Nadal "săn" Grand Slam thứ 21 và lời nguyền ở Melbourne
Australian Open lần thứ hai, hay Grand Slam thứ 21 có nằm ngoài tầm tay của Nadal?
Nadal đến Australian Open 2021 không huấn luyện viên số 1, chấn thương mới xuất hiện ở lưng. Số trận để bắt nhịp bị giảm bớt. Nadal phải vượt qua hàng loạt thử thách đến một cách dồn dập trong khi khát vọng của anh là trở thành người đầu tiên trong lịch sử có 21 danh hiệu vô địch Grand Slam.
Vắng HLV Carlos Moya là tổn thất không nhỏ với Nadal ở Australian Open 2021
Vắng Carlos Moya, còn không nguồn cảm hứng cho một Nadal mới?
Hai tháng trước, Moya và Nadal vẫn hy vọng rằng những tác động của cả thế giới tennis sẽ làm chính phủ Australia đổi ý.
Họ vẫn chờ cho tới phút chót. Moya vẫn sẵng sàng rời Tây Ban Nha để tới Nam Bán cầu cùng với Nadal.
Nhưng điều đó không xảy ra bất chấp Australian Open 2021 không thể có người mà cả thế giới muốn thấy nhất: Federer. Và bản thân ê kíp của Nadal đã phải chấp nhận với sự chọn của Moya là ông không thể bỏ lại gia đình suốt một tháng trời để trợ giúp Nadal.
Carlos Moya cùng với Boris Becker là hai HLV giàu thành tích nhất của tennis hiện đại với sáu Grand Slam, nếu như không tính những người như Toni Nadal, Marian Vajda hay Severin Luthi, ba HLV đã gắn bó lần lượt với Nadal, Djokovic và Federer quá lâu trước đó.
Trong khi sự trợ giúp của Boris Becker không thực sự rõ ràng, thì Moya đã làm hồi sinh một Nadal mạnh mẽ với những thay đổi mà ông truyền cảm hứng và dẫn dắt tới mức làm kinh ngạc tất cả.
Hãy bắt đầu bằng thành tích: Moya dẫn dắt Nadal qua 11 lần tham dự Grand Slam thì ông chứng kiến học trò, người đồng thời là bạn và từng là đối thủ của mình vào tới tám trận chung kết, và vô địch sáu lần trong số đó.
Đây là giai đoạn (2017-2020) Nadal gặt hái nhiều thành công thứ hai trong sự nghiệp (chỉ sau giai đoạn 2010-2013 với bảy Grand Slam).
Kinh ngạc hơn nếu đặt vấn đề tuổi tác của Nadal như một thử thách khắc nghiệt, vì 2017 là khi Nadal bắt đầu bước qua ngưỡng cửa của tuổi 30.
Những thay đổi cho Nadal mà Moya yêu cầu và cùng anh thực hiện không hề giản đơn, từ tương đối khó như điều chỉnh kỹ thuật giao cả bóng 1 lẫn bóng 2 cho tới rất khó ấy là cách mở vợt gọn lại để rồi cuối cùng Nadal chơi tấn công hơn và tiến gần tới phong cách của một người chơi khắp sân (all court).
Sáu Grand Slam của kỷ nguyên HLV Moya, Nadal đã giành hai từ sân cứng US Open, ngang bằng với cả một chương dài rực rỡ của Nadal thời Toni Nadal.
Đôi khi, cũng từ sự vắng mặt của Moya ở những giải đấu Nadal tham dự mới thấy tầm quan trọng của HLV thuộc về thế hệ Siêu Huấn luyện (Super Coach, những tay vợt lừng danh sau gác vợt chuyển sang làm thày).
Ở ba kỳ Wimbledon liên tiếp (2017-2019) Nadal không có Moya, anh vào tới vòng 4 (cùng HLV Toni Nadal) và hai lần sau đó (chỉ có HLV số 2 Francisco Roig) vào tới bán kết.
Cũng không phải là Nadal không có tham vọng thực sự ở Wimbledon, nơi anh từng hai lần vô địch nhưng tám năm gần nhất chưa vào tới chung kết. Moya từ chối đi những chuỗi giải đấu có thể làm ông phải xa gia đình 6-7 tuần liên tiếp do mùa sân cỏ luôn nối tiếp từ mùa đất nện.
Nadal lần này chỉ có Francisco Roig đi cùng. HLV số 2 làm việc liên tục với Nadal kể từ 2005 tới nay, từng để lại những dấu ấn mang lại sự đổi thay cho Nadal trong giai đoạn 2010-2012.
Duyên số Australian Open
Trước đó chấn thương lưng của Nadal xuất hiện liên tục trong ba ngày trong khi chỉ còn một tuần Australian Open khai mạc là một tin xấu.
Nadal từng không ít lần lỗi hẹn vinh quang Australian Open vì chấn thương
Và gợi nhớ lại những ký ức cay đắng của tay vợt người Tây Ban Nha ở giải đấu này.
Nadal bỏ lỡ Australian Open 2006 vì chấn thương ở bàn chân trái.
Nadal bỏ dở trận tứ kết khi bước vào set 3 với Murray ở Australian Open vì chấn thương đầu gối.
Đúng một năm sau, Australian Open kết thúc với Nadal cũng ở vòng tứ kết khi anh gặp David Ferrer. Lần đó Nadal không bỏ cuộc, nhưng cuộc hội thoại chớp nhoáng trên sân với HLV Toni Nadal lúc đó sau này được đọc khẩu hình là Nadal từ chối bỏ dở trận đấu như gợi ý của HLV, vì anh không muốn dừng trận đấu thêm một lần nữa.
Hai năm sau, Nadal lần thứ hai phải ngồi nhà xem Australian Open 2013.
Và năm ngay sau đó, Australian Open 2014 ghi nhận một chấn thương khác (lưng) xảy ra với Nadal khi anh đang chơi trận chung kết kéo dài 4 set với Stan Wawrinka.
Australian Open còn là một ký ức khác cũng đáng quên, lần thứ hai trong cả sự nghiệp bị đánh bại ngay từ vòng 1 năm 2016 (thua Verdasco sau 5 set).
Hay thất bại tiếc nuối nhất khi để Federer lội ngược dòng một cách siêu tưởng trong trận chung kết đỉnh cao kéo dài 5 set năm 2017.
Cho tới hôm nay, Australian Open vẫn là giải đấu nghèo nàn nhất của Nadal với chỉ một lần đăng quang (2009).
Là nơi Nadal thua nhiều trận chung kết ở Grand Slam, tới bốn lần trong khi đó ở sân cứng khác US Open chỉ một lần thua trong trận tranh ngôi và Wimbledon đầy rủi ro cũng chỉ tới ba lần thua chung kết.
Những thất bại ấy ngăn cản Nadal chưa thể trở thành tay vợt đầu tiên sau Rod Laver vô địch mỗi giải Grand Slam ít nhất hai lần.
Nó có lẽ đã và sẽ càng ám ảnh Nadal nhiều hơn nếu anh ngồi kiểm đếm lại những chấn thương vốn xảy ra dày đặc trong sự nghiệp.
Phải có một phép màu cho Grand Slam thứ 21
Giờ Nadal đã vượt qua trận mở màn Australian Open 2021 để chấp nhận sống cuộc sống cách ly hai tuần ở Melbourne để tham dự Grand Slam đầu tiên trong năm.
Hành trình tới Grand Slam thứ 21 của Nadal vô cùng chông gai
Nadal đã cho thấy sự thích ứng của anh khi Covid xuất hiện và chi phối thế giới. Nếu trước kia anh cần 2-3 giải đấu làm nóng trước mỗi Grand Slam (trừ Wimbledon) thì năm ngoái, anh đã chỉ tham dự đúng Rome Masters rồi tới Paris để chinh phục danh hiệu Rolland Garros thứ 13 trong sự nghiệp.
Lấy được điểm rơi phong độ trong một giai đoạn ngắn luôn là thách thức với một người “chạy máy dầu” và luôn tự tạo áp lực chiến thắng trong mọi trận đấu như Nadal.
Nhưng có những sự khác biệt căn bản có thể mang tính quyết định ở Grand Slam lần này, hoặc nó không còn ưu ái Nadal nữa.
Nếu Roland Garros 2020, Nadal hoàn toàn sung sức thì các đối thủ chính của anh gặp khá nhiều vấn đề từ US Open trước đó ít tuần: Thiem đã kiệt sức sau khi vào tới chung kết và vô địch, còn Medvedev vào tới bán kết trong khi Djokovic trải qua cú sốc bị truất quyền thi đấu sau sự cố với trọng tài dây.
Australian Open lần này tất cả cùng có một điểm xuất phát. Và cơ hội rõ ràng không dành cho Nadal nhiều nhất.
Grand Slam thứ 21 nếu có phải cần một phép màu!
Thành tích Nadal ở Grand Slam từ 2017-2020
Nadal | Tham dự | Vô địch | Chung kết | Trước chung kết |
Không có Moya | 3 | 0 | 0 | 3 |
Có Moya | 11 | 6 | 2 | 3 |
Tỉ lệ thắng – thua của Nadal trước và khi có Moya
Năm | 2010 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Thắng - Thua | 71-10 | 61-20 | 39-14 | 68-12 | 45-4 | 58-7 | 27-7 |
Tỷ lệ | 88% | 75% | 74% | 85% | 92% | 89% | 79% |
* Từ 2017, Nadal được dẫn dắt bởi Carlos Moya
(Tin tennis) Nadal đã lên tiếng về khả năng anh rút lui khỏi Australian Open vì chấn thương lưng.
Nguồn: [Link nguồn]