Một góc nhìn khác về giấc mơ Olympic của thể thao Việt Nam

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam tại Olympic đã xuất hiện trong thời gian qua. Dưới đây chỉ là một số nhận định, dựa trên góc nhìn khách quan về thực trạng phát triển của thể thao khu vực Đông Nam Á, cũng như khả năng áp dụng với Việt Nam.

Những mũi nhọn bị cùn

Taekwondo từng được xem là một trong những môn được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Đây chính là môn giúp Việt Nam có HCV đầu tiên ở đấu trường ASIAD. Tấm HCB Olympic Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân như một đòn bẩy, biến Taekwondo trở thành môn võ đại chúng ở Việt Nam.

Thu Vinh có thể là “nạn nhân” tiếp theo sau Ánh Viên nếu được đầu tư nhưng thành tích không như kỳ vọng.

Thu Vinh có thể là “nạn nhân” tiếp theo sau Ánh Viên nếu được đầu tư nhưng thành tích không như kỳ vọng.

24 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc Trần Hiếu Ngân lọt vào một trận chung kết Olympic. Phong trào tập luyện, thi đấu Taekwondo tại Việt Nam cũng có những bước phát triển ấn tượng. Nhưng ở góc độ thể thao thành tích cao, điều này lại không còn đúng nữa, nhất là ở tầm Olympic.

Trong 3 kỳ Olympic 2004, 2008 và 2012, Taekwondo Việt Nam dù không giành huy chương, nhưng luôn đảm bảo có 2-3 suất thi đấu chính thức tại Thế vận hội. Nhưng đến Olympic 2016, 2020 và 2024, Taekwondo Việt Nam chỉ giành đúng 1 vé đến Tokyo. Đây là chỉ dấu cho thấy, Taekwondo được đầu tư mạnh nhưng không còn có thành tích tốt như trước.

Cùng mang câu chuyện "càng đầu tư càng suy yếu thành tích" như Taekwondo là Cử tạ. Bên cạnh tấm HCB Olympic Bắc Kinh 2008 của Hoàng Anh Tuấn, cử tạ Việt Nam khi ấy còn có Nguyễn Thị Thiết. Cô gái quê Hải Dương luôn thi đấu âm thầm, nhưng ít ai biết, Thiết từng lọt top 6 Olympic 2004, và top 4 tại Olympic 2008, năm Hoàng Anh Tuấn giành HCB.

Sau Olympic Bắc Kinh, cử tạ Việt Nam có thêm tấm HCĐ nhận muộn 9 năm của Trần Lê Quốc Toàn. Olympic Rio 2016 và Tokyo 2020 cũng được xem là thành công với cử tạ Việt Nam, khi các VĐV giành tới 4 vé ở mỗi kỳ Thế vận hội. Nhưng đến Olympic Paris, cử tạ Việt Nam chỉ còn 1 vé của Trịnh Văn Vinh, người thất bại trong 3 lần cử giật và bị loại sớm.

Việt Nam còn có một môn khác từng được đầu tư trọng điểm là Bơi. Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên, và Nguyễn Huy Hoàng là những gương mặt nổi bật nhất của bơi Việt Nam. Họ được đầu tư với số tiền không nhỏ cùng tham vọng vươn tầm Olympic. Nhưng một khi kết quả không như kỳ vọng, câu hỏi "tiền đầu tư đã đi đâu" lại được đặt ra.

Kết thúc Olympic Paris, có ý kiến cho rằng Bắn súng, cũng như cá nhân VĐV Trịnh Thu Vinh cần được đầu tư nhiều hơn để hướng đến mục tiêu giành huy chương Olympic. Nhưng mọi thứ sẽ ra sao nếu 4 năm tới, thành tích của Thu Vinh và những xạ thủ khác không như kỳ vọng? Nếu điều đó xảy ra, câu chuyện "tiền đầu tư đi đâu" chắc chắn sẽ tiếp tục.

Vận động viên yếu hay huấn luyện viên yếu?

Tại Olympic Paris, Thái Lan đã bảo vệ thành công tấm HCV môn Taekwondo họ từng giành được ở Tokyo 3 năm trước. Vào khoảnh khắc lên ngôi vô địch, võ sĩ Panipak Wongpattanakit đã chạy về phía HLV của mình, ông Choi Young Seok. HLV Choi có hơn 20 năm làm HLV trưởng tại đội tuyển Taekwondo Thái Lan, và mới đây đã nhập tịch, lấy tên Choi Chatchai.

Triều Tiên có 16 vận động viên dự Olympic Paris giống Việt Nam và giành 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.

Triều Tiên có 16 vận động viên dự Olympic Paris giống Việt Nam và giành 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.

20 năm trước khi Panipak bảo vệ thành công HCV Olympic, ông Choi từng ghi dấu ấn bằng tấm HCĐ tại Athens. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy việc chọn đúng người sẽ tạo ra giá trị bền vững trong thể thao thành tích cao. Thái Lan còn tạo ra giá trị như vậy ở các môn Boxing, Cử tạ, Cầu lông, nơi họ có dàn HLV chuẩn quốc tế.

Trong môn Cầu lông, một trong những HLV Thái Lan quen thuộc nhất với công chúng Việt Nam là ông Pakkawat Vilailak. HLV này thường xuyên tham gia các giải quốc tế. Ông có một số lần xuất hiện trong khu kỹ thuật để hướng dẫn cho Nguyễn Thùy Linh, trong bối cảnh tay vợt Việt Nam thường phải du đấu một mình do không đủ kinh phí.

Với Boxing, Thái Lan có một chuyên gia đã đến Việt Nam làm việc hơn 10 năm là ông Tawan Mungphingklang. Ông Tawan từng đảm nhiệm vị trí HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan, giành 1 HCV tại Olympic Bắc Kinh 2008. Khi đến Việt Nam, ông cũng giúp Boxing Việt Nam dần cải thiện thành tích quốc tế, tiêu biểu là 2 vé đến Olympic Paris.

Những mẩu chuyện trên là minh chứng cho thấy, Thái Lan không chỉ sở hữu dàn VĐV hùng hậu. Đứng sau những tấm huy chương ở Olympic là lực lượng HLV xuất sắc, mang đẳng cấp quốc tế. Đây chính là nhân tố giúp thể thao Thái Lan duy trì thành tích tốt tại những giải đấu lớn như ASIAD hay Olympic, nơi yêu cầu VĐV phải có trình độ rất cao.

Trong câu chuyện của thể thao Thái Lan, họ chỉ sử dụng chuyên gia nước ngoài ở một số môn như Taekwondo. Theo thời gian, HLV Thái Lan sẽ "học lỏm" được giáo án tập, cũng như công thức đào tạo VĐV từ những chuyên gia này. Cộng thêm khả năng học tập, thi lấy những chứng chỉ chuẩn quốc tế, Thái Lan sẽ có những HLV ở đẳng cấp thế giới.

Ở chiều ngược lại, khái niệm "HLV đẳng cấp quốc tế" hiếm khi nào được Việt Nam quan tâm. Trong câu chuyện của Taekwondo hay Cử tạ, Bơi, những HLV Việt Nam thường dạy theo lối mòn kinh nghiệm. Đó là lý do khiến Việt Nam tụt hậu khi Taekwondo áp dụng chíp điện tử chấm điểm trong thi đấu, cũng như cử tạ liên tục điều chỉnh các hạng cân.

Một HLV thành tích cao từng tâm sự: "Thể thao Việt Nam thường viện dẫn đến vận động viên, chế độ dinh dưỡng, giáo án tập luyện khi thành tích không như kỳ vọng. Tuy nhiên, vấn đề trình độ của HLV, cụ thể là huấn luyện viên nội ít khi được nhắc đến. Thay vào đó, việc sử dụng chuyên gia nước ngoài không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả".

Trọng tài rất quan trọng

Cầu lông và Bắn súng là 2 trong số những môn thể thao Việt Nam có nhiều hơn 1 VĐV tranh tài ở Olympic Paris. Các đại diện Việt Nam trong 2 môn này cũng thường xuyên có mặt ở Thế vận hội. Điều thú vị là năm nay, Việt Nam cũng có trọng tài làm nhiệm vụ trong 2 môn Bắn súng và Cầu lông.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Phòng Thể thao Thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) từng là trọng tài Taekwondo quốc tế, làm nhiệm vụ ở 2 kỳ Olympic.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Phòng Thể thao Thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) từng là trọng tài Taekwondo quốc tế, làm nhiệm vụ ở 2 kỳ Olympic.

Nhìn về quá khứ, thể thao Việt Nam từng có trọng tài Olympic trong Taekwondo, Boxing và một số môn khác. Với những môn thể thao thành tích cao của Việt Nam, việc có trọng tài quốc tế hay không cũng là một chỉ dấu cho thấy tương lai, khả năng phát triển môn thể thao đó. Bởi, phần lớn các trọng tài làm nhiệm vụ là HLV, quản lý bộ môn.

Với những quốc gia tham dự Olympic Paris, việc xuất hiện nhân sự trong đội ngũ cầm cân nảy mực cũng là một cách họ thể hiện tầm ảnh hưởng. Liệu các trọng tài môn Boxing có "dám" chấm thiên vị cho đối thủ của VĐV Việt Nam hay không, nếu có trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ ở Olympic? Ngược lại, nếu Việt Nam không có trọng tài thì sao?

Để trả lời cho những câu hỏi trên, ta có thể đối chiếu sang môn thể thao phát triển cao nhất ở Việt Nam hiện nay: Bóng đá. VFF thường xuyên cập nhật thông tin về những khóa đào tạo, tập huấn trọng tài, HLV, đồng thời chia sẻ thông tin về hoạt động của trọng tài Việt Nam ở cấp độ quốc tế. Đây là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của trọng tài.

Với những người theo nghề HLV hoặc trọng tài, việc sở hữu chứng chỉ, chứng nhận làm nhiệm vụ quốc tế sẽ giúp họ phát triển bản thân nhiều hơn trong tương lai. Một số quan chức, cán bộ thể thao cấp cao của Việt Nam trong quá khứ từng xuất phát từ cương vị HLV, trọng tài. Đáng tiếc là thế hệ của họ lại không có người kế tục xứng tầm.

Thật dễ để nói thể thao Việt Nam cần được đầu tư nhiều hơn ở cấp độ nhà nước và địa phương. Nhưng trên thực tế, dòng tiền ngân sách đổ vào ngành thể thao vẫn tăng đều theo từng năm. Vậy bao nhiêu tiền sẽ là đủ, và liệu chừng đó có đảm bảo thành công ở cấp độ Olympic, ASIAD hay không?

Thay vì đề cập đến câu hỏi "chi bao nhiêu tiền", thể thao Việt Nam cần hướng đến "chi tiền như thế nào". Huy chương Olympic VĐV giành được cũng giống như trái ngọt, cần có người chăm sóc, nâng niu cây cao lớn. Người trồng cây ở đây không ai khác ngoài HLV, trọng tài, bác sĩ thể thao.

Việt Nam thưởng huy chương Olympic lớn nhất Đông Nam Á

Bên cạnh những quy định khen thưởng của Nhà nước, địa phương, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và các liên đoàn thể thao quốc gia, Ủy ban Olympic Việt Nam hiện có hợp đồng tài trợ với một doanh nghiệp lớn. Đơn vị này từng ký văn bản cam kết thưởng tiền cho những VĐV giành huy chương tại Olympic Paris, nơi HCV được thưởng 1 triệu USD.

Con số 1 triệu USD cũng là số tiền Singapore cam kết thưởng cho VĐV giành HCV Olympic của quốc gia này. Đó là số tiền cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nếu không tính Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa nết xét về mức thưởng "cứng", Việt Nam có mức tiền thưởng HCV Olympic cao nhất Đông Nam Á, nhưng lại không có VĐV nào giành huy chương.

Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á tranh tài tại Olympic Paris, Việt Nam cùng Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei và Timor Leste là những nước trắng tay rời Olympic Paris. Philippines, Indonesia đều có 2 HCV ở Thế vận hội lần này. Thái Lan có 1 HCV, 3 HCB, còn Malaysia và Singapore đều rời nước Pháp với những tấm HCĐ họ giành được.

Nếu xét về số lượng VĐV tham dự Olympic Paris, Việt Nam có 16 VĐV tham gia tranh tài. Con số này không quá ít so với một số nước khác, nhưng nếu xét về "chất", Việt Nam lại không sở hữu VĐV đủ sức cạnh tranh huy chương. Đây là lý do khiến Việt Nam trắng tay rời Olympic. CHDCND Triều Tiên cũng chỉ có 16 VĐV nhưng họ vẫn giành được 2 HCB, 2 HCĐ.

(Tin thể thao, tin Olympic) Thái Lan giữ ngôi đầu bảng Olympic trong nhóm các đoàn thể thao từ Đông Nam Á, trong khi Việt Nam nằm top 4 với 5 huy chương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Olympic mùa hè Paris 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN