo tập tán thủ từ năm 15 tuổi, trong 4 năm ăn tập Chinh chưa đủ tầm để tham dự những võ đài lớn. Nhưng khi đã chín muồi, chỉ chưa đầy 1 tháng cô gái sinh năm 1994 này đã 2 lần mang vinh quang về cho Tổ quốc. Cách đây 3 tuần tại giải vô địch thế giới, Chinh đã mang về cho wushu 1 tấm HCV và ngày hôm qua trên võ đài SEA Games có gái trẻ này tiếp tục tỏa sáng với tấm HCV thứ 3 cho Thể thao Việt Nam trên đất Myanmar.
“Dù có đau đớn sau trận bán kết, nhưng khi lên sàn đấu, tôi không còn cảm giác gì nữa. Trước mắt tôi là đối thủ và vinh quang, cứ thế cứ thế mà nỗ lực thôi”, Chinh chia sẻ.
Qua tìm hiểu, thực sự Chinh là người rất nghị lực. Từ một cô gái có thân hình nhỏ con, không phải con nhà nòi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cô bé đã nuôi ước mộng thoát nghèo nhờ nghiệp thể thao. Kể từ đó Chinh gạt đi mọi sự tự ái về nghề nghiệp, như việc con gái tập môn đánh đấm không phù hợp, rồi mặt mũi sứt sẹo, bầm dập cơ thể…
Nguyễn Thị Chinh mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam
Nguyễn Thị Chinh được ăn ở tập trung, huấn luyện tại nhà thi đấu thể thao Quần Ngựa (Hà Nội). Ngoài việc tập luyện và học văn hóa hàng ngày, cứ cuối tuần Chinh lên lên xe bus về nhà phụ giúp cha mẹ. Là con nhà nông, mùa nào thứ đấy, dù bận rộn với việc tập luyện nhưng cứ vào vụ mùa, cuối tuần được nghỉ Chinh lại về với gia đình, nào là gặt lúa, thu hoạch ngô khoai.
“Tôi còn nhớ như in, có lần Chinh xin phép được về quê giúp gia đình thu hoạch lúa, nhưng khi đang đưa lúa lên trần nhà phơi, Chinh đã bị té ngã, chấn thương khá nặng. Thời điểm đó, em đã định bỏ nghiệp, nhưng sau khi nhận sự động viên, phân tích và chia sẻ của đồng đội và BHL, Chinh đã đứng lên và tiếp tục”, HLV ĐTQG wushu Bùi Như Trang tâm sự.
Theo như lời kể của HLV Như Trang, chính hoàn cảnh khó khăn là động lực lớn nhất để Chinh vươn lên. Mỗi tấm HCV khu vực hay châu lục, số tiền thưởng vài chục triệu đồng có thể giúp gia đình Chinh đủ sinh hoạt trong cả 1 năm. “Cứ nhìn vào gia cảnh và thành quả của mình, Chinh luôn nỗ lực. Đau đớn, chấn thương, nhưng chưa khi nào tôi thấy em muốn dừng lại. Đây có lẽ là VĐV đặc biệt mà tôi từng huấn luyện”, bà Trang nhận định.