Murray - Lendl: Đóng lại để mở ra

Bất cứ sự chia tay nào cũng là điều đáng tiếc, nhưng đôi khi chia tay lại mở ra những con đường mới tươi sáng hơn.

Murray “hóa rồng” dưới bàn tay của Lendl

Khi Ivan Lendl chấp nhận làm huấn luyện viên của Andy Murray, vào ngày cuối cùng của năm 2011, đó cũng là một cú sốc. Lendl không làm việc vì tiền, vì gia sản cả sự nghiệp của cựu tay vợt người Czech giúp ông sống sung túc cả đời và làm bất cứ gì ông muốn. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời của một trong những tay vợt vĩ đại trong lịch sử quần vợt thế giới, giúp ông truyền đạt những gì tinh túy nhất của mình cho một tay vợt mà có lẽ ông cảm thấy phù hợp nhất, như Andy Murray.

Trước khi hợp tác với Ivan Lendl, Murray có gì? Một tài năng thực sự nhưng chưa bao giờ được gọi là xuất chúng. Một tay vợt trong nhóm “Big Four” cùng Rafael Nadal, Novak Djokovic và Roger Federer; Murray có thể đánh bại tất cả, nhưng lại luôn thất bại ở những trận đấu quan trọng nhất như chung kết Grand Slam.

Giai đoạn đầu cùng Ivan Lendl, Murray khởi đầu với danh hiệu tại Brisbane đầu năm 2012, nhưng sau đó dừng chân tại bán kết Australian Open 2012, thua đáng tiếc Novak Djokovic ở bán kết trong trận đấu kéo dài 5 set mà Murray dẫn trước 2-1 và có cơ hội thắng ở set 5 (xem video). Tiếp đó là 3 thất bại liên tiếp ở các các trận chung kết ATP 500 Dubai (trước Federer), Miami Masters (trước Djokovic) và đặc biệt là Wimbledon 2012 (trước Federer).

Murray - Lendl: Đóng lại để mở ra - 1

Trước khi làm việc với Ivan Lendl, Murray chỉ là tay vợt "nhỏ" trong những trận đấu lớn

Đó là thất bại thứ 3 liên tiếp trong các trận chung kết Grand Slam của Murray mỗi khi gặp Federer, từ US Open 2008, Australian Open 2010 và Wimbledon 2012, xen giữa là trận thua Djokovic tại chung kết Australian Open 2011. Trong lịch sử quần vợt thế giới, chỉ có một tay vợt từng thua cả 4 trận chung kết Grand Slam đầu tiên như Murray, chính là Ivan Lendl. Một sự trùng hợp, nhưng có lẽ sự trùng hợp nào cũng có lý do của nó.

Lúc đó đã không có ít nghi ngờ về việc Murray chọn Lendl làm huấn luyện viên.

Nhưng chưa đầy một tháng sau, cũng chính trên mặt sân cỏ Wimbledon ấy, Murray “lột xác” hoàn toàn tại Thế vận hội mùa Hè London 2012 tổ chức trên chính quê hương. Đánh bại Djokovic ở bán kết, hạ gục Federer trong trận đấu tranh tấm huy chương vàng, chỉ trong 3 set, Murray đã trở thành tay vợt đầu tiên của Vương quốc Anh trong vòng 104 năm giành được huy chương vàng môn quần vợt, từ thời của Arthur Gore tại Olympic 1908, cũng tại London.

Chiến thắng đó như mở ra một điều mà Murray vẫn theo đuổi mãi: Đánh bại được những đối thủ lớn trong các trận chung kết danh giá nhất. Và nối tiếp chính là chiến thắng trước Djokovic trong trận chung kết US Open 2012, một trận đấu kéo dài 5 set, Murray thắng 2 set đầu, thua 2 set sau nhưng vẫn thắng ở set 5 quyết định.

Murray - Lendl: Đóng lại để mở ra - 2

Nhờ Lendl, Murray lột xác và trở thành nhà vô địch Wimbledon

Lúc này tất cả mới nhìn lại Ivan Lendl, mới thấy những bài tập thể lực điên cuồng để giảm trọng lượng cơ thể nhưng tăng trọng lượng những khối cơ của ông đã mang lại hiệu quả như thế nào. Murray không thể hoàn mỹ như Federer, không quái kiệt như Djokovic và không thể có ý chí siêu đẳng như Nadal, nhưng một khi những điểm mạnh nhất được phát lộ, Murray hoàn toàn có thể thực sự là một tay vợt lớn.

Vì thế thất bại trước Djokovic tại trận chung kết Australian Open 2013 không còn là bi kịch với Murray. Tay vợt sinh ra ở Scotland đón nhận nó bình thản hơn nhiều so với 4 thất bại trước đó ở các trận chung kết Grand Slam. Để rồi gần nửa năm sau, Murray đánh bại hoàn toàn Djokovic trong trận chung kết Wimbledon, để chấm dứt 76 năm chờ đợi của Vương quốc Anh, trở thành tay vợt đầu tiên sau Fred Perry từ năm 1936, giữ lại chiếc cúp vô địch Wimbledon ở lại sân nhà.

Không còn Lendl, nhưng còn thành tựu của Lendl

Wimbledon 2013 cũng là danh hiệu gần nhất của Murray cho tới lúc nói lời chia tay với Ivan Lendl. Ca phẫu thuật để điều trị dứt điểm chấn thương lưng vào tháng 9/2013 khiến Murray không thể tham dự những giải đấu lớn cuối cùng trong năm, đặc biệt là ATP World Tour Finals. Tiếp đó là những thất bại liên tiếp ở những giải đấu, từ trận thua thua Florian Mayer ở Doha cho tới thua Federer ở tứ kết Australian Open, rồi nối tiếp là những thất bại ở Rotterdam, Acapulco và mới nhất là trận tứ kết Indian Wells trước Milos Raonic, trận đấu mà chính Murray cũng thừa nhận là tồi tệ nhất, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Murray - Lendl: Đóng lại để mở ra - 3

Ivan Lendl đã làm thay đổi Murray chỉ trong chưa đầy một năm

Sẽ có người nói rằng Andy Murray sa thải Ivan Lendl, nhưng trong môn thể thao mang màu sắc cá nhân như tennis, đơn giản đó chỉ là sự chia tay, chấm dứt hợp tác và cùng có lợi cho cả đôi bên. “Sa thải” chỉ xảy ra giữa ông chủ và người làm thuê, như chủ đội bóng sẵn sàng đá bay một huấn luyện viên mà họ cho là thiếu khả năng. Còn trong tennis, điều đó có thể diễn ra nhưng hiếm, và Murray chia tay Lendl sau hơn hai năm “lột xác” cùng cựu số 1 thế giới, tay vợt từng 8 lần giành Grand Slam.

Cả Murray và Lendl nói về cuộc chia ly này một cách bình thản, dù nó cũng bất ngờ và gây sốc khi Murray còn đang chuẩn bị cho những trận đấu tại giải Miami Masters 2014, nơi Andy đang là đương kim vô địch. Lendl nói ông muốn theo đuổi những dự án khác, chẳng hạn như thi đấu tại giải dành cho những lão tướng và điều hành học viện quần vợt của riêng mình. Còn Murray, sau những thất bại liên tiếp trong thời gian qua, cần tìm một hướng đi mới khi mà những đối thủ xung quanh ngày càng có những sự thay đổi vượt bậc.

Murray - Lendl: Đóng lại để mở ra - 4

Không có Lendl, bây giờ là lúc Murray sẽ tự bước đi trên con đường của chính mình

“Tôi luôn biết ơn Ivan vì tất cả những gì ông đã mang lại cho tôi trong hơn hai năm qua. Đó là những ngày tháng thành công nhất trong sự nghiệp của tôi. Cùng làm việc với Lendl, tôi đã học hỏi được rất nhiều và mọi thứ chắc chắn sẽ giúp tôi rất nhiều trong tương lai. Tôi sẽ mất chút thời gian để cùng đội ngũ xem xét những bước tiếp theo,” Murray nói những lời tri ân Ivan Lendl.

“Tôi sẽ luôn dõi theo bước đi của Andy và cầu chúc cho cậu ấy sẽ có thêm những thành công. Đây là lúc Andy bước vào giai đoạn mới của sự nghiệp,” Ivan Lendl gửi gắm tới cậu học trò.

Murray bây giờ sẽ bước tiếp trên con đường của chính mình, không có Ivan Lendl, nhưng thành tựu của ông chắc chắn sẽ được Andy lưu giữ.

Những trận chung kết và danh hiệu của Murray cùng Ivan Lendl

Ngày Giải đấu Mặt sân Đối thủ Tỷ số trận CK
8/1/2012 Brisbane Cứng Alexandr Dolgopolov 6-1, 6-3
3/3/2012 Dubai Cứng Roger Federer 5-7, 4-6 Video
1/4/2012 Miami Masters Cứng Novak Djokovic 1-6, 6-7(4-7) Video
8/7/2012 Wimbledon Cỏ Roger Federer 6-4, 5-7, 3-6, 4-6 Video
5/8/2012 Olympic Cỏ Roger Federer 6-2, 6-1, 6-4 Video
9/9/2012 US Open Cứng Novak Djokovic 7-6(12-10), 7-5, 2-6, 3-6, 6-2 Video
14/10/2012 Shanghai Masters Cứng Novak Djokovic 7-5, 6-7(11-13), 3-6 Video
6/1/2013 Brisbane Cứng Grigor Dimitrov 7-6(7-0), 6-4 Video
27/1/2013 Australian Open Cứng Novak Djokovic 7-6(7-2), 6-7(3-7), 3-6, 2-6 Video
31/3/2013 Miami Masters Cứng David Ferrer 2-6, 6-4, 7-6(7-1) Video
16/6/2013 Queen's Club Cỏ Marin Cilic 5-7, 7-5, 6-3 Video
7/7/2013 Wimbledon Cỏ Novak Djokovic 6-4, 7-5, 6-4 Video

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN