"Nàng tiên cá" bơi ra tiền tỷ
Được ví như “nàng tiên cá” trong giới VĐV Việt Nam, song có thể nói Nguyễn Thị Ánh Viên là cô gái bốn không: Không biết tiêu tiền, không tham gia mạng xã hội, không có email và thậm chí không sử dụng cả điện thoại di động.
Tỷ phú tiền thưởng
Từ năm 2011, khi được đặc cách triệu tập vào ĐTQG, cô bé 14 tuổi đã có thu nhập trung bình gần 10 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản thưởng ngót 100 triệu cho 1 HCB và 1 HCĐ SEA Games. Mức này quá đủ để Ánh Viên phụ giúp bố mẹ nuôi cả gia đình (vốn rất nghèo) ở Cần Thơ, thậm chí cô còn giúp gia đình lần đầu có được một số vật dụng tương đối đắt tiền phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt, năm 2013 vừa qua nhờ bước phát triển vượt bậc về thành tích, kình ngư trẻ đã thực sự... “bơi ra tiền tỷ”. Ngôi sao trẻ này đã đoạt trên 50 huy chương quốc tế các loại, với 23 HCV. Nổi bật nhất phải kể đến 1 HCV Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á, 3 HCV Á vận hội trẻ, 3 HCV SEA Games 27.
Chỉ tính từ nguồn thưởng theo quy định, tuyển thủ số 1 của năm đã nhận được hơn nửa tỷ đồng. Trong đó, riêng 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ cùng 2 kỷ lục tại SEA Games vừa qua tại Myanmar đã mang lại cho Ánh Viên 235 triệu đồng từ ngành Thể thao, cộng thêm của đơn vị chủ quản cũng không dưới 150 triệu đồng.
Có nghĩa là, qua 3 năm, Ánh Viên đã trở thành tỷ phú xét về thu nhập. Trong một vài năm tới, thành tích của “nàng tiên cá” này được dự báo sẽ ngày càng đột phá, đồng nghĩa với cơ hội tiền thưởng sẽ tăng vọt. Rất đáng nể vì lần đầu tiên một môn thể thao (ngoài các cầu thủ bóng đá, Tiến Minh môn cầu lông hay Quang Liêm môn cờ vua) không có chút chuyên nghiệp hóa nào đã có một tỷ phú mà thu nhập hoàn toàn bằng tiền thưởng huy chương theo quy định của Nhà nước. Điều đó chứng tỏ Ánh Viên đã xuất sắc và nỗ lực đến như thế nào.
Tại SEA Games 27 ở Myanmar, Ánh Viên đã thi đấu xuất sắc, phá 2 kỷ lục SEA Games
Không biết tiêu tiền
Trong lúc Ánh Viên đang tranh tài tại SEA Games 27 thì ở quê, bố mẹ cô gấp rút hoàn thành ngôi nhà mới - điều mà trước đây mấy năm họ không dám mơ. Và khi cô chiến thắng trở về, Ánh Viên vô cùng bất ngờ khi lúc này gia đình cô đã ở trong căn nhà khang trang, hiện đại và đầy đủ tiện nghi trị giá trên nửa tỷ đồng. Theo bật mí của bố Ánh Viên, đây chính là mong muốn của cô con gái cưng, và thực sự toàn bộ chi phí đều nhờ cả vào khoản tích lũy của Ánh Viên.
Không chỉ giúp bố mẹ xây một ngôi nhà mới, nghiệp bơi của Ánh Viên đã giúp cô và cả gia đình đổi đời. Mọi việc diễn ra như trong mơ khi chỉ cách đây 6 năm, cô vẫn là “cô bé lọ lem” suốt ngày ngụp lặn trên bể bơi gần nhà.
Thành đạt là vậy song “nàng tiên cá” vẫn không biết tiêu tiền, theo đúng nghĩa đen. Nghề bơi đã giúp cô có thu nhập, nhất là tiền thưởng “khủng”, nhưng dường như cô không quá bận tâm đến chuyện tiền bạc. Đơn giản là cứ được bao nhiêu Ánh Viên đều gửi hết cho bố mẹ. Ánh Viên chia sẻ: “Bản thân em đã được ngành Thể thao và quân đội lo toàn bộ từ ăn, ở, tập huấn, thi đấu đến trang phục. Hiện tại, em cũng không có nhu cầu gì cho riêng mình, ngoài việc tập trung cho đường đua xanh”.
Không những không biết tiêu tiền, thần tượng của giới VĐV trẻ này còn nói không với công nghệ để tránh bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Viên không dùng điện thoại di động, không vào facebook cũng như không có địa chỉ email. Lên đường tập huấn và thi đấu xa nhà, nhưng ngay cả việc liên hệ với bố mẹ và em trai, Viên cũng nhờ qua thầy Đặng Anh Tuấn.
* Ở cuộc bình chọn “VĐV Việt Nam tiêu biểu 2013”, giải thường thường niên do Báo Thể thao Việt Nam tổ chức dựa trên lá phiếu của các phóng viên thể thao trên cả nước, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) đã vượt qua kỳ thủ Lê Quang Liêm để về đầu. Các vị trí còn lại trong Top 5 là: xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, “Nữ hoàng điền kinh” Vũ Thị Hương và lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn. Ông thầy của Ánh Viên, Đặng Anh Tuấn được vinh danh là “HLV tiêu biểu 2013”. * Tổng cục Thể dục Thể thao đã quyết định phê duyệt gói kinh phí 200.000 USD (tương đương 4 tỷ đồng) để Ánh Viên tiếp tục tập luyện tại Mỹ, nhằm chuẩn bị Đại hội Thể thao châu Á, ASIAD 2014 tại Hàn Quốc. Mục tiêu đề ra của cá nhân Ánh Viên và ngành Thể thao là một vị trí trong Top 3 ASIAD 2014 ở 2 nội dung sở trường: 200m ngửa, 400m hỗn hợp. |