Năm con trâu, bàn chuyện Kim Ngưu quyền
Con trâu là loài vật gắn liền với đời sống văn hoá của người nông dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Hình tượng con trâu được đưa vào truyện dân gian, thi ca, hội hoạ và cả trong võ thuật cổ truyền Việt Nam với bài Kim Ngưu quyền nổi tiếng.
Video màn biểu Kim Ngưu quyềndiễn
Con trâu là đầu cơ nghiệp
Với người nông dân Việt Nam, con trâu luôn gắn bó mật thiết từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đến đời sống hàng ngày. Trong tâm thức Việt, trâu là biểu tượng của sự chăm chỉ, bền bỉ “làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai”, luôn hiền lành chất phác như chính những miêu tả về người nông dân.
Thế Kim Ngưu khai quyền. Ảnh: Báo Khánh Hòa Online
Hình tượng con trâu, vì thế, được người dân Việt Nam đưa vào ca dao, dân ca, những bài vè. Trong lĩnh vực thể thao, trâu thường được xem là hiện thân của tinh thần thượng võ: Đầy sức mạnh nhưng cũng hiền lành, chân chất.
Ở kỳ SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam năm 2003, con trâu vàng được chọn làm linh vật của đại hội thể thao Đông Nam Á này. Theo Ban tổ chức, “Trâu Vàng" (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ.
Con trâu trong võ thuật Việt Nam
Gắn bó với con người là thế nhưng trâu lại ít được giới võ thuật mô phỏng động tác để đưa vào các bài quyền. Người ta biết đến Ngũ hình quyền với Long-Hổ-Báo-Xà-Hạc, hầu quyền (võ khỉ), Đường Lang quyền (bọ ngựa) hay cả Hùng kê quyền (gà) nhưng ít nghe nói đến Ngưu quyền (võ trâu).
Ngay cả trong võ thuật Trung Quốc, vốn rất phổ biến loại quyền thuật Tượng hình quyền (hay còn gọi là Hình ý quyền linh thú), mô phỏng "thần thái, bộ hình" các loại động vật, cũng ít thấy Ngưu quyền.
Có chăng võ trâu chỉ xuất hiện... trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung với môn võ công: Cách sơn đả ngưu. Đây là một môn võ công kỳ lạ, người sử dụng ra đòn trực tiếp vào một người nhưng người ấy chẳng hề bị tổn thương, mà kẻ bên cạnh người ấy mới thật sự bị tổn thương.
Tuy nhiên, trong kho tàng võ thuật Việt Nam có một bài võ mang tên “Kim Ngưu quyền” của võ phái Bích Quang. Võ phái Bích Quang có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc, sau kết hợp với tinh hoa võ Tây Sơn.
Tháng 12/2008, bài "Kim Ngưu quyền" chính thức được Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam chọn là một trong những bài quyền quy định.
Theo tài liệu của các võ sư môn phái này thì Kim Ngưu quyền là một trong những bài thảo bộ nổi tiếng trong các bài quyền đặc trưng của dòng võ Tây Sơn. Bài quyền có 22 câu thiệu gồm 64 chiêu thức, hơn 100 động tác kỹ thuật liên hoàn chiến đấu, kết hợp nhiều pháp võ cổ truyền Việt Nam. Kim Ngưu quyền có lúc cương, lúc nhu, uyển chuyển nhưng cũng rất dũng mãnh. Đặc biệt, các thế sử dụng cùi chỏ để công thủ như hình dáng của đôi sừng trâu, mang lại nét đặc thù của bài võ trâu.
Ngoài lời thiệu (văn bản tóm tắt các thế võ) Hán Việt, Kim Ngưu quyền còn có bài phú theo thể thơ lục bát thể hiện hình ảnh con trâu trong đời sống dân gian, qua đó trở nên gần gũi hơn với những võ sinh gắn bó với nghề nông.
BÀI PHÚ KIM NGƯU QUYỀN
Nằm trên mặt đất công thành,
Trâu vàng liếc nhọn đôi sừng chiến chinh,
Hường nghiệp thoăn thoắt đôi quyền,
Lão tổ mến khách vội vàng bước lên,
Thiền sư quyết tiễn khách đi,
Tiên ông trở bộ về ngồi ngẫm suy,
Đứa trẻ mở lối trèo non,
Đôi quyền cuốn siết sách sao cho bằng,
Lui về rạch mở đôi bên,
Nhảy lên rơi xuống vững như cột đình,
Điểm tay xuống đất tìm châu,
Lui mình trở bộ thành hình khỉ đen,
Bung ra cọp trắng vồ mồi,
Dọc ngang năm hướng phá tan lũy đồn,
Ba phen vượt ải công thành,
Nhẹ nhàng như một cánh cò sang sông,
Gà vàng cất tiếng gáy vang,
Trở về bái tổ là đường xưa nay.
Hiện nay, bài Kim Ngưu quyền vẫn đang được giảng dạy trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam. Bài quyền không chỉ thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con trâu và con người mà còn ẩn chứa những tinh hoa võ thuật dân tộc đã được sáng tạo, phát triển trong suốt hàng nghìn năm chống giặc ngoại
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin võ thuật) Cô bé bán vé số Nguyễn Thị Thu Nhi ngày nào đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành huyền thoại...