Nadal và điệp vụ giải cứu tennis

Tennis thế giới hiện thực sự cần anh, Nadal!

Một thế giới đôi khi buồn tẻ

Không thể nói Andy Murray không phải là đối thủ của Novak Djokovic dù cho tay vợt người Scotland đã thua ba trận gần nhất họ giáp mặt nhau (từ Thượng Hải Masters tới ATP WTFs và mới đây là chung kết Australian Open). Vì tỉ số tương đối sát nút (ở A.O) cho tới chỉ chênh nhau vài điểm (London). Và vì nếu tính hai Grand Slam gần nhất (đấu trường đỉnh cao), thì tỉ số hiện đang là 1-1 với chiến thắng của Murray ở US Open.

Nhưng Murray với Djokovic không thể tạo nên trận đấu kinh điển được, bởi lối đánh của cả hai quá giống nhau. Khi Murray hoàn thiện cú forehand, anh có nhiều phương án để dứt điểm hơn, nhưng cho tới lúc này, nó mới chỉ giúp cho trận đấu bớt cù cưa hơn và các loạt đôi công từ cuối sân ở trận chung kết Australian Open mới đây đã được rút ngắn lại cả về thời gian cũng như số lần chạm vợt.

Nadal và điệp vụ giải cứu tennis - 1

Chưa bao giờ Nadal chấn thương lâu như vậy

Nadal, cũng giống như Federer, là một trong số ít những tay vợt có bản sắc nhất, và có thể tạo ra sự tương phản với bất cứ đối thủ nào. Bản sắc của Nadal không chỉ ở phong cách thi đấu, mà nó còn nằm ở các kỹ năng mang tính cơ bản.

Trong tennis, sự tương phản dễ tạo nên những trận đấu đỉnh cao hơn là sự tương đồng, nhất là khi sự tương đồng và quá hiểu nhau ấy lại khiến họ trở nên thận trọng hơn như Murray và Djokovic đã nói ở trên.

Đó là lý do Nadal đấu với Federer là cặp đấu vĩ đại nhất trong lịch sử ở thời điểm cả hai cùng đỉnh cao phong độ (2006-2009), và có lẽ là cả bây giờ, cặp đấu này cũng sẽ vẫn hấp dẫn không chỉ nhờ mặt tên tuổi.

Rồi tới lượt Nadal gặp Djokovic, dù anh thua trong sáu trận chung kết năm 2011, cũng chỉ có trận đấu ở Wimbledon là tẻ nhạt (vì phong độ Nadal lúc đó quá tệ). Hay trận chung kết Australian Open 2012, dù kéo dài tới sáu tiếng, thì nó vẫn được xưng tụng như một trong những trận chiến kịch tính nhất.

Chúng ta đã từng phân tích ở cuối năm 2012, rằng Nadal và Nole chính là cặp đấu kinh điển của năm, bởi sự cống hiến và chất lượng chuyên môn cũng như sự kịch tính của cả hai tay vợt.

Cả khi Nadal gặp Murray, đó cũng không phải là một dạng trận đấu tẻ nhạt, dù cho sự tương phản ở đây là không quá rõ rệt. Họ từng kị rơ nhau và cũng không thiếu những ân oán.

Và sự trải nghiệm (lần thứ ba) của David Ferrer ở vị trí hạt giống số bốn tại Grand Slam đã không thể tạo nên một thế cục cân bằng. Bán kết một ở Australian Open 2013 là cuộc đấu không cân sức giữa hạt giống số một Djokovic với hạt giống số 4, Ferrer. Nhóm Big 4 cho tới lúc này không nên gồm ai khác ngoài Djokovic, Federer, Murray và Nadal - những người đã giành tới 31 trong số 32 danh hiệu Grand Slam gần nhất (từ giữa năm 2005).

Nadal vẫn còn đau nhẹ

Nhưng đó là chúng ta đang nói về một Nadal trong trạng thái từ bình thường cho tới đỉnh cao phong độ, chứ không phải là một Nadal-chấn-thương vẫn còn những nghi hoặc chưa được giải đáp.

Chưa bao giờ Nadal nghỉ dài như lần này, tới hơn bảy tháng. Nếu tính chính xác là 7 tháng tám ngày, tính từ khi anh thua Lukas Rosol ở vòng 2 Wimbledon. Kể cả chấn thương bàn chân năm 2005 anh chỉ nghỉ gần ba tháng, hay lần đầu tiên anh phải đối phó với vấn đề dây chằng đầu gối năm 2009, Nadal cũng chỉ phải tạm dừng thi đấu hai tháng.

Nadal và điệp vụ giải cứu tennis - 2

Giải đấu đầu tiên Nadal tham dự sau 7 tháng diễn ra tại Chile

Bảy tháng là một quãng thời gian quá dài đối với bất cứ ai, và tiềm ẩn những rủi ro. Huyền thoại John McEnroe, người đoạt bảy chức vô địch Grand Slam trong nửa đầu sự nghiệp, từng bị chấn thương phải nghỉ thi đấu nửa năm ở tuổi 26, rồi khi trở lại đã không thể giành thêm Grand Slam nào cho tới khi ông gác vợt ở tuổi 33.

Nadal là một trường hợp khác, với nền tảng thể lực, chế độ tập luyện cũng như điều trị khoa học có thể giúp anh hồi phục, và kinh nghiệm vượt khó để trở lại. Nhưng lần nào cũng thế, cần có một quãng thời gian để anh thích nghi và đạt phong độ đỉnh cao.

Nadal lựa chọn nơi để bắt đầu hành trình trở lại là giải ATP 250 trên mặt sân đất nện - Chile Open (rồi sau đó là hai giải đất nện tương tự ở Mexico và Brazil). Đất nện là đất của Nadal, đồng thời là mặt sân giảm thiểu những nguy cơ chấn thương (so với mặt sân cứng).

Ba tháng là quãng đường Nadal xác định để anh vượt qua nốt những nhói đau thi thoảng xuất hiện nơi đầu gối trái, và tìm được phong độ đích thực của mình tại Grand Slam thứ hai trong năm - Roland Garros.

Không chỉ là cây vợt mới

Để không lãnh phí 222 ngày xa rời các giải đấu chỉ cho mỗi việc chữa chấn thương và phục hồi, Nadal tận dụng cơ hội ấy để thử nghiệm những cái mới và có thể là cả hoàn thiện những kỹ năng.

Đó có lẽ là điều tích cực nhất nhìn từ đợt nghỉ chấn thương lần này của huyền thoại người Tây Ban Nha. Một trong những thử nghiệm ấy chính là cây vợt.

Trong khi Nadal hầu như tập kín, nên chuyên gia số một thế giới về phân tích tốc độ, vòng xoáy của bóng, John Yandell, không có cơ hội tiếp cận, thì chúng ta buộc phải dựa trên những thông số của nhà sản xuất vợt tennis Babolat - hãng cung cấp vợt cho Nadal.

Nadal và điệp vụ giải cứu tennis - 3

Cây Babolat AeroPro Drive GT 2013 giúp độ xoáy trong mỗi cú đánh của Nadal tăng thêm 25%?

Họ cho rằng công nghệ ứng dụng mới nhất (Woofer, Cortex System...) giúp cho tự bản thân cây vợt AeroPro Drive phiên bản 2013 có thể cung cấp thêm được 25% độ xoáy cho mỗi cú đánh cùng kỹ thuật so với thế hệ vợt trước cùng thể loại. Với một người đánh thuận tay thường có độ xoáy khoảng 3.700 vòng/phút như Nadal thì nó sẽ tăng lên tới mức trên dưới 4.600 vòng/phút.

Có thể tưởng tượng thêm là nếu trước đây bóng của Nadal nhồi vào trái tay của Federer đã cao lên tới ngang vai, thì tới đây nó có thể còn cao hơn nữa, khiến cho những ai chơi trái một tay và kể cả hai tay cũng gặp khó khăn.

Và hiệu quả tích cực khác của bóng xoáy là ở độ an toàn, kiểm soát bóng tốt hơn - một điều cần thiết với những người chơi phòng ngự.

Dường như đó là yếu tố đã khích lệ Nadal - một người khá bảo thủ trong việc sử dụng vợt, đã chỉ sử dụng một loại vợt trong suốt 15 năm qua (từ khi 12 tuổi) - thử nghiệm với cây vợt mới, chứ không chỉ là sự tác động từ việc chứng kiến việc đổi vợt của Federer, đặc biệt là Djokovic (từ Kblade 98 của Wilson sang dòng Speed của Head) đã giúp họ chinh phục những đỉnh cao.

Nhưng liệu một người như Nadal có cần thêm bóng xoáy, hay anh cần thêm tốc độ để nâng cao khả năng dứt điểm?

Điều có thể chờ đợi tiếp theo (dù Nadal không tiết lộ) là liệu anh có điều chỉnh cú giao bóng để anh có thể tạo áp lực nhiều hơn lên đối thủ mỗi khi anh cầm bóng trong tay.

Nên nhớ, với bất cứ ai, và đặc biệt là Nadal, thì việc giành được càng nhiều "free point" (giao bóng ăn ngay hoặc đối phương không trả giao bóng thành công, hoặc có thể dứt điểm ngay ở lần chạm vợt tiếp theo) sẽ càng giảm bớt khối lượng thi đấu, giảm nguy cơ chấn thương.

Và Nadal phải bước vào sân nhiều hơn nữa để tấn công, nhất là khi anh phải đối đầu với Djokovic. Phòng thủ là không đủ để quật ngã số 1 thế giới.

Tức là, để Nadal giải cứu tennis thế giới, anh phải giải cứu chính mình trước!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN