Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính

Trên hành trình đi tác nghiệp tại SEA Games 27, nhóm phóng viên Việt Nam đầu tiên có mặt tại Myanmar đã có khoảng thời gian một ngày khám phá cố đô Yangon cổ kính để xem không khí của đại hội thể thao khu vực đã lan tỏa ở thành phố lớn nhất nước bạn như thế nào.

Hôm qua (1/12), dù còn khá mệt sau hành trình dài từ thành phố Hồ Chí Minh sang đến Yangon, Myanmar nhưng nhóm phóng viên Việt Nam chúng tôi đi tác nghiệp tại SEA Games 27 đều tỏ ra khá hào hứng khi quyết định "tranh thủ" cùng nhau đi khám phá cố đô của Myanmar trước khi di chuyển xuống thủ đô mới Nay Pyi Taw làm nhiệm vụ của mình.

Ở Yangon, nhịp sống của người dân vẫn bình lặng như thường. Một số người dân chúng tôi hỏi chuyện có biết tin về sự kiện SEA Games, nhưng ngày khai mạc đại hội chưa đến nên họ chưa quan tâm nhiều. Hơn nữa, phải mấy hôm nữa các môn thể thao mới vào cuộc, trong đó có bảng B bóng đá nam thi đấu ở Yangon nên phải đến thời điểm ấy không khí SEA Games 27 mới thực sự "nóng" với người hâm mộ đất nước này.

Dù trước đó chúng tôi đã tìm hiểu những thông tin về Yangon trên sách, báo và internet nhưng các thành viên trong nhóm đều không khỏi ngỡ ngàng trước một Yangon cổ kính, êm đềm và cả huyền bí. Điều kỳ lạ đầu tiên, khi chúng tôi bước chân ra khỏi khách sạn nơi cả nhóm lưu trú thì thấy có rất nhiều những loại chim xuất hiện trên khắp các cành cây ven đường, dây điện, nóc nhà và ngay cả trên đường bên cạnh những chiếc xe hơi lao vun vút.

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 1

Một người dân Yangon cho chim bồ câu ăn

Nhiều thành viên trong nhóm chúng tôi đoán già đoán non rằng chắc do Yangon "đất lành chim đậu", có nhiều cây xanh nên có nhiều chim cũng là điều dễ hiểu. Nhưng người khác thì lại bảo do người dân Myanmar phần lớn theo đạo Phật, rất coi trọng các loài vật nên các loài chim quây quần nhiều ở đây cũng đúng. Nhưng tựu chung lại, sự "thân thiện" giữa người dân và chim chóc nơi đây đều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Người ta bảo, đến Myanmar, đến Yangon thì điều đầu tiên cần làm là đi thăm chùa. Và chúng tôi đã quyết định tìm đến Shwedagon ngôi chùa được cho là cổ kính nhất và linh thiêng nhất của đất nước có đến hơn 89% dân số theo đạo Phật này. Không đọc được tên đường bằng tiếng Myanmar và bản đồ thì rất khó tìm đường đi, nhưng bù lại, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình, rất thân thiện và cởi mở của người dân nơi đây, dù không phải ai cũng nói được tiếng Anh. 

Ngay khi bước chân vào cổng, hiện lên trước mắt chúng tôi là hai tháp chính cao chót vót, nguy nga, tráng lệ dưới ánh nắng bình minh, nổi lên trong một quần thể gồm khoảng 1000 tháp nhỏ. Theo quy định, mỗi du khách nước ngoài đến thăm quan chùa Vàng đều phải đóng khoản phí 8 USD và đi chân trần như những người dân nơi đây khi vào khấn Phật. 

Được biết, tại đây có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Tháp trung tâm của chùa Vàng được dát hàng tấn vàng, chùa cao tới 99m. Chúng tôi đến thăm Shwedagon đúng vào ngày chủ nhật nên có rất đông du khách cũng như người dân địa phương đến hành hương. Dù vậy, điều chúng tôi cảm nhận được chính là một không khí trầm lắng và tất cả đều nhắm mắt, tịnh tâm khấn Phật chứ không hề có bất cứ sự chen lấn, xô đẩy, to tiếng nào...

Đi gần nửa ngày, chúng tôi vẫn chưa thể khám phá hết được ngôi chùa đã gần 2500 tuổi này. Dù không muốn nhưng do quỹ thời gian không cho phép nên chúng tôi đành tìm đường ra và hẹn một dịp khác sẽ tiếp tục khá phá "trái tim" Phật giáo của đất nước Myanmar. Nhưng tìm được đường ra khỏi quần thể chùa Shwedagon cũng không phải điều dễ và phải mất đến gần 1 tiếng thì cả nhóm chúng tôi mới quay trở lại được nơi gửi giầy, dép trước khi vào chùa.

Theo giới thiệu của một số người dân địa phương, chúng tôi tìm đến China Town (phố Trung Hoa) - khu phố cổ nhưng được cho là có nhiều điều thú vị nhất của Yangon. Mất khoảng 2 USD, bác tài xế taxi tốt bụng đã đưa chúng tôi đến nơi mà có những tòa nhà, những chung cư cũ kỹ nhưng nhịp sống nơi đây lại khá nhộn nhịp. Từng mét vuông của khu phố ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Hoa này đều được phủ kín bởi các sạp hàng rong bán từ đồ điện tử, quần áo, đồ ăn, nước uống cho đến trầu và thuốc lá.

Chưa kịp sải bước qua hết những ngõ ngách để cảm nhận được những điều thú vị của China Town thì trời đã xẩm tối. Chúng tôi đành hẹn một cơ hội khác để hòa mình lâu hơn với những điều huyền bí của cố đô cổ kính Yangon...

Dưới đây là một số hình ảnh của cố đô Yangon:

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 2

Ngoài xe bus hoặc taxi, người dân Yangon còn sử dụng những chiếc xích lô để di chuyển trong thành phố

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 3

Rất dễ bắt gặp hình ảnh những nhà sư đi khất thực trên đường phố Yangon

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 4

Theo phong tục thì đàn ông Myanmar đều mặc váy (xà rông)

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 5

Đi bất cứ nơi đâu du khách cũng nhận được những nụ cười hết sức thân thiện của người dân Yangon

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 6

Cổng vào chùa Vàng (Shwedagon)

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 7

Chùa Vàng được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất ở Myanmar

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 8

Tháp trung tâm của chùa Vàng được dát vàng, cao đến 99m

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 9

Khách hành hương tắm cho tượng Phật

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 10

Người dân Myanmar đi lễ chùa

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 11

Một góc phố của khu China Town

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 12

Trên đường phố Yangon có rất nhiều quán, hàng rong

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 13

Ăn trầu là một trong những phong tục của người Myanmar nên rất dễ gặp những quầy bán trầu trên đường

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 14

Yangon được coi là thành phố lớn nhất, cổ kính nhất ở Myanmar

Ngóng SEA Games, khám phá Yangon cổ kính - 15

Bên ngoài Ga xe lửa trung tâm của thành phố Yangon

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bài & ảnh: Tuấn Hữu (Từ Yangon) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN