Nghịch cảnh không làm vơi khát vọng

Là “thần đồng” của làng cờ Việt Nam từ tuổi lên 8, Nguyễn Ngọc Trường Sơn - qua vị trí thứ 5 cờ chớp thế giới 2013 - hiện vẫn là một tài năng kiệt xuất mà nghịch cảnh dường như chưa bao giờ làm vơi đi khát khao thành công của chàng trai quê Kiên Giang.

Biết chơi cờ khi mới lên 3 tuổi và 5 năm sau đã khoác áo đội tuyển cờ vua Kiên Giang tham dự Đại hội TDTT toàn quốc, “hiện tượng” Trường Sơn có lẽ đã là điểm khởi đầu cho trào lưu trẻ hóa lực lượng. Nhờ đó, sau này cờ vua Việt Nam đã có thêm Lê Quang Liêm, Trần Minh Thắng, Nguyễn Anh Khôi…, những nhà vô địch thế giới ở lứa tuổi của mình.

Xuất phát điểm tốt hơn Quang Liêm

10 tuổi giành chức vô địch thế giới, 14 tuổi đạt chuẩn đại kiện tướng (ĐKT) quốc tế, 15 tuổi được FIDE (Liên đoàn Cờ vua Quốc tế) phong tặng danh hiệu ĐKT quốc tế, nếu làm một sự so sánh với người bạn đồng trang lứa Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn có xuất phát điểm tốt hơn về thành tích. Tuy nhiên, Trường Sơn lại gặp nhiều thiệt thòi từ hoàn cảnh riêng, thiếu hẳn những điều kiện cơ bản để tài năng ngày một thăng hoa như đồng đội của mình.

Trong khi Quang Liêm vươn cao, vươn xa nhờ sự hỗ trợ tối đa của gia đình và xã hội thì Trường Sơn có lúc ngỡ đã mỏi mòn trong sự nghiệp. Ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM, kể: “22 tuổi nhưng có đến 14 năm Sơn ăn cơm đội tuyển tại trung tâm và tự lo lắng mọi thứ cho mình. Đây là những điều tưởng chừng rất khó ngay cả với một thanh niên nhưng đó lại là thực tế của Sơn từ năm lên 8”.

Sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ đều là giáo viên, cậu bé Trường Sơn khi mới hơn 2 tuổi đã thuộc hết bảng chữ cái. Lên 3, cậu đã làm quen với cờ vua và biết tính nhẩm cộng trừ. Thấy con thích cờ, cha Sơn đem cậu gửi gắm cho thầy Trịnh Hoàng Cường ở Trung tâm TDTT Kiên Giang để được hướng dẫn bài bản.

Năm 1998, Sơn được tỉnh Kiên Giang cử đi dự giải quốc tế U10 tại Tây Ban Nha và xếp hạng 12. Một năm sau, Sơn giành HCĐ Giải trẻ Đông Nam Á ở Ấn Độ. Vài tháng sau, cậu giành luôn chức vô địch thế giới lứa tuổi U10 tại Hy Lạp.

Được xem là kỳ thủ số 1 tại các giải trẻ của châu Á và Đông Nam Á, không có kỳ thủ nào ở cùng lứa tuổi lại có thể qua được Sơn về độ “quái” trong lối chơi, khả năng đọc thế trận và sự ứng biến nhanh nhạy ngay cả khi rơi vào tình thế bất lợi. Rồi 5 năm sau, Trường Sơn là kỳ thủ trẻ nhất trong lịch sử cờ vua Việt Nam được phong danh hiệu ĐKT quốc tế và là người trẻ thứ nhì sau Etienne Bacrot (Pháp) nhận được vinh dự này.

Nghịch cảnh không làm vơi khát vọng - 1

Sự chia sẻ, động viên của cô bạn gái Thảo Nguyên góp phần giúp Trường Sơn trở lại mạnh mẽ trong thời gian gần đây

Chiến binh thầm lặng

Đôi lần giành được thành tích trên kỳ đài quốc tế nhưng phong độ của Trường Sơn có chiều hướng đi xuống, nhất là khi gia đình có chuyện không vui, cha mẹ không còn sống cùng nhau. Biến cố này khiến sức cờ của Sơn giảm hẳn, anh rơi khỏi top 100 thế giới (từng xếp hạng 83 năm 2011), trong khi cuộc sống riêng tư chao đảo mạnh.

Sơn gần như ở hẳn trong trung tâm huấn luyện ở TP HCM và tại đây, chuyện tình cảm của anh với đồng đội Phạm Lê Thảo Nguyên được người trong giới coi là một “thiên diễm tình”. Thảo Nguyên quê Cần Thơ, lớn tuổi hơn Trường Sơn nhưng trong chuyện tình cảm, không có giới hạn nào ngăn cách họ tìm đến với nhau. Bên cạnh người bạn gái luôn chia sẻ nhiều điều, Sơn tự tin hơn vào cuộc đời và anh tìm lại được phong độ ngày nào.

Ở đội tuyển cờ quốc gia, Trường Sơn đóng vai trò trụ cột, dù thầm lặng, trong những chiến tích chói sáng mà gần nhất là hạng 7 đồng đội Olympiad cờ vua thế giới 2012. Chiếc HCV giải tuyển chọn khu vực 3.2 năm 2013 kèm suất tham dự World Cup (Trường Sơn đã dự đến lần thứ 3), vị trí thứ 9 cờ tiêu chuẩn châu Á, hạng 16 thế giới cờ nhanh và hạng 5 thế giới cờ chớp 2013… chính là câu trả lời hùng hồn nhất cho những ai còn hoài nghi về tài năng của kỳ thủ một thời được mệnh danh “thần đồng làng cờ Việt” này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Tùng (nld.com.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN