"Người khổng lồ" bóng chuyền nam "sã cánh"

Sự vắng mặt đáng tiếc nhất của thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games tới chính là trường hợp của chủ công số 1, đội trưởng Đội tuyển quốc gia bóng chuyền nam Ngô Văn Kiều.

Ngôi sao "lạ" chấn thương "dị"

Không chỉ là chủ công hàng đầu Đông Nam Á, Văn Kiều còn khiến giới bóng chuyền kính nể bởi hành trình tỏa sáng vô cùng đặc biệt.  Xuất thân từ một anh chàng làm nghề bốc vác, mãi đến năm 19 tuổi anh mới đến với bóng chuyền nhưng chỉ mất đúng 3 năm để “bay” thẳng lên Đội tuyển quốc gia. 

Chỉ sau đúng một năm, năm 2007, chủ công quê Hà Nam đã chói sáng để gần như một mình mang về cho ĐTVN tấm HCB SEA Games. Đến năm 2008, VĐV cao 1,96m này tiếp tục “kéo” cả CLB Khánh Hòa - vốn thực lực chỉ thuộc diện trung bình khá - đoạt chức vô địch quốc gia ngay mùa đầu lên hạng. 

Với sức bật kỷ lục 3m58 vượt mọi dàn chắn, mỗi khi Văn Kiều vung tay dứt điểm coi như đội nhà đã ăn điểm. Làng bóng chuyền Việt cũng chỉ có anh thực hiện được những quả đập trái phá sau vạch 3m xé toang mọi hàng chắn. 

Có lẽ chính vì là hiện tượng “lạ” nên Kiều cũng gặp chấn thương rất “dị”. Do sức bật nhảy ưỡn về phía sau quá mạnh nên cơ bụng bị tổn thương, do đó Văn Kiều đã dính loại chấn thương rách cơ thẳng bụng. Nó càng trầm trọng hơn vì phải 3 năm sau anh mới phát hiện qua một lần kiểm tra ngẫu nhiên. 

"Người khổng lồ" bóng chuyền nam "sã cánh" - 1

Chia tay Văn Kiều (bên kia lưới) với những cú đập “sấm sét”

Chi tiền tỷ phẫu thuật bất thành

Điều đáng nói, do chủ quan về việc mình có thể lực quá sung mãn nên Văn Kiều đã hầu như không quan tâm đến chấn thương, vẫn liên tục “cày ải” như thường. Thậm chí có năm, ngoài đội bóng phố Biển anh còn sang Indonesia du đấu thuê. Chính vì thế nên tình trạng chấn thương của Văn Kiều ngày một nặng, dần dần bào mòn thể lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong độ. Tuy nhiên cũng phải đến khi kết thúc mùa bóng 2011, làm xong nhiệm vụ với CLB và ĐTQG, anh mới chịu đến bệnh viện, để rồi được chỉ định phải phẫu thuật gấp nếu còn muốn chơi bóng. 

Khi ấy, CLB chủ quản đã chi 1 tỷ đồng đưa Văn Kiều sang Singapore phẫu thuật. Ngay cả các bác sỹ của Bệnh viện Parkway Health cũng phải kinh ngạc với sức khỏe của Kiều bởi chỉ đúng 1 ngày rời bàn mổ đã có thể ra viện. 

Trả giá quá đắt 

Sau ca phẫu thuật thành công, Văn Kiều vẫn đầy tự tin vào năng lực thi đấu đỉnh cao của mình. Chỉ có điều là thực tế hoàn toàn khác, khi quyết tâm của anh đã không thể cưỡng lại được diễn biến phức tạp của chấn thương, gắn với tuổi tác không còn trẻ. Chấn thương của Văn Kiều hồi phục rất chậm, mất đúng nửa năm anh mới có thể tập nhẹ trở lại. Và quan trọng hơn, hậu quả của chấn thương dai dẳng lại được điều trị quá muộn là anh đã không thể lấy lại sức vóc vốn có, đặc biệt khả năng di chuyển liên tục cùng sức bật tuyệt vời. 

Trong suốt 2 năm gần đây, Văn Kiều đã gần như chỉ lúc đấu, lúc nghỉ để “sống chung” với chấn thương vẫn thường xuyên hành hạ. Ngay cả những lần xuất hiện trong màu áo của Khánh Hòa (chủ yếu một số trận cầu then chốt), Văn Kiều cũng chỉ còn là cái bóng của mình. 

Vòng 2 giải vô địch quốc gia vừa rồi là cuộc đấu mà Kiều đã thi đấu đủ 5 trận, vẫn gắng sức để giúp cho đội nhà đang thiếu hụt lực giành quyền trụ hạng. Nhưng sau đó, chấn thương vốn chưa bao giờ bình phục hẳn lại tiếp tục hành hạ, khiến cho đội trưởng của ĐTVN phải ngậm ngùi xin rút khỏi danh sách tham dự SEA Games 27. 

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, bóng chuyền Việt Nam đã mất hẳn một “oanh tạc cơ” của ngày nào khi anh hết cơ hội tìm lại được chính mình. Rất đáng tiếc vì Văn Kiều mới 29 tuổi, đáng ra đang ở thời kỳ “chín” nhất của mình. 

Đó là một sự trả giá quá đắt không chỉ với cá nhân Văn Kiều mà cả bóng chuyền Việt Nam. Không chỉ phần nào thuộc diện “đốt cháy giai đoạn” mà tài năng đặc biệt của anh đã bị khai thác quá mức, luôn ở tình trạng quá tải lại không có các giải pháp nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng, y tế. Thậm chí, cách tiếp cận và xử lý chấn thương của anh cũng rất chủ quan, hời hợt. 

Trong các năm 2008 - 2009, Ngô Văn Kiều sang Indonesia du đấu thuê 4 lần cho CLB Samatar Group (Indonesia) với mức lương 2.000 USD/tháng, chưa kể tiền thưởng và được chu cấp toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại. 

Tại đây, tuyển thủ Việt Nam đã chiếm suất đấu chính thức, đóng vai trụ cột trong tất cả các trận đấu, giúp CLB hàng đầu xứ Vạn đảo một lần đoạt ngôi vô địch, một lần xếp thứ Nhì giải chuyên nghiệp Indonesia. 

Riêng mùa bóng 2009, anh còn được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Văn Kiều cũng là VĐV Việt Nam duy nhất giành chức vô địch của 2 quốc gia. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Tuyến (giaothongvantai.com.vn)
Bóng chuyền - SEA Games 27 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN