Muay Thai: Môn võ giết người

Sự kiện: Khám phá võ thuật

Muay Thai được xem là vô cùng thực dụng trong lối đánh tự do rất tàn bạo.

Muay Thai xuất xứ từ môn ''Krabi Krabong'', một môn võ thuật của đất Xiêm (SIAM, Tên cũ của Thái Lan). Thời xa xưa, quân lính hoàng gia thường chiến đấu với kiếm ở tay phải. Nhưng sau đó nghệ thuật chiến đấu bằng kiếm không còn nhu cầu cần thiết tập luyện trong quân đội nữa vì sự xuất hiện của súng đạn, nó dần dần biến đổi và trở thành môn võ quen thuộc trong dân chúng, được giữ thành một bộ môn thể thao chiến đấu và trở thành niềm tự hào của người dân Thái.

Trong quá khứ, môn quyền thuật Muay Thai từng được dùng làm môn giải trí được ưa thích của biết bao triều đại Hoàng gia Thái Lan. Để sôi động hơn nữa, các võ sĩ đã dùng những loại bao tay cuốn bằng da ngựa được buộc bằng dây gai, trộn chung với mãnh vụn thủy tinh cho trận đấu máu me hấp dẫn hơn, kết quả càng thảm khốc bao nhiêu thì kẻ chiến thắng càng được tôn vinh bấy nhiêu.

Muay Thai: Môn võ giết người - 1

Lễ chào và làm phép đặc trưng Wai Kru (Ram Muay) của quyền thuật Muay Thai.

Huyền thoại Muay Thái

Lịch Sử của Muay Thai bắt đầu vào khoảng năm 1774, một nhà quyền thuật của phái Muay Boran (hậu thân của Muay Thai hiện đại) nổi tiếng của Thái là Nai Khanomtom, không may anh ta bị quân xâm lăng Miến Điện (Myanmar ngày nay) bắt cùng nhiều tù nhân khác sau trận thất thủ đẫm máu của thủ đô Ayutthaya thời bấy giờ. Nai Khanomtom bị bắt và đưa về thủ đô Rangoon, Miến Điện.

Trong một buổi tiệc ăn mừng chiến thắng của mình, nhà vua muốn được thấy võ thuật Thái Lan giao đấu cùng các môn võ cổ truyền của nuớc mình, với ý đồ muốn khoe nền võ thuật cực thịnh ''bất bại'' của Miến Điện. Biết được tù binh Nai Khanomtom là một cao thủ quyền Thái, nhà vua quyết định hạ nhục anh bằng cách bắt phải giao đấu với vô địch Miến Điện đang có mặt.

Trước khi vào cuộc đấu, Nai Khanomtom xin được dùng điệu múa Wai Kru (Ram Muay) đặc trưng của quyền thuật Thái để biểu diễn trước khi chiến đấu. Nhờ điệu múa đó đầy huyền hoặc đó mà các thần linh của tổ tiên Thái giúp cho Nai Khanomtom làm mờ mắt đối thủ và đè bẹp cao thủ đất Miến Điện trước mặt nhà vua một cách dễ dàng. Với lòng háo thắng và làm nhục quyền thuật Thái, nhà Vua ra lệnh cho Nai Khanomtom phải đấu thêm với 9 võ sĩ khác nếu muốn được sống và thả tự do. Không có chọn lựa nào khác nào ngoài việc phải chấp nhận chiến đấu thêm 9 trận tiếp theo, mà trận cuối cùng là một võ sư danh tiếng nhất của Miến Điện.

Cuối cùng bằng tất cả quyết tâm và nghị lực Nai Khanomtom đánh gục tất cả 10 cao thủ bằng toàn kỹ thuật chân truyền đặc trưng của võ Thái. Nhà Vua phải ngậm ngùi thốt lên: ''Mỗi đòn thế của võ Thái chứa đầy nọc độc, chỉ với tay không mà đánh gục ngã 10 cao thủ của ta, chỉ vì nhà vua ngươi không tốt mới mất nước, nếu nhà vua ngươi tốt thì không cách nào mà ta có thể lấy được thành phố Ayutthaya".

Vì mến chuộng tài năng của Nai Khanomtom, nhà Vua ra lệnh ban cho anh ta hai lựa chọn: "Được sống giàu sang suốt đời hay là được cưới hai cô vợ xinh đẹp người Miến Điện". Sau một hồi suy nghỉ đắn đo, Nai Khanomtom thưa rằng: "Thưa bệ hạ, tiền là vật dễ kiếm, tôi xin nhận người đẹp."

Nhà vua liền cho anh ta 2 cô vợ và thả tự do cho quay về cố quốc với tất cả tù binh Thái khác. Để kỷ niệm và vinh danh môn Muay Thai, Hoàng gia Thái Lan lấy ngày 17/3 hàng năm làm "Ngày Võ Sĩ" hay còn gọi là "Ngày Quyền thuật quốc gia" cho cả nước ghi ơn.

Môn võ tàn bạo

Muay Thai với lối kỹ thuật chiến đấu vô cùng mạnh bạo, còn được gọi là "Nghệ thuật bát chi", tức là chiến đấu bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối, với nguyên tắc dứt điểm đòn nhanh, áp đảo đối phương không có cơ hội chống trả.

Khi vào trận chiến, người võ sĩ Muay Thai không từ nan bất cứ mục tiêu nào, cố gắng đánh gục đối thủ ngoại trừ nơi mà theo luật định thượng đài của Muay Thai cấm, đó là đánh hoặc hạ bộ.

Sở trường của các võ sĩ Thái là những đòn chân như phang ống, đá đảo sơn khi áp sát hoặc đối phương chưa kịp hoàn hồn là họ tới tấp các đòn đánh chỏ, gối, đấm đủ loại múc, móc để chiếm ưu thế tối đa. Họ thường sử dụng kỹ thuật "trên đe dưới búa", tức là nghiêng người tay đánh chỏ vào lưng đối phương, đồng thời lên gối vào bụng; hoặc kỹ thuật phóng người lên đá bằng gối vào ngực, cằm, cổ đối phương nhằm hạ gục anh ta tức khắc.

Muay Thai: Môn võ giết người - 2

Một trong nhiều tuyệt chiêu dùng đầu gối của Muay Thai.

Phương tức tập luyện của các võ sĩ rất đơn giản, bằng cách tập đá vào thân cây chuối, bao cát, chạy cự ly dài, bơi lội, nhảy dây, tập với các mục tiêu di động bằng cách buộc trái banh trên các sợi đây rồi đá liên tiếp để luyện sự chính xác và nhanh. Khi thượng đài, các võ sĩ Muay Thai được trang bị rất đơn giản, không cầu kỳ các trang bị an toàn như luật đấu của Karate hay Taekwondo mà chỉ quần ngắn, bao tay theo kiểu của quyền anh thế giới, chân quấn băng, bảo vệ răng.

Muay Thai: Môn võ giết người - 3

"Đồ nghề" khi ra trận

Tuy nhiên, trên đấu trường là một lẽ, trong thực dụng của cuộc sống là một lý lẽ khác. Muay Thai là môn võ thuật rất mạnh bạo nhưng vẫn có những nhược điểm của nó. Nếu gặp phải một đối thủ thuần nhu như Judo hoặc Aikido thì kết quả vẫn chưa biết đâu là thắng bại, sự thiếu vắng các đòn vật khi áp sát hoặc cách dùng lực quá mạnh bạo sẽ dễ dàng đưa đến chuyện mất thăng bằng. Đó chính là điểm yếu của Muay Thai.

Hàng trăm trại tập luyện Thái được mở ra khắp nơi trong nước, những trại nổi tiếng có đến cả vài ngàn người đến để xin học. Các phương cách tập luyện đầy truyền thống đã thu hút rất đông số lượng người yêu thích môn võ này khắp nơi trên thế giới đổ xô đến Thái Lan để mong có cơ hội trở thành cao thủ Muay Thai.

Muay Thai: Môn võ giết người - 4

Trại huấn luyện Muay Thai, rải rác khắp nơi trên đất Thái Lan.

Ngay từ đầu từ thập niên 90, Muay Thai đã được ưa chuộng và biết tiếng khắp nơi trên thế giới. Muay Thai đã xác chứng sự hiện hữu của mình trong các giải đấu quốc tế như ''PRIDE Fighting Championships'' và ''Ultimate Fighting Championships''. Hầu hết các võ sĩ Thái Lan đã làm mưa làm gió trên chiến đài các giải tranh tài lớn. Môn Quyền Anh lâu đời của thế giới đã trở thành những bóng mờ trước kỹ thuật tàn bạo và lối chiến đấu đầy nghệ thuật của quyền Thái.

Muay Thai là một phần tài sản trong kho tàng văn hoá Thái Lan, một đất nước an bình không hề có chiến tranh trong suốt 200 năm qua. Chính phủ Thái muốn biến Muay Thai như một hình tượng mạnh mẽ, đầy năng động của một quốc gia đầy tai tiếng là một thiên đàng du lịch tình dục cho đàn ông ngoại quốc. Chính chủ tịch hiệp hội thể thao và thanh niên của Thái Lan từng tuyên bố: "Trong vòng 20 năm tới, Muay Thai đối với thanh niên Thái Lan sẽ được biết đến như Taekwondo đối với thanh niên Hàn Quốc."

Muay Thai: Môn võ giết người - 5

Muay Thai đến cả với nữ giới

Muay Thai đối với nhiều người dân Thái Lan nghèo nàn là một cứu cánh và cơ may để thay đổi cuộc đời vốn khốn khó trong một quốc gia đang phát triển. Chỉ cần chút năng khiếu, tài năng và sự chuyên cần luyện tập, một người võ sĩ có thể trở nên nổi tiếng và cuộc đời thay đổi.

Cuộc đời sự nghiệp của các võ sĩ Muay Thai rất ngắn ngủi, chỉ trong 5-10 năm để quyết định sự thành bại. Hiện nay, giới phụ nữ Thái đang dần dần chiếm được nhiều sự cổ vũ nồng hậu của giới yêu thích võ thuật, mặc dù luật truyền thống của Muay Thai cấm phụ nữ bước lên sàn đấu, vì sàn đấu là nơi trang nghiêm đã được các nhà sư Phật giáo Thái Lan ban phép lành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Diễm (Hiepkhidao.net)
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN