Nadal thật là vĩ đại!

Sự kiện: Roland Garros 2024

Cũng như bao thành tựu làm nên sự vĩ đại trước đây, sự vĩ đại hôm nay của Nadal được tạo dựng bằng đúng một bí quyết: Không ngừng hoàn thiện.

Vĩ đại từ những con số

Chẳng có gì dễ dàng nhưng lại thuyết phục bằng cách mô tả sự vĩ đại ấy bằng những con số.

Anh là người đầu tiên trong lịch sử tennis thế giới vô địch một giải Grand Slam tới tám lần. Mà Nadal chỉ mất chín năm để tạo nên cột mốc kỳ diệu này. Những người đã bị anh bỏ lại ở phía sau, như Sampras và Federer đã và đang cần phải tham dự mỗi người 14 Wimbledon mới đạt được bảy danh hiệu (cũng là những kỳ tích) ở giải đấu đó.

Sự thống trị của Nadal không tạo ra sự nhàm chán ở Roland Garros, mà trái lại, nó làm cho giải đấu này trở thành một thách thức to lớn (nếu không muốn nói là lớn nhất) đối với các tay vợt khác, như Djokovic, Murray, Ferrer và thậm chí cả Federer (người mới chỉ một lần vô địch).

Nadal thật là vĩ đại! - 1

Bộ sưu tập 8 chức vô địch Roland Garros

Thi đấu ở Roland Garros vốn dĩ đã đòi hỏi các tay vợt phải vắt sức nhiều hơn ba Grand Slam còn lại, bởi sân chậm, bóng nhiều và tấn công phải đi kèm phòng thủ mới mở được ra cánh cửa chiến thắng; và khi gặp Nadal, người sinh ra cho mặt sân đất nện, các tay vợt không chỉ phải thi đấu mà còn chiến đấu.

Ngay bản thân tám danh hiệu của Nadal, không phải lần nào anh đoạt được nó cũng dễ dàng. Bốn trong năm trận chung kết với Federer ở đây anh đều thua một set. Trận chung kết với Djokvic năm ngoái là một cuộc chiến thực sự cả về tâm lý lẫn kỹ năng. Djokovic đã làm tất cả để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu này, để hoàn tất bộ sưu tập cả bốn giải Grand Slam, và như anh nói, là để tưởng nhớ công ơn của người thày tennis đầu tiên, bà Gencic, qua đời trước đó hai tuần. Nhưng Djokovic vẫn phải chờ ít nhất thêm một năm nữa. 

Hiệu số thắng - thua của Nadal ở Roland Garros giờ đây đã là 59-1, giúp anh đạt được số trận thắng tại giải đấu này nhiều hơn bất cứ các tay vợt nào khác, trong đó có Federer.

Chỉ trong một tháng qua, Nadal đã lần lượt đạt tới cột mốc lần thứ hai mươi đánh bại Federer, Djokovic và Ferrer, trong khi số trận thua tương ứng là 10, 15 và 4. Chừng đó quá đủ để anh được thừa nhận như người xuất sắc nhất tennis hiện đại nếu như có ai đó đơn thuần coi kết quả đối đầu như là chỉ số quyết định nhất của môn thể thao này.  

ATP dù hơi chậm trễ, nhưng cũng đã kịp tính toán và công bố, Nadal là người đầu tiên đủ điểm để tham dự ATP World Tour Finals cuối năm nay dù anh mới chỉ cầm vợt trở lại được ba tháng và thi đấu chín giải, trong khi Federer mới chỉ đứng thứ bảy trong danh sách này. 

Cũng chỉ trong ba tháng qua, Nadal còn thiết lập kỷ lục 24 lần vô địch Masters 1000, bỏ xa Federer (21) và Djokovic (14).

Và cuối cùng, với 12 danh hiệu Grand Slam, Nadal đã xếp ngang với Roy Emerson, rồi chắc sẽ vượt qua, để tiến gần tới Sampras (14), và thậm chí là Federer (17), người duy nhất đạt được cột 12 danh hiệu khi mới 26 tuổi, còn trẻ hơn Nadal hôm nay.

Nole hoàn thiện một, Rafa hoàn thiện hai

Như đã nói ở trên, không hề dễ dàng để tạo dựng nên thành tích huy hoàng này. Nếu sự vất vả của Nadal ở những vòng đầu tiên (đều thua Daniel Brands và Martin Klizan set đầu, chưa từng xảy ra) được giải quyết chỉ nhờ kinh nghiệm trận mạc và đẳng cấp vốn có, thì tới khi đánh bại Djokovic trong trận bán kết đó là sự hoàn thiện.

Nadal thật là vĩ đại! - 2

Nadal thắng không phải chỉ nhờ có may mắn

Trận đấu với Ferrer ở chung kết không phải là thử thách của Nadal. Nó chỉ là cuộc biểu dương sức mạnh của tennis Tây Ban Nha trên mặt sân đất nện. Ferrer vào chung kết với kỳ tích không thua set đấu nào.

Vì thế, hãy nói tiếp về trận bán kết của hai tay vợt xuất sắc nhất thế giới kể từ đầu năm 2011 (gặp nhau trong năm trận chung kết Grand Slam, chia nhau giành tám danh hiệu).

Nole cho thấy anh khắc phục một trong rất ít những hạn chế của mình là xử lý những cú cắt bóng chìm của đối phương. Không chỉ Nadal, Haas mà phần nào đó có Dimitrov trong thời gian qua đã khai thác điểm yếu đó để buộc Nole phải mắc lỗi (thường líp bóng đi ra ngoài).

Nole cũng không còn bị Nadal "trói tay" trong những lần tay vợt người Tây Ban Nha giao bóng vào thẳng vị trí đứng trả giao bóng (body serve). Nadal vẫn là người giỏi nhất trong kỹ năng này. Nhưng cả trận bán kết, Nole chỉ trả giao bóng hỏng hoặc dễ ăn cho Nadal không tới chục lần khi bị "body serve".

Nole thậm chí ngày càng cho thấy nếu không còn Federer, anh là người chuẩn mực nhất để thị phạm cho cả thế giới này kỹ thuật đánh cú thuận tay với đặc điểm là bật cao cả hai chân, đổ dồn người vào quả bóng và xoay vai hết cỡ nhằm tạo ra các cú đè bóng từ vị trí sát đường cuối sân có tốc độ khoảng 160-170 km/h.

Nhưng Nadal cũng hoàn thiện, và đáng kể nhất là anh có thể hóa giải được điểm mạnh nhất của Djokovic - cú trả giao bóng.

Nếu như trong suốt 11 trận đấu trước đó (kể từ 2011), Nadal luôn gặp khó khăn khi bị trả giao bóng dồn vào chân, thì ở bán kết lần này, anh thực hiện kỹ năng đoa bóng nửa nảy cận chân mẫu mực cả về tốc độ cũng như độ sâu. Game thứ bảy set thứ năm, Nadal ghi liền hai điểm trực tiếp theo cách này. Đó là khoảnh khắc sinh tử, vì Nole nếu dẫn 5-2, trận đấu coi như an bài. 

Ở đây, các con số rõ ràng không thể nói dối: Ở bán kết Roland Garros 2013, tỉ lệ trả giao bóng ăn điểm (giao một và hai) của Djokovic chỉ là 28 và 39%; trong khi đó tỉ lệ này ở CK Roland Garros 2012 là 38 và 46%, ở CK Australian Open 2012 là 34 và 52%, ở CK US Open 2011 là 47 và 57%, và ở Wimbledon 2011 là 32 và 55%.

Các con số thống kê khác của máy tính cũng cho thấy Nadal cải thiện đáng kể độ dài của các đường bóng. Nếu như lối chơi bắt đầu mỗi pha bóng bằng việc đứng xa vạch baseline làm tỉ lệ chạm vợt ở ngoài sân của Nadal là 87%, thì lần này, Nole cũng bị đẩy lùi ra sau và 78% các cú đánh của anh cũng ở sau baseline.

Lần đầu tiên sau thời gian dài, Nadal cho thấy anh không bị hao tổn "nhiên liệu" nhiều hơn so với đối thủ, và điều này giúp anh vẫn mạnh mẽ trong set 5.

Và hơn lúc nào hết, Nadal cho thấy anh cải thiện đáng kể cú trái tay của mình, thay vì chỉ để cài bóng chiến thuật hoặc thực hiện những cú passing khi bị dồn chân tường như trước nay, khi đứng trước Nole (và sau đó trong trận chung kết với Ferrer), anh thực hiện các cú trái dọc dây cũng như chéo sân mẫu mực. Khi tỉ số đang là 6-6, 15-0 ở set 5, Nadal đè trái tay ở tầm cao trên vai đi thẳng như kẻ chỉ, và vài điểm sau đó, khi anh bị dồn ra mang, Nadal đánh đường bóng trái tay chí mạng chéo sân.

Nadal thật là vĩ đại! - 3

Nadal hoàn toàn xứng đáng với chức vô địch Roland Garros 2013

Công bằng và sự vĩ đại của tennis

Đó cũng chính là lúc Djokovic gần như đã bị đánh gục về ý chí dù cho anh không xuống sức nhiều hơn so với Nadal. Game cuối cùng của trận đấu, Djokovic đã không ghi được điểm nào dù anh cầm giao bóng. Chưa khi nào người ta thấy đối thủ có match point mà Djokovic lại cẩu thả với một cú thuận tay của mình đến thế, duỗi hết tay, không chọn góc và bóng đi ra ngoài vài chục cm.

Nadal thực sự xứng đáng với chức vô địch ấy, lên ngôi theo đúng quy luật, ai chơi hay hơn trong tuần thứ hai (chứ không phải tuần thứ nhất) mới vô địch Grand Slam.

Cả khi nhìn lại những cú smash mắc lỗi kinh ngạc (rúc lưới hoặc đổ người vào lưới khi bóng vẫn trong cuộc) của Nole trong vài thời điểm quyết định (mà nếu thành công, anh cũng có thể thắng), thì Nadal không phải đã ăn may. Đó chỉ là lẽ công bằng của thể thao cũng như cuộc sống.

Trận chung kết Australian Open 2012, Nadal đã đánh hỏng cú trái tay dễ dàng nhất trong sự nghiệp đỉnh cao của anh khi anh có cơ hội dẫn 5-2 set thứ hai, để sau đó Djokovic san bằng tỉ số set đấu rồi thắng chung cuộc.

May mắn rõ ràng không phải yếu tố quyết định ở đây. Nó chỉ cho thấy khi một hoặc một vài cơ hội bị bỏ lỡ là trận đã được định đoạt, thì đó là cuộc đọ sức đỉnh cao, giữa những người so đọ với nhau từng chút tài năng một.

Nói về nỗi tiếc nuối của Djokovic lần này có lẽ phải nhắc lại nỗi đau của Federer trong quá khứ. Anh đã đến rất gần với chiếc cúp có tên "Coupe des Mousquetaires" để hoàn thiện bộ sưu tập bốn giải, nhưng cả ba lần đều bị Nadal ngáng trở trước khi có hiện tượng Soderling 2009 trợ giúp.

Liệu có thể tin rằng, ngày nào còn Nadal, ngày ấy Roland Garros chưa thể có vị Vua khác?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Roland Garros 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN