Trận đấu nổi bật

damir-vs-aleksandar
Australian Open
Damir Dzumhur
-
Aleksandar Vukic
-

Nadal “nhà vua” Roland Garros: Tạo dựng giá trị có một không hai

Chiếc cúp thứ 12 ở Roland Garros đã nâng tầm Nadal vĩ đại lên một mức mới.

Video Rafael Nadal nâng cao danh hiệu vô địch Roland Garros 2019:

Đó là tầm mức của người lần đầu tiên (kể cả nam hay nữ) trong lịch sử quần vợt vô địch một giải Grand Slam tới 12 lần. Margaret Court, huyền thoại quần vợt nữ của những năm  1960-1970 với 11 danh hiệu ở riêng Australian Open đã trở thành quá khứ.

Nadal được gọi là Vua đất nện, nhưng có lẽ, một danh vị chuẩn hơn phải là Vua của các vị Vua.

Bjorn Borg, người được coi là xuất sắc nhất trên mặt sân đất nện trên toàn thế giới chỉ giành được 6 chức vô địch ở Roland Garros. 

Guillermo Vilas, huyền thoại đất nện người Argentina của giai đoạn đầu Kỷ nguyên Mở không còn được so sánh với Nadal suốt 5 năm qua nữa.

Manolo Santana, huyền thoại Tây Ban Nha đã được đặt tên cho sân trung tâm ở Madrid, cũng chỉ giành được 2 Roland Garros.  

Nadal “nhà vua” Roland Garros: Tạo dựng giá trị có một không hai - 1

Nadal là vua của các vị vua trên sân bụi đỏ

Rõ ràng là không ai sánh được với Nadal trên mặt sân đất nện, tìm một người tiếp nối sự thống trị là không dễ dàng, dù có ít nhất 70% các tay vợt trưởng thành từ sân đất nện trong số 200 tay vợt hàng đầu (do chủ yếu đến từ châu Âu và Nam Mỹ).

Thiem trong 3 năm qua được coi là hoàng tử sân đất nện, là người xứng đáng nhất kế thừa những gì mà Nadal, một nhà vua, một ngôi sao “duy ngã độc tôn” qua 15 năm tạo nên những điều siêu việt trên mặt sân này. 

Thiem không mô phỏng lại các cú quả của Nadal, không như cái cách mà Dimitrov làm như với Federer để được đặt hẳn tên là “Tiểu Federer” khi cho thấy những tiềm năng phát lộ ở tuổi đôi mươi. 

Thiem chỉ đơn giản là cho thấy những phẩm chất có thể vươn tới đỉnh cao trên sân đất nện: thể lực, ý chí, và thứ bóng xoáy chóng mặt từ cả trái lẫn phải.

Và Thiem chính là tay vợt đầu tiên và duy nhất của thế hệ những người sinh sau 1990 cho tới lúc này lọt vào tới chung kết Grand Slam. Thậm chí, Thiem còn làm được điều đó tới hai lần liên tiếp.

Nadal đã khắc chế Thiem thật giản đơn

Và ở lần thứ hai, điều cần được viết ra đầu tiên là kinh ngạc. Kinh ngạc vì tại sao Thiem lại có thể mạnh mẽ như thế sau khi đã trải qua một lịch thi đấu không thuận lợi và bị Djokovic bào mòn sức lực ở trận bán kết kéo dài 5 sets qua hai ngày vì thời tiết trì hoãn. 

Kinh ngạc vì tại sao Thiem lại có thể phòng ngự hay đến thế, bật như cái lò xo để tấn công sau khi đã bị dồn sâu về cuối sân. Đó chính là thứ tennis của Nadal, là phong cách và chiến thuật đã thống trị mặt sân vô cùng đặc biệt này. 

Nadal đã tấn công, đã ôm sân không thể sát hơn, đã nhồi trái đủ sâu và đủ xoáy mỗi khi có cơ hội ngay từ những đường bóng đầu tiên.

Vậy mà Thiem là người bẻ được game trước trong trận chung kết này. Và sang set 2, đã xuất sắc hơn, lạnh lùng hơn ở game quyết định khi Thiem dẫn 6-5, còn Nadal cầm giao bóng.   

Nhưng Nadal, một người luôn tiếp cận trận đấu với một từ khóa bất biến “giải pháp” đã biết cách làm thế nào để hóa giải Thiem, và cho thấy mình ở một đẳng cấp riêng biệt và có khoảng cách.

Trận bán kết là giải pháp để chơi trong điều kiện gió thổi lên tới 30-40km/h để vượt qua Federer chỉ sau 3 set. Và hiệu số của 2 huyền thoại tại giải đấu này là 6-0.

Còn với Thiem, giải pháp của Nadal là tấn công bằng thứ tennis pha trộn hoàn hảo chưa từng thấy, vừa chơi từ cuối sân đôi công, vừa tràn vào trong sân để dứt điểm, vừa tràn lưới để kết thúc cuộc chơi một cách chủ động.

Xưa nay định nghĩa chiến thuật “all court” (chơi khắp sân) thường chỉ diễn ra trên sân cứng và sân cỏ, gắn liền với những người như Federer, Tsonga… chứ không phải bởi Nadal và trên sân đất nện.

Năm 2018, chìa khóa của chiến thắng trước Thiem chính là cú trái tay. Năm nay cũng vẫn cú trái tay, nhưng cách vận dụng có khác.

Nadal sử dụng bóng xoáy cồng lên khi đánh trái dọc dây, buộc Thiem phải lùi sâu ra ngoài sân để có thể bung trái trở lại. Còn khi Nadal đánh trái tay chéo sân, đó là những đường bóng flat (bạt) hơn, vào bóng sớm hơn để mở góc.

Thiem buộc phải di chuyển liên tục ở quãng đường rất dài giữa hai lần chạm vợt và  bị phá sức ghê gớm. Thiem chỉ có thể chơi tốt ở trong 2 set đầu và sau đó thua nhanh chóng ở 2 set cuối.

Nadal “nhà vua” Roland Garros: Tạo dựng giá trị có một không hai - 2

Nadal vẫn sẽ thống trị Roland Garros trong tương lai gần

33 tuổi, Nadal tiếp tục hoàn thiện

Thiem cũng cố gắng nhồi bóng thật sâu về phía cuối sân với độ xoáy cao để đẩy lùi Nadal về phía sau.

Nhưng Nadal biết đánh bóng sớm tốt hơn (một trong những điều được cải thiện rõ rệt với 2 HLV Carlos Moya và Francisco Roig) để tiếp tục ôm sân tấn công, và tràn lưới.

Nadal tấn công trên lưới 27 lần và ghi được tới 23 điểm bằng cả những quả smash, những cú demi volley, hay ngắt bóng sống hãm bóng gần như đứng lại ngay sau khi chạm mặt sân. 

Và cú giao bóng được cải thiện đáng kể của Nadal đã khiến cho Thiem rất tỉ mỉ tính toán vị trí trả giao bóng trong các hoàn cảnh khác nhau vẫn không thể hiệu quả.

Thiem đứng lùi sâu từ 5-7m khi trả giao bóng ở ô điểm đều (deuce court), vì Nadal thuận tay trái chỉ có thể giao bóng “slide” (xoáy trượt) vào góc chữ T.

Đến khi Nadal giao bóng ở ô điểm lẻ (ad court), Thiem lại đứng ôm sát dây vì khi đó Nadal giao bóng xé ra mang dễ dàng.

Nhưng đây là lúc mà Nadal khiến cho Thiem hoang mang nhất, vì mấy điều: Nadal tung bóng khá kín, biến hóa các mục tiêu giao bóng, thực hiện các cú giao bóng nhanh hơn hẳn so với khi họ gặp nhau 1 năm trước.

Roland Garros 2018, tốc độ giao bóng trung bình của Nadal trước Thiem là 170 km/h. Năm nay, nó là 178km/h. Hầu hết các trận đấu Nadal đều duy trì được tốc độ trung bình đáng kể này, trừ trận đấu với Federer gió quá lớn nên chỉ được 167km/h trung bình.

Trong khi ấy, Thiem giao bóng nhanh hơn không đáng kể so với 1 năm trước, 185 so với 183km/h. 

Rõ ràng là một Nadal 33 tuổi đã hoàn thiện được nhiều hơn trong vòng 1 năm qua so với Thiem 26 tuổi.

Thể lực bị bào mòn đã khiến cho Thiem gần như đầu hàng trong 2 set cuối, nó đặt ra câu hỏi nếu Thiem ở trạng thái thể lực tốt nhất thì thế nào?

Thiem sau trận có nói 2 điều: Một là chơi chơi với Nadal cần phải đạt trạng thái 100% (hoàn hảo?) trên mọi phương diện mới có hy vọng; Hai là đã làm tất cả để tìm kiếm chức vô địch, đã thắng những người sừng sỏ, nhưng để thành công thì giải phải vắng Nadal. Như khi Federer đã đăng quang năm 2009 khi không còn gặp Nadal trong trận chung kết (thua từ vòng 4 trước Soderling).

Đó là sự thừa nhận về sự thống trị gần như tuyệt đối của Nadal, người suốt từ năm 2005 tới nay đã chơi 95 trận ở đây, thắng 93, thua 2; qua 14 lần tham dự có 12 lần vô địch.  

Nadal “nhà vua” Roland Garros: Tạo dựng giá trị có một không hai - 3

Nadal quá vĩ đại trên mặt sân đất nện

Nadal làm nên giá trị Roland Garros

Chứng kiến sự thống trị của Nadal ở giai đoạn đầu tiên, người Pháp không hài lòng. Cựu Bộ trưởng thể thao Pháp cho rằng Nadal sử dụng doping – một cáo buộc mà sau này khi ra tòa, bà Roselyne Bachelot bị buộc phải nộp 12 ngàn euro và công khai xin lỗi Nadal.

Giờ thì người Pháp thấy nó như một phần làm nên danh tiếng của giải đấu. Khi Nadal vô địch lần thứ 10, họ trao cho anh một chiếc cúp đặc biệt để giữ ở nhà vĩnh viễn.

Với chiếc cúp thứ 12, nhiều người cho rằng Nadal cần được giữ lại cả phiên bản gốc của chiếc cúp này.  

Danh tiếng của Roland Garros hay cũng như các giải Grand Slam khác được hun đúc bởi những nụ cười chiến thắng sau những giọt nước mắt thất bại.

Federer đã thua Nadal 3 trận chung kết Roland Garros, rồi sau đó chạm cột mốc 14 Grand Slam với chiến thắng ở đây.

Djokovic đã thua Nadal 3 năm liên tiếp (2012-2014), sau đó quật ngã Nadal ở tứ kết năm 2015 để lên ngôi và được tôn vinh như là người có mùa giải kỳ vĩ nhất của kỷ nguyên Mở. 

Giá trị này cũng thấy được phần nào từ việc Federer đã mang lại cho Wimbledon (Nadal phải mất 3 trận chung kết với Federer mới vô địch ở London), từ sự thống trị của Djokovic ở Australian Open (nếu không có những lần cản đường của Nole thì Nadal đã bắt kịp 20 Grand Slam của Federer).

Có lẽ không quá nếu nói rằng việc giành tới 9% số cúp trong lịch sử Roland Garros dĩ nhiên đặt Nadal lên một tầm mức mới, và tạo dựng giá trị của giải đấu ra đời cách nay 128 năm (1891-2019).

Nadal đuổi 20 Grand Slam Federer: ”Siêu địa chấn” ngay 2019 được không?

Nadal đang đứng trước cơ hội san bằng thành tích Grand Slam với Federer.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Rafael Nadal Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN