Nadal & năm 2015: Chờ “nhà Vua” trở lại
Trong quá khứ, Nadal luôn đứng dậy một cách mạnh mẽ sau các thất bại hoặc chấn thương để lên đỉnh thế giới.
Ngoài tài năng, ý chí và nghị lực phi thường chính yếu tố làm nên những thành công trong sự nghiệp vĩ đại của Nadal, tay vợt đang sở hữu tới 14 Grand Slam và có số danh hiệu Masters 1000 kỉ lục (27).
Trước những đối thủ cũng cực kì đẳng cấp như Federer hay Djokovic trong sự nghiệp, Nadal đã không ít lần thất bại nhưng sau đó anh luôn biết cách đứng dậy một cách mạnh mẽ để giành các những vinh quang chói lọi. Thậm chí, ngay cả những chấn thương cũng chẳng thể đánh gục “Ông vua sân đất nện”.
Năm 2008 đánh dấu năm thi đấu đỉnh cao của Nadal với 2 chức vô địch Roland Garros và Wimbledon (hạ Federer trong trận chung kết sau 5 set kinh điển), đồng thời đoạt chiếc HCV Olympic để kết thúc năm 2008 với ngôi vị số 1 thế giới. Nhưng lối chơi thiên về sức mạnh với những pha phòng ngự không tưởng rồi cũng làm hại Nadal.
Sau 2 trận thua liên tiếp trước Federer ở các trận chung kết Wimbledon 2006&2007, Nadal đã hạ gục "Tàu tốc hành" ở chung kết Wimbledon 2008
Dù đăng quang tại Australian Open 2009, nhưng tại Roland Garros 2009, nơi Nadal vẫn được coi là “Vua” với 4 chức vô địch trước đó, anh đã thất bại trước Robin Soderling ở vòng 4 (thất bại đầu tiên sau 31 trận toàn thắng tại Paris). Nguyên nhân dẫn đến trận thua này là do Rafa bị viêm gân ở cả 2 chân và phải nghỉ thi đấu 9 tuần. Kết thúc năm 2009, Nadal đánh mất ngôi số 1 vào ngày Federer.
Chấn thương tiếp tục hành hạ Nadal khiến anh phải rút lui ở tứ kết Australian Open 2010 (đầu gối) và nghỉ thi đấu đến tận tháng 3, để rồi sau đó bùng nổ. Làm mưa làm gió ở mùa giải sân đất nện (vô địch 3 giải Masters 1000 tại Monte Carlo, Rome, Madrid), Rafal tiếp tục biến Paris thành sân chơi của riêng mình với chức vô địch Roland Garros lần thứ 5 trong sự nghiệp.
Nadal đã trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử sưu tập trọn bộ Grand Slam sau chức vô địch US Open 2010 ở tuổi 24
Tiếp đà thăng hoa, Nadal vô địch Wimbledon và US Open với phong độ thuyết phục. Để giành những vinh quang liên tiếp như vậy, Nadal đã phải tự làm mới mình. Vẫn lấy phòng thủ là kim chỉ nam cho chiến thắng nhưng đó không còn là Nadal “hết mình” với mọi pha bóng.
NHM có thể nhìn thấy nhiều pha bóng “Vua đất nện” đã “biết” đứng nhìn để cho đối thủ ăn điểm, hơn là cố gắng cứu tất cả mọi tình huống. Vậy nên giới chuyên môn đã nhận xét: việc Nadal thống trị năm 2010 là vì “vua đất nện” giờ đã chơi không chỉ bằng cơ bắp mà còn cả đầu óc trong từng trận đấu.
Ngoài ra, Nadal còn cải thiện rất nhiều khả năng giao bóng để hạn chế những pha bóng đánh giằng co gây tốn sức. Ông chú Toni (HLV) đã hướng Nadal thực hiện những cú giao bóng hướng về góc chữ A, với độ xoáy và nẩy rất cao khiến đối thủ gặp khó khăn trong việc trả giao bóng.
Nhưng sau năm 2010 thăng hoa, chấn thương tiếp tục hành hạ Nadal. Chấn thương đầu gối đã khiến Nadal để thua trắng 0-3 trước đồng hương David Ferrer ở tứ kết Australian Open 2011. Nghỉ thi đấu 4 tháng sau đó, Nadal giành được 3 danh hiệu trên mặt sân đất nện sở trường (Barcelona Open, Monte Carlo Masters và Roland Garros) nhưng thi đấu không thành công trong phần còn lại của mùa giải. Năm 2011 đánh dấu năm thi đấu tồi tệ nhất trong sự nghiệp của Nadal với chỉ 3 danh hiệu.