Người hùng sau tấm huy chương

Phía sau ánh hào quang của nhiều VĐV thể thao tại SEA Games 29 - 2017, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ y tế, những người hùng thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng ở Malaysia

Nếu có dịp tiếp xúc với các y - bác sĩ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2017, có thể thấy dù công việc chăm sóc sức khỏe quan trọng giống các bác sĩ ở một số bệnh viện nhưng giữa bác sĩ và vận động viên (VĐV) ở Malaysia dường như không có khoảng cách. Giữa họ chỉ có tiếng cười và sự thân thiện.

Tại SEA Games 29, đội ngũ y tế được phân công làm nhiệm vụ có tổng cộng 17 người. Trừ những bác sĩ của hai đội bóng đá U22 và tuyển nữ được ưu tiên phân chia nhiệm vụ theo hẳn các đội, số bác sĩ còn lại được xếp làm nhiệm vụ rất khoa học. Do các đội tuyển cũng đến Malaysia theo thứ tự thi đấu nên cứ đến môn thi nào chủ lực, có thể giành huy chương là các bác sĩ lại lên đường theo sự phân công của trưởng tiểu ban y tế.

Riêng một số bác sĩ khi ở Việt Nam đã làm việc với thành viên đội tuyển nào thì cũng được ưu tiên theo đội đó ở Malaysia do đã nắm được tình hình chấn thương trong tập luyện. Từng là bác sĩ đi theo đội tuyển U19 Việt Nam của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, sau này được phân công theo thể dục dụng cụ (TDDC), judo, bóng chuyền, bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương chia sẻ:

"Thực tế, công việc của chúng tôi nặng nề hơn cả bác sĩ ở bệnh viện. Nhiệm vụ thường bắt đầu từ 7 giờ kéo dài đến 1-2 giờ ngày hôm sau, lắm lúc mệt quá ngủ luôn, dậy ăn sáng mà coi như ăn bữa tối. Cũng có lúc phải chăm sóc nhiều VĐV, có lúc ít người nhưng cũng chẳng mấy khi ngơi tay. Vì bác sĩ và VĐV đã quen và hiểu nhau nên không khí làm việc chỉ có niềm vui, tiếng cười chứ chẳng bao giờ cau có dù lắm lúc cũng quá tải".

Người hùng sau tấm huy chương - 1

Bác sĩ Dương Tiến Cần chăm sóc VĐV môn TDDC Ảnh: TRƯƠNG MINH SANG

Có chứng kiến một ngày làm việc của đội ngũ y tế ở SEA Games mới cảm nhận được hết sự vất vả của 17 y - bác sĩ, một con số chưa thấm tháp vào đâu nếu so với Singapore khi riêng đội tuyển bơi của nước bạn cũng có đến 6 bác sĩ.

"Các bác sĩ thể thao ở Việt Nam coi như đa năng. Ngoài trình độ chuyên môn như chẩn đoán chấn thương, cấp phát thuốc đúng liều lượng, họ còn kiêm luôn kỹ thuật xoa bóp, massage cho các VĐV khi mệt mỏi cũng như làm nóng trước lúc thi đấu. Chưa kể, họ còn kiêm luôn cả nhiệm vụ của những chuyên gia tâm lý, an ủi cũng như xốc tinh thần VĐV, chung vui khi chiến thắng hoặc giải tỏa nỗi buồn sau thất bại" - HLV Trương Minh Sang của đội TDDC nói.

Theo bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương, sát ngày thi đấu, các VĐV được giảm khối lượng tập luyện nên khâu massage thả lỏng và phục hồi cũng được giảm đi. "Lúc này, chúng tôi lại phải tập trung hơn vào một số em không may gặp phải chấn thương. Các bác sĩ phải làm tất cả, cố gắng hết khả năng để giúp VĐV có thể yên tâm thi đấu.

Vào ngày thi đấu, nhiệm vụ của chúng tôi càng vất vả hơn. Vừa theo sát họ khởi động, động viên tâm lý trước khi bước ra sàn đấu, rồi tập trung quan sát tình trạng sức khỏe khi tranh tài, cuối cùng là theo VĐV đi kiểm tra doping... Tính ra, bác sĩ cũng phải dẻo dai không kém VĐV đâu" - ông Dương hài hước chia sẻ.

Người hùng sau tấm huy chương - 2

Bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương (trái) chăm sóc VĐV đội judo trước trận đấu Ảnh: MINH NGỌC

Thành công của Thể thao Việt Nam tại Malaysia không thể không nhắc đến những người hùng phía sau đấu trường mà người ngoài gần như không biết mặt biết tên. Tuy nhiên, họ luôn tâm niệm đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là niềm tự hào mà không phải bác sĩ nào cũng có vinh dự như vậy. Một bác sĩ cho biết: "SEA Games khiến đội y tế chúng tôi rất mệt nhưng đây cũng là một trải nghiệm đầy thú vị". 

Bài học Thể thao Việt Nam rút ra từ SEA Games 29

Kỳ SEA Games 29 chứng kiến nhiều trận thua tiếc nuối của Đoàn thể thao Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Dũng ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN