Djokovic vừa đoạt được Grand Slam thứ 20 của riêng anh bằng việc hoá giải những thử thách vĩ đại như thể lấy đồ trong túi.
M
ới mấy năm trước thôi chúng ta còn nói vô địch Roland Garros xong rồi vô địch luôn Wimbledon là một trong những điều khó khăn nhất trong lịch sử tennis. Chỉ có những tay vợt siêu thực như Bjorn Borg cận đại (3 năm, 1978 - 1980) hay Nadal (2008 & 2010), và Federer (2009) của tennis hiện đại mới có thể làm được.
Djokovic đã chinh phục hai cột mốc mang tính bước ngoặt trong cuộc đua tranh chưa từng có trong lịch sử các môn thể thao cá nhân bằng việc hoàn tất cú đúp đó. Nole đi từ sự ngoạn mục ở Roland Garros cách nay 1 tháng tới sự chinh phục không mấy gian lao ở Wimbledon.
Nhìn vào danh sách các tay vợt bị Djokovic đánh bại có thể đặt ra sự nghi ngờ về chất lượng của các đối thủ, vì phải tới vòng bán kết mới có người đứng trong Top 10, và Berrettini mới lần đầu tiên lọt vào tới trận chung kết Grand Slam trong sự nghiệp.
Đặc tính của Grand Slam trong 10 năm qua lúc thịnh suy khác nhau qua 2-3 thế hệ việc lần đầu vào tới chung kết mà đăng quang ngay là rất hiếm, như Del Potro quật ngã Federer tại US Open 2009, hoặc đó là cuộc đối đầu giữa hai tay vợt hiện tượng gặp nhau như Cilic gặp Nishikori ở US Open 2014.
Nhưng, nhắc lại một điều rằng nếu tennis thế giới có sản sinh ra một chuyên gia sân cỏ để thách thức giống như Nadal được coi là chiếm ưu thế ở Roland Garros thì Djokovic cũng sẽ vượt qua. Chữ nếu này có thể tin bằng việc phân tích lại trận bán kết và chung kết.
Đó là trận bán kết khi người thất bại Shapovalov đã trổ hết tài nghệ, chơi thứ tennis vô cùng xuất sắc so với khả năng vốn có, lại có ưu thế tay chiêu, nhưng chẳng thể thắng nổi 1 set trước Djokovic.
Shapovalov trong cả 3 set (7-6, 7-5, 7-5) đều chơi cực kỳ xuất sắc, có bẻ game, có cả game trắng, cú những cú giao bóng cháy sân, có những cú bung trái một tay kỳ tài, có những cú giao bóng pha trộn biến hoá giữa bóng đập và kick serve, nhưng kết cục lại không thể có bất ngờ.
Chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ thôi, Shapovalov phải trả giá. Chỉ cần anh chệch một vài milimet thôi là bước ngoặt của trận đấu anh vừa mở ra đã khép lại ngay.
Đó không phải là tennis đơn thuần. Đó là một màn tra tấn thể lực và tâm lý Shapovalov lần đầu được nếm trải, dù anh đã từng đối đầu với Nadal và Djokovic.
Nó giống với việc Shapovalov chơi một game mạo hiểm, phải bước qua một con vực sâu muôn trượng trên cái sợi dây thừng mỏng manh mà chỉ cần anh đặt chân lệch một chút, lỡ nhắm mắt dài hơn một vài phần trăm giây, lỡ thở mạnh hơn một chút là anh có thể rớt xuống. Hai lần đầu có dây bảo hiểm, nhưng lần thứ ba thì không.
Còn Berrettini đã được Djokovic cho trải qua những kinh nghiệm gì trong trận chung kết có tỉ số 6-7, 6-4, 6-4, 6-3 mà tay vợt trẻ người Ý đã rất kỳ vọng ở bản thân?
Đó là nếu cú giao bóng của bạn quá hay, cũng rất tuyệt, nhưng đồng thời nó sẽ là nguồn cảm hứng để Djokovic chứng tỏ kỹ năng trả giao bóng của mình quá siêu việt.
16 cú ace của Berrettini là ấn tượng. Nhưng trước Djokovic là chưa đủ. Djokovic có những cú trả giao bóng còn khó chẳng kém là mấy so với cú giao bóng của Berrettini, người cao 1m96 và có cú giao bóng 1 đạt vận tốc trung bình khoảng 203 km/h trên mặt sân cỏ, và có cú giao bóng nhanh thứ hai ở giải đấu (224 km/h).
Đó là khi đấu với Djokovic, việc bắt nhịp chậm trong mỗi set, luôn bị bẻ game trước cũng giống như việc lỡ đặt chân vào “cửa tử”.
Berrettini lội ngược dòng trong set 1, thắng loạt tiebreak đó là chuyện thần kỳ, hoặc đã phản ánh sự vươn lên xuất sắc của tay vợt đã chuẩn bị cho Grand Slam trên sân cỏ bằng một danh hiệu cũng trên sân cỏ (giải Queen’s). Hoặc là lợi thế của một tay vợt đã chạm trán với chính Djokovic trước đó ở Roland Garros và cũng giành được 1 set thắng.
Phải nhắc lại với nhau rằng Djokovic như một thực thể được gửi tới từ hành tinh khác, được lập trình để chơi game đấu theo cách của riêng mình, hễ đối thủ mà chạm vào tới ranh giới nào đó (ở đây là 1 set thắng khai cuộc), anh mới bắt đầu huỷ diệt.
N
ói như thế không có nghĩa chúng ta đi tìm một phép nhiệm màu nào đó Djokovic đang sở hữu. Nó hoàn toàn được lý giải dựa trên những năng lực siêu việt tay vợt người Serbia đã hun đúc cả trên khía cạnh tâm lý, thể lực và kỹ thuật.
Ở trên đã nói, Djokovic đã vô địch ở Roland Garros, rồi Wimbledon, hai giải đấu có mặt sân đối lập nhau ghê gớm, nhưng Djokovic lại có thể di chuyển trên mặt sân cỏ như trên mặt sân đất nện: Trượt tới bóng rồi ra đòn, di chuyển đổi hướng liên tục mà hiếm khi tạo ra cảm giác lo sợ về một rủi ro chấn thương nào đó.
Mặt sân Wimbledon năm nay đầy thử thách. Nếu như những ngày đầu tiên là sự trơn trượt đã vô tình loại khỏi giải nhiều tay vợt, thì những ngày cuối là sự gồ ghề đã ảnh hưởng tới độ nảy và cả những lần đổi hướng bóng bất ngờ.
Hoá ra, vấn đề này lại là lúc để Djokovic cho thấy sự dẻo dai của anh, những phản xạ kinh ngạc để tạo ra những cú đánh khi đã “thiếu chân” mà vẫn đủ nặng đủ khó.
Còn sự bất lợi của Berrettini với cái đùi phải quấn kín băng đã phần nào cho thấy anh không ở trạng thái thể lực tốt nhất? Thật tiếc, nhưng đó đâu phải là lỗi của Djokovic.
Cũng như việc Nadal vắng mặt là việc anh cần thời gian để hàn gắn vết thương tinh thần từ Roland Garros; hay Federer bại trận trước Hubert Hurkazc ở vòng tứ kết ấy là sự khó khăn mà tuổi tác và chấn thương mang lại theo quy luật tất yếu của thể thao.
Djokovic đã tròn 34 tuổi vào tháng 5, bắt đầu bước qua tuổi 35 vẫn dẻo dai, bền bỉ, tốc độ và đầy sức mạnh.
Với cơ địa của Djokovic mà chúng ta đã biết để rồi hôm nay áp đảo tất cả các tay vợt trẻ lẫn kỳ cựu cùng thời trong thể thức Grand Slam thì đó là kết quả của sự khổ luyện trên nền tảng là những phương pháp tập luyện mang tính đột phá: Chế độ dinh dưỡng + Yoga + Thiền + Các bài tập thể lực truyền thống + Các công cụ y học khoa học thể thao hiện đại.
Điều đáng sợ hơn nữa cho phần còn lại của tennis thế giới, cho mọi thế hệ các tay vợt đang còn cùng nhau tranh tài ấy là Djokovic như thể một tay vợt trẻ, vẫn tham dự hàng loạt các giải ATP Tour, dù cho cuối năm ngoái từng nói rằng sẽ chỉ tập trung cho các giải lớn.
Như thể giờ đây Djokovic mới bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp vì đã giành tới 19/42 giải Grand Slam tổ chức gần đây nhất, trong khi Federer là ánh hoàng hôn, còn thể lực của Nadal đang là một ẩn số.
Trong ngày Djokovic vươn tới cột mốc 20 Grand Slam ấy cũng là ngày thế giới trầm trồ về một sự kiện một tỷ phú người Anh đã tự bay trên con tàu bay được phát triển bởi chính công ty của ông vươn tới ranh giới của không gian: Tỷ phú Richard Branson bay trên tàu Virgin Galatic với tốc độ 2000 dặm mỗi giờ, vươn lên tới độ cao hơn 100 km từ trái đất, chạm tới ranh giới của vũ trụ.
Chứng kiến những ranh giới phi thường được chinh phục bởi chính con người dù ở lĩnh vực nào cũng thế, nếu không rung động vì yêu thì cũng phải ngưỡng mộ!
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |