Nadal 2013: Da Vinci của tennis
Với năm 2013, Nadal không chỉ xuất sắc nhất trong thế giới tennis, mà cả hành tinh thể thao.
Bởi câu chuyện về sự trở lại sau chấn thương dai dẳng rồi làm nên những thành công vĩ đại, từ vực sâu của nghi ngờ rồi tràn ngập hạnh phúc của anh là hình tượng mà thể thao đã, đang đi tìm kiếm và sẽ luôn được tôn vinh.
Khi Nadal thông báo anh sẽ trở lại để góp mặt ở Davis Cup 2012, và úp mở về việc sẽ cầm cờ tham dự Olympic London nhưng sau đấy lại cho hay đó là việc không thể, và cả khi anh nói sẽ tới Melbourne để kịp đua tranh tại Australian Open, nhưng rồi lại phải ở nhà làm bạn với phòng gym, nó cũng giống như hình ảnh của một VĐV Marathon liên tục bị vấp ngã, tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng cuối cùng vẫn cán đích. Thậm chí, anh còn là người đầu tiên ưỡn ngực chạm vào dải băng đầu tiên trong số cả ngàn người tham dự.
Lần thứ 8 nâng cao chiếc cúp vô địch Roland Garros
Khi Nadal vô địch Roland Garros 2013 để trở thành người đầu tiên trong lịch sử giành được tám chiếc cúp ở giải đấu này, ít nhiều vẫn có ý kiến cho rằng đó là điều đương nhiên, bởi anh là Vua đất nện.
Thậm chí, thất bại ở Wimbledon ngay từ vòng 1 ngoài việc là một kết quả tiêu cực, thì nó cũng cho thấy Nadal đơn giản vẫn chỉ là một con người, cũng bị mỏi mệt, và anh chưa (hoặc sẽ không thể) trở lại với thể trạng như khi còn lành lặn hoặc ở giai đoạn đầu của chấn thương đầu gối.
Nhưng khi vô địch US Open với một phong độ như thể hủy diệt mọi đối thủ cho tới khi vào chung kết gặp Djokovic, Nadal chinh phục tất cả, biến mọi sự rèm pha thành thán phục.
Ở trận chung kết ấy, có thể Djokovic đã chơi rất hay, và Nadal mất nhịp như ở set 3, nhưng nó lại là lúc để người ta thấy được ý chí của một Nadal sắt đá. Anh hiểu rằng khi đứng trước một Djokovic lúc tự tin có thể chơi thứ tennis siêu việt, Nadal không được phép buông xuôi set đấu.
Đó chính là thứ tinh thần chỉ Nadal mới có. Rồi Djokovic gần đây mới trui rèn được phần nào. Còn với Federer, một thiên tài về kỹ năng, giờ mới hiểu được rằng anh phải có phẩm chất ấy thì may ra mới kết thúc sự nghiệp trong vinh quang.
2013 hơn cả năm 2010
Tinh thần quật cường và ý chí vươn lên (hay trở lại) của Nadal đã từng được thể hiện ở năm 2010. Nadal ở thời điểm đó thậm chí còn giành được ba Grand Slam (Roland Garros, Wimbledon và US Open). Và như thế, lý ra đó phải là năm giàu cảm xúc nhất đối với anh.
Nhưng, cuộc trở lại năm 2010 ấy thực ra đã được bắt đầu từ năm 2009. Chấn thương đầu gối từ Roland Garros năm ấy chỉ lấy đi của Nadal hơn hai tháng, rồi anh trở lại ở mùa sân cứng Bắc Mỹ, vào tới tứ kết US Open, xuất hiện ở World Tour Finals.
Nadal đã chơi rất hay trên sân cứng năm 2013
Đó là cả một hành trình rất dài với vai trò là một bước đệm. Còn lần này, những kết quả kỳ diệu song hành cùng với những run rẩy lo lắng.
Run rẩy từ hành trình vào chung kết ở Chile Open (ATP 250) cho tới ba chức vô địch liên tiếp ở các Brazil, Mexico và Indian Wells.
Rồi sau thất bại ở trận chung kết Monte Carlo, mỗi chức vô địch của Nadal lại như một khám phá mới, mở ra những giới hạn mới; mỗi thành công lại mang đến cho chính bản thân anh những xúc cảm đặc biệt.
Và trên hết, nó giúp Nadal được thừa nhận ở một tầm mức mới. Không chỉ chức vô địch Grand Slam thứ 12 và 13 đưa anh đứng trước cơ hội rõ ràng để vượt qua Sampras (14 Grand Slam), mà khi đặt cạnh Federer vĩ đại nhất, Nadal cũng là một tượng đài, tiếp tục là biểu tượng lớn của một trường phái tennis mà dù ai đó không thích cũng khó lòng phủ nhận.
Leonardo Da Vinci của tennis
Một trong những thán phục về Nadal là khi một trong những huyền thoại tennis của thập kỷ 80 và nay là bình luận viên tennis hàng đầu của ESPN ở Mỹ, John McEnroe đã ví Nadal với thiên tài người Italy, Leonardo Da Vinci.
Đó có thể không phải là một sự so sánh chính xác tuyệt đối, thậm chí tạo tranh luận. Nhưng chẳng có sự so sánh nào tuyệt đối cả, nhất là với một người trước kia được gọi với những cái tên tương phản: Bò mộng, bò tót, thậm chí là quái vật.
Khi Nadal mới 17 tuổi, các tay vợt giáp mặt anh trong phòng thay đồ của các giải đấu, họ đã gọi anh là một "quái vật" qua mái tóc xoăn xõa vai, chiếc áo đấu không tay sát tới nách để lộ những cơ bắp cuồn cuộn. Và trên hết, khi Nadal ở trên sân, anh chạy như điên từ đầu bên này sang đầu kia sân, cứu những pha bóng tưởng như chết chắc, và tung ra những cú thuận tay có độ xoáy chưa từng có ai làm được. Khi các tay vợt khác chỉ vắt vợt qua đầu ở giai đoạn vợt theo bóng (follow through) ở những pha vừa chạy vừa đánh (running forehand hay wide forehand on defence), thì Nadal thực hiện kỹ năng đó trong hầu hết các tình huống (ngoại trừ các pha đè bóng mà mặt vợt úp xuống và kết thúc vị trí ngang nách xuống).
Nadal ngày một hoàn thiện
Phẩm chất thể lực, sức mạnh ấy quá nổi trội làm lu mờ những kỹ năng tennis cũng khá hoàn chỉnh của Nadal. Thậm chí Nadal còn rất khéo, nếu nhìn kỹ những cú rướn hết người rồi sử dụng cổ tay để lái bóng đi dọc dây mà sự chính xác đòi hỏi trong biên độ chỉ vài centimet.
Nhưng Da Vinci không chỉ vẽ nên bức họa nàng Monna Lisa để đời, mà ông còn nghiên cứu phác thảo ra những mô hình bay mà sau này các nhà khoa học khác đã biến ước mơ và các ý tưởng ấy thành hiện thực. Công trình ấy cùng với các thành tựu khi ông sắm vai nhà kiến trúc, giải phẫu... đều nằm chung trong một khát vọng là làm sao để các mô hình, các ý tưởng, các cỗ máy có thể hoạt động được.
Nadal (và các cộng sự của anh - HLV, bác sĩ, chuyên gia thể lực) cũng theo đuổi triết lý ấy: xây dựng lối chơi và vận dụng các kỹ thuật để khi trận đấu bắt đầu có thể ưu thế không nghiêng về anh, khi trận đấu diễn ra, cơ hội chiến thắng có vẻ nghiêng về đối thủ, nhưng cuối cùng anh là người chiến thắng.
Liệu có ai còn nhớ những gì đã xảy ra trong và sau trận đấu của Nadal với Gulbis ở vòng 3 Rome Masters 2013. Nadal đã thua rất sâu trong set 1, đã chịu trận trước lối chơi tấn công khủng khiếp của tay vợt người Latvia nhưng cuối cùng đã thắng sau ba set bằng cách cầm cự cho tới các thời khắc quan trọng và bẻ game của đối thủ khi Gulbis không còn duy trì được sự chính xác, bắt đầu hoang mang và xuống sức.
Chiến thắng ấy dường như mang hơi hướng của một chiến thắng... quân sự, của kẻ khi thất thế hơn nhưng lại giỏi tính toán và biết tung đòn ở trận đánh quyết định cho cả một chiến dịch.
Còn chiến thắng ở tất cả các Masters 1000 trên mặt sân cứng trên đất Mỹ cộng với việc lần thứ hai lên ngôi ở US Open lại cho thấy sự thích nghi và điều chỉnh hoàn hảo. Đỉnh cao trong chuỗi trận đấu vinh quang ấy, là ba chiến thắng tiêu biểu: Đánh bại Del Potro trong trận chung kết tóe lửa ở Indian Wells, hạ Federer ở trận đấu xuất thần của huyền thoại người Thụy Sĩ tại Cincinnatti, và khuất phục Djokovic ở chung kết US Open.
Có thể, năm 2013 sẽ hoàn chỉnh hơn nếu như Nadal vô địch World Tour Finals, để hoàn tất bộ sưu tập những danh hiệu lớn nhất của thế giới tennis hiện đại. Nhưng chỉ vài ngày sau trận chung kết mà anh thua cả hai set trước Djokovic, người ta có thể quên ngay được thất bại, bởi những điều anh đã làm được trước đó (và đã kể ở trên) là phi thường.
Và nó cũng đúng với một Nadal mà người ta đã biết từ tấm bé, cứ mỗi một thất bại sẽ lại trở thành động lực để anh hoàn thiện.
Và nó cũng là lý do để những ai trót yêu Nadal sẽ thêm yêu anh, vì họ tin rằng năm tuyệt vời nhất của Nadal có thể còn ở phía trước.