“Ngũ long công chúa” của Sơn La
Sơn La có lẽ là một trong những đoàn đặc biệt nhất tham dự các mùa Việt dã gần đây, khi đội tuyển “tuyền”các sơn nữ. Quân ít nhưng tinh, đội của HLV Vũ Đình Sơn “cứ đi thi là có thưởng”, khiến đối thủ nào cũng phải nể dăm phần.
Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong năm nay, Sơn La đăng ký dự tranh với vỏn vẹn…5 VĐV, thuộc nhóm các đoàn có quân số ít nhất giải. Cụ thể, Sơn La chỉ đăng ký 1 VĐV dự tranh cự li 5km nữ tuyển, 1 tranh huy chương ở nội dung marathon nữ (42,195km) và 3 tranh tài cự li nữ thiếu niên 2,4km.
Từ Việt dã giải báo Tiền Phong, Lò Thị Thanh (210) hiện là niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 2017 ở nội dung 1.500 và 3.000m vượt chướng ngại vật. Ảnh: Hồng Vĩnh
Điểm đặc biệt hơn cả ở đội quân của HLV Vũ Đình Sơn, cả 5 VĐV đều là nữ, dân tộc ít người. Theo HLV Vũ Đình Sơn, từ giải Việt dã 2013 tại thị trấn Hà Tiên (Kiên Giang) trở về đây, Sơn La tập trung toàn lực phát triển nội dung nữ. Các VĐV đều là con em các gia đình dân tộc ít người tại Sơn La.
Quá trình tuyển quân và tập luyện thực sự vất vả, không chỉ vì con em dân tộc ít người thường rụt rè, không dạn dĩ trong giao tiếp, mà việc thuyết phục gia đình đồng bào cho con tập luyện cũng tốn nhiều công phu. Có gia đình phải lưỡng lự rất lâu mới đồng ý, hoặc từ chối ngay từ đầu, thuyết phục cách nào cũng nhất quyết không ưng. Để xây dựng được đội ngũ VĐV trẻ như hiện nay, ông Sơn và các đồng nghiệp ở Trung tâm đào tạo Sơn La phải tốn rất nhiều công phu.
“Các em là vốn đã rụt rè, ngại giao tiếp, nên khi về Trung tâm lại mất khá nhiều thời gian để làm công tác tư tưởng, động viên để hoà nhập được với nhau”-HLV Vũ Đình Sơn cho biết.
Quá trình tập luyện của VĐV lại gian nan một kiểu khác. VĐV nữ, tâm lý thường quen được nhẹ nhàng chứ không như VĐV nam. Rồi thì thêm chuyện này, chuyện kia của con gái, cũng lắm khi phức tạp. Học trò xa nhà, ông Sơn cho biết vì vậy phải rất khéo léo để động viên các em tập luyện. Quá trình tập luyện ở Trung tâm, các em được cho theo học tại trường trong thành phố Sơn La, cứ một buổi tập luyện lại một buổi học văn hoá. Tập luyện vất vả, nhưng các em cũng không được ưu tiên nhiều. “Nhà trường chỉ thi thoảng tạo điều kiện giảm bớt các giờ ngoại khoá, hoặc khi thi đấu, còn lại việc học tập các em vẫn phải đảm bảo”-ông Sơn nói.
Từ tháng 8/2016, HLV Vũ Đình Sơn được biên chế lên ĐTQG, lo cho VĐV Lò Thị Thanh ở Trung tâm 3 (Đà Nẵng), công việc của đội tại tỉnh được giao lại cho người khác phụ trách. Ông Sơn chỉ gửi giáo án huấn luyện về.
Quân không cốt đông nhưng tinh
Trong 5 VĐV Sơn La đăng ký dự tranh giải năm nay, nổi bật nhất phải kể đến Lò Thị Thanh (1997) và Lèo Thị Tình (1996), đều là dân tộc Thái.
Giải năm 2015 tại Vĩnh Phúc, Lò Thị Thanh về thứ 3 cự li nữ tuyển (5km), sau Nguyễn Thị Phương (Thanh Hoá) và Đỗ Thị Thảo (Hà Nội). Lèo Thị Tình cũng đứng thứ 3 cự li marathon, vốn rất khắc nghiệt. Ở giải này, Sơn La còn 1 VĐV khác là Lường Thị Thảo, về nhì nội dung nữ thiếu niên. Tới năm 2016, Lò Thị Thanh tiếp tục bước tiến với vị trí thứ 2 cự li nữ tuyển, sau Phạm Thị Huệ của Quảng Ninh.
Thanh hiện giờ đang tập trung ở đội chính của đội tuyển điền kinh quốc gia, sau 2 năm tập ở tuyển trẻ. Ban đầu Lò Thị Thanh được các HLV cho tập cự li 800m và 1.500m nữ, nhưng nay đang được tập trung cho các cự li 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật ở SEA Games 2017. Không nói ra, nhưng HLV Vũ Đình Sơn hẳn không thể không tự hào về cô học trò nhỏ.
Theo HLV Vũ Đình Sơn, đội điền kinh Sơn La hiện vẫn duy trì đội 3-4 VĐV trẻ, lứa tuổi 2002 đổ về để chuẩn bị cho sự thay thế các lứa đàn chị. Riêng Việt dã năm nay, Sơn La đăng ký 5 VĐV, và hy vọng huy chương vẫn đặt vào các gương mặt cũ. Ở cự li nữ thiếu niên, Sơn La cũng trông đợi các VĐV trẻ sẽ “làm nên chuyện”.