Nadal phá chiến thuật của Djokovic: Trận đấu hoàn hảo thống trị Roland Garros
(Tin thể thao, tin tennis) Trả lại Djokovic những tổn thương, sánh ngang Federer với kỷ lục 20 Grand Slam vĩ đại, Nadal làm tất cả trong một trận đấu.
Video trận Nadal - Djokovic chung kết Roland Garros 2020:
Djokovic đặt tên chung kết Roland Garros 2020 là “trận đấu hoàn hảo của Nadal”. Trận chung kết xuất sắc nhất của Nadal trong khuôn khổ các giải Grand Slam mà họ đối đầu với nhau.
Djokovic thua tâm phục khẩu phục
Nó bắt đầu với game đấu đầu tiên của trận đấu mà Djokovic giao bóng đã có 40-15 nhưng bẻ game, và kết thúc với một cú ace xé ra mang khi Nadal đứng ở ô điểm lẻ để kết thúc trận đấu.
Giữa hai khoảnh khắc đó là một Nadal toàn diện, chơi trên sân đất nện với sự đa dạng kinh ngạc. Lúc bằng thứ chiến thuật của sân cỏ tràn lưới, rồi lại sân cứng toàn sân, và dĩ nhiên, là cả sân đất nện khi tay vợt người Tây Ban Nha vốn được tôi luyện để thống trị.
* Phá huỷ cú bỏ nhỏ của Djokovic
Trước trận đấu, truyền thông và chuyên gia dự đoán rằng bỏ nhỏ là cú đánh có thể định đoạt số phận của trận đấu. Vì Nadal sẽ lùi sâu sau vạch baseline. Còn Djokovic bỏ nhỏ quá hay.
Trận thắng Tsitsipas sau 5 set ở bán kết, Djokovic đã giành 1/10 tổng số điểm từ kỹ năng này (17/172). Trước đó, Djokovic từng tung ra 30 cú bỏ nhỏ khác nhau khi đánh bại Khachanov. Và Hugo Gaston suýt chút nữa đã đánh bại Dominic Thiem trong một trận đấu mà tay vợt ít tên tuổi người Pháp đã thực hiện hơn 50 cú bỏ nhỏ và ghi được 40 điểm từ đó.
Những phán đoán này, những phương án chiến thuật này được xây dựng dựa trên thực tế: Bóng Wilson lần đầu tiên được sử dụng ở giải đấu (thay cho bóng Babolat) nặng và lỳ hơn, nảy rất ít như trên mặt cỏ ở Wimbledon sau các cú bỏ nhỏ; còn khi đôi công các tay vợt vẫn phải lùi sâu hơn.
Lịch sử của các trận đối đầu giữa họ trong khoảng 5 năm gần đây cũng từng chứng kiến một Djokovic đôi khi hành hạ Nadal bằng một chiêu cửa trên rõ rệt: Bỏ nhỏ, nếu Nadal cứu được thì Djokovic lại lốp bóng qua đầu để đối thủ phải tăng tốc ngược trở lại cứu bóng, rồi sau đó Djokovic ghi điểm dễ dàng.
Trận chung kết Rome Masters 2019, Djokovic thậm chí còn sử dụng cú bỏ nhỏ ấy để ghi điểm đầu tiên của trận đấu.
Nhưng đó cũng là lần đầu tiên khi gặp Nadal, Djokovic nhận set đấu 6-0 “sập hầm”. Nadal thắng 6-0, 4-6, 6-1.
Lần này, và lần đầu tiên họ chạm trán trên sân đất nện kể từ Rome 2019, Djokovic thêm một lần thua set 0-6 dù anh chơi không tệ. Thậm chí có thể coi nó như là một trong những set đấu hay nhất, hồi hộp nhất trong số tất cả những set đấu sập hầm trong lịch sử của môn thể thao này.
Game đầu tiên Djokovic cầm giao bóng, anh đã dẫn 40-15. Game thứ năm, cũng là Djokovic cầm giao bóng, anh đã dẫn 40-0, rồi sau đó có ba lần điểm “deuce” 40-40.
Khi bóng trong tay Nadal, game đấu kéo dài tới gần chục phút, đó là game thứ ba, cũng ba lần điểm “deuce”, rồi sau đó anh mới dứt điểm được bằng một cú ace.
Rõ ràng Djokovic nhập cuộc không tồi trận chung kết trong cuộc kiếm tìm danh hiệu Grand Slam thứ 18, bước lên một tầm cao hơn bất cứ ai của Kỷ nguyên Mở bằng việc vô địch mỗi giải Grand Slam ít nhất hai lần.
Chỉ vì Nadal xuất sắc hơn, như trở về với những năm tháng đẹp nhất của tuổi hai mươi nhưng được xây dựng trên một chiến thuật bất ngờ mà mẫu mực bởi một ê kíp dẫn đầu bởi HLV Carlos Moya.
Djokovic hoàn toàn bất lực trước Nadal
Djokovic đã nhập cuộc không tồi. Thậm chí anh chơi theo cái cách cửa trên. Anh đáng theo chiến thuật cả thế giới đã chỉ ra là phát huy những cú bỏ nhỏ.
Chỉ riêng trong game đấu đầu tiên, Djokovic bỏ nhỏ bốn lần. Hai lần đầu tiên, Djokovic ghi điểm và một hình ảnh quen thuộc ùa về: Nadal tăng tốc lên lưới cứu bóng, trả ra ngoài. Rồi Nadal ở điểm sau lại tăng tốc lên, Djokovic lốp bóng, Nadal tăng tốc trở lại cuối sân, còn Djokovic đứng đợi ở một vị trí có thể di chuyển cho cú smash, hoặc bao lưới dễ dàng.
Hai cú bỏ nhỏ mang lại cho Djokovic điểm 40-15. Hai cú bỏ nhỏ làm Djokovic sớm chủ quan. Hai cú bỏ nhỏ dẫn Djokovic lạc lối, làm dụng chiến thuật ấy.
Hai cú bỏ nhỏ có điểm được nối tiếp bằng hai cú bỏ nhỏ mất điểm, 40-30 và 40-A. Và Djokovic bị bẻ game.
Công nghệ 3D đã giúp chúng ta biết được rằng Nadal đã đứng lùi sâu hơn so với sáu trận đấu trước đó tới gần 1m khi trả giao bóng của Djokovic. Mắt thường giúp chúng ta quan sát Nadal sau khi trả giao đã ôm sân chặt hơn cả Djokovic, đứng sát hoặc trên baseline trong những pha đôi công.
Vi trí đó giúp Nadal chuyển trạng thái từ phòng thủ sang tấn công tốt và nhanh hơn, tạo ra những đường bóng chất lượng đủ cả sức nặng và chiều sâu. Vị trí đó giúp Nadal chống bỏ nhỏ hiệu quả khi Djokovic không từ bỏ lối đánh này cho tới bước qua giữa set 3, khi cái lưỡi thứ hai của con dao đã cứa đứt tay tay vợt người Serbia.
Tỉ lệ ăn điểm bỏ nhỏ (trực tiếp hoặc gián tiếp) của Djokovic qua các cột mốc 5, 10, 15 và 20 lần thực hiện lần lượt là 3, 7, 8 và 8. Nói cách khác, sau khi thành công 7/10 lần đầu tiên, Djokovic chỉ ăn được một điểm trong 10 lần bỏ nhỏ sau đó. Và tổng cộng sau 26 lần bỏ nhỏ, Djokovic chỉ có 12 điểm bao gồm bốn lần Nadal không thể chạm vợt.
* Tốc hành trên sân đất đỏ
Cũng không bất ngờ nếu ai đó trước trận chờ đợi Djokovic bỏ nhỏ thì tới set ba chỉ mong Djokovic tua bóng đều hơn từ phía cuối sân, xây dựng đường bóng tới khi thuận lợi dứt điểm bằng một cú thuận tay, hay trái tay mẫu mực.
Djokovic như đã nói ở trên, tới set 3 đã có điều chỉnh, và là set đấu anh làm được nhiều thứ nhất: Giao bóng 1 tốt nhất, giành nhiều game nhất (năm), bẻ được game của Nadal. Nhưng Nadal đã khắc chế cú trái tay của Djokovic bằng khả năng pha chế giữa các loại bóng một cách hoàn hảo.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với các phóng viên Tây Ban Nha một ngày sau trận chung kết, Nadal nói rằng, cả team của anh đã ngồi lại ngay sau khi biết rằng đối thủ là Djokovic. Họ phân tích lại trận chung kết ở Rome hơn một năm trước.
Cách phá huỷ quả bỏ nhỏ chỉ là một phần trong số đó. Cách vô hiệu hoá những cú trái tay của Djokovic là nhiệm vụ thứ hai.
Nadal vẫn giật bóng xoáy cồng lên về phía trái tay của Djokovic. Trời lạnh, sân ẩm hơn do thiếu nắng và bóng dù lỳ nhưng vẫn là đất nện. Và xen giữa các pha cài bóng chiến thuật ấy Nadal thường xuyên tấn công bóng chìm.
Sau nhiều năm và nhiều lần đối đầu, Djokovic chưa bao giờ chịu tổn thất từ cú trái tay nhiều như thế. 19 lần tự đánh hỏng và năm lần bị ép đánh hỏng, trong khi chỉ ghi được chín điểm trực tiếp và ép Nadal đánh hỏng ba lần từ cú trái tay.
Chú của Nadal, ông Toni từ Mallorca đồng ý với sự lựa chọn chiến thuật này của HLV Carlos Moya: “Djokovic cực thích những cú đánh nảy tầm cao trên hông một chút. Nên phải tạo ra những cú đánh ở trên hoặc ở dưới tầm đó”.
Còn thuận tay, nhất là trên sân đất nện, Nadal không thua bất cứ ai cả, nếu không muốn nói là vượt trội.
Nhưng, điều bất ngờ lớn nhất là Nadal không ỷ lại ở sự bền bỉ, khả năng phòng thủ trứ danh như lúc trẻ. Nadal dù nghỉ nhiều hơn, đánh nhàn hơn, nhưng nhiều hơn Djokovic một tuổi, đạt tới đỉnh sự nghiệp sớm hơn, mấy năm gần đây đều thua đối thủ ở sự dẻo dai đã lựa chọn lối đánh nhanh thắng nhanh vốn thường chỉ thấy trên sân cỏ.
Nadal thực hiện hoàn hảo các cú đánh đầu tiên khi đối thủ đưa bóng sang sân sau khi giao hoặc trả giao bóng. Anh giành điểm nhiều gấp đôi Djokovic ở các loạt bóng chỉ có tối đa bốn lần chạm vợt.
Khi Djokovic giao bóng, điểm số tốc hành này của Nadal là 24 (Nole là 19). Khi Nadal giao bóng, con số là 29 (Nole 6), một sự áp đảo rõ rệt đến từ khả năng giao bóng ổn biến hoá và hiệu quả bất ngờ.
Nadal trên con đường thành vĩ đại nhất
Djokovic đặt tên trận đấu là sự hoàn hảo của Nadal. Nadal tự đặt tên cho nó là “tương đối hoàn hảo”, thấp hơn một bậc. Có lẽ là vì anh đã thực hiện không thành công những pha bóng tuyệt đỉnh sở trường là xoáy vòng quả chuối từ cả hai mang, hay những cú smash trái tay khi bay lượn trên lưới.
Djokovic đổi từ cách chơi khai thác cú bỏ nhỏ sang đôi công thuần tuý là sự điều chỉnh về chiến thuật duy nhất sau gần ba giờ đồng hồ thi đấu. Phương án A rồi B của Djokovic vậy là quá ít, là đơn điệu.
Còn Nadal, với con đường thuận lợi khi Thiem ngã ngựa ở tứ kết, phải tới bán kết trước Schwartzman và khi gặp đối thủ lớn nhất của anh (đối đầu trước chung kết là 29-26), Djokovic, anh mới thực sự bung ra hết những tuyệt kỹ: Nếu chưa phải là sống còn thì không cần né trái đánh phải, không cần phải biến hoá các góc giao bóng.
Mà đó thực sự là trận đấu sống còn. Nadal đã thua Djokovic trong ba trận gần nhất ở các giải Grand Slam, là tứ kết Roland Garros 2015, bán kết Wimbledon 2018, chung kết Australian Open 2019. Riêng trận đấu cuối cùng là một sự huỷ diệt. Nadal gọi nó là trận đấu mà Djokovic đã “giết chết” anh khi thắng liền ba set và chỉ cho anh tám game.
Thậm chí trận đấu mai sau sẽ góp một tiếng nói cho lịch sử. Vì Djokovic nếu vô địch, trật tự của Grand Slam giữa Federer, Nadal, Djokovic là 20-19-18, và lợi thế tuổi tác đã và đang rõ ràng không chia đều.
Giờ đây Nadal đã sánh ngang cùng với Federer. Lần đầu tiên trong sự nghiệp vĩ đại của mình, Nadal không còn phải bám đuổi ai ở thành tích tổng số Grand Slam được thừa nhận có tính định danh nhất.
Và với tất cả sự khiêm nhường, không những thế, Nadal còn có thể ước mơ lớn hơn…
(Tin tennis) 13 năm vô địch Roland Garros của Rafael Nadal có được đánh giá là kỳ tích thể thao vĩ đại nhất lịch sử?
Nguồn: [Link nguồn]