Môn vật trước viễn cảnh "xuống hạng"

Sự kiện: Muôn màu thể thao

Hiện tại, Dự thảo Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đang được gửi xin ý kiến của các tỉnh, thành để hoàn thiện, trước khi trình Chính phủ.

Trong đó, về thể thao thành tích cao, đáng chú ý vẫn là nhóm môn được đầu tư trong thời gian tới. Trong số này, vật và một số môn thể thao khác trong diện đầu tư từ nhóm 1 xuống nhóm 2.

Không thiếu tiềm năng

Trong "Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020" được Chính phủ ban hành năm 2010, môn vật, cụ thể là các hạng cân nhẹ, được đưa vào nhóm 1 các môn thể thao trọng điểm. Ngoài môn vật còn 9 môn khác là điền kinh, bơi, bắn súng, taekwondo, karatedo, boxing (nữ), cử tạ, cầu lông, bóng bàn.

Đô vật Vũ Thị Hằng từng giành vé dự Olympic năm 2016.

Đô vật Vũ Thị Hằng từng giành vé dự Olympic năm 2016.

Khi ấy, bên cạnh việc khẳng định vị thế tại Đông Nam Á (mục tiêu là luôn trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games), thể thao Việt Nam tiếp tục hướng đến mục tiêu chính tại Olympic và ASIAD. Trong đó, có việc giành vé dự Olympic và giành huy chương tại đấu trường này.

Đương nhiên, hầu hết môn nhóm 1, trong đó có vật, sẽ đảm trách nhiệm vụ giành vé dự Olympic để cụ thể hóa sự khẳng định của thể thao Việt Nam trên bản đồ thể thao thế giới. Chính ngành Thể thao cũng luôn xác định, giành vé đến Olympic thậm chí còn khó hơn giành huy chương ở các Cúp thế giới, Giải vô địch châu lục.

Cho nên, chỉ riêng giành vé dự Olympic đã là thành công với VĐV Việt Nam. Còn số VĐV Việt Nam có thể giành huy chương Olympic cũng được xác định là rất hạn hẹp, chưa bao giờ có quá 3 VĐV tại mỗi kỳ dự Olympic.

Và chỉ riêng về mặt giành vé dự Olympic thì môn vật đã hoàn thành nhiệm vụ. Đô vật Nguyễn Thị Lụa đã giành vé dự Olympic 2012 và đó cũng là tấm vé chính thức đầu tiên tham dự Olympic của vật Việt Nam. Đến Olympic 2016, vật Việt Nam còn thành công hơn khi có 2 đô vật là Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng giành vé tham dự. Đó là cột mốc mới của vật Việt Nam, cho thấy việc đầu tư vào các đô vật nữ tại các hạng cân nhẹ như "Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020" đề cập là hoàn toàn phù hợp.

Đến trước Olympic Tokyo 2020, do diễn diễn phức tạp của dịch COVID-19 nên vật Việt Nam không thể tham dự các vòng loại Olympic khu vực châu Á (nơi được xem là sân chơi phù hợp nhất để giành vé dự Olympic) cũng như vòng loại của thế giới. Đấy là điều đáng tiếc khi vật Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, đã chuẩn bị đến mức tốt nhất để có thể lần thứ ba liên tiếp có VĐV tham dự Olympic.

Như nhận định của nhiều chuyên gia, vật Việt Nam thậm chí có thể làm được nhiều hơn việc giành 1-2 vé tham dự mỗi kỳ Olympic nếu được đầu tư tốt hơn. Về yếu tố con người, vật Việt Nam không thiếu VĐV tài năng có thể tranh chấp ở sân chơi thế giới. Không ngẫu nhiên mà vật Việt Nam, nhất là vật nữ từng ghi danh trên đấu trường thế giới bằng các ngôi vô địch giải trẻ thế giới, HCB ASIAD...

Vấn đề của vật Việt Nam chỉ nằm ở sự đầu tư để các đô vật có chế độ dinh dưỡng tốt hơn và được thi đấu quốc tế nhiều hơn. Bởi việc chỉ tham dự 1-2 giải quốc tế trong một năm không thể phát huy hết tiềm lực của VĐV.

Nguyên HLV đội tuyển vật nữ quốc gia Lê Văn Sức từng chia sẻ rằng, vật nữ Việt Nam giàu tiềm năng, nhất là ở các hạng nhẹ và hoàn toàn có thể đua tranh sòng phẳng ở sân chơi châu lục, thế giới. Vấn đề là họ cần được thi đấu cọ xát với VĐV quốc tế, được tập huấn quốc tế và được chăm sóc y tế tốt hơn. Lúc đó thậm chí còn có thể tính tới việc tranh huy chương Olympic chứ không phải chỉ là giành vé tham dự Olympic.

Cần cân nhắc kỹ

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, môn vật không còn trong nhóm 1 (chuẩn bị cho Olympic) mà sẽ xuống nhóm 2 (chuẩn bị cho ASIAD). Không chỉ môn vật mà một số môn khác từng trong nhóm 1 cũng xuống nhóm 2 trong đó có taekwondo (từng có VĐV giành huy chương Olympic và mới có VĐV giành vé dự Olympic), karatedo.

Dù vậy, như người trong nghề nhận định, cũng cần phân định rõ nhiệm vụ của các môn trong nhóm 1 là giành vé hay chỉ giành huy chương Olympic. Nếu giành vé dự Olympic thì những môn như vật, taekwondo hoàn toàn có thể đáp ứng. Còn kể cả giành huy chương thì vật, thậm chí taekwondo cũng có thể thực hiện được. Nếu chỉ nhìn vào thành tích trong thời gian qua thì khó đánh giá hết tiềm năng của vật Việt Nam tại đấu trường Olympic. Ở đây, cần đến sự đánh giá toàn diện, xuyên suốt thay vì chỉ nhìn vào thành tích trong ngắn hạn.

Tại Olympic, ở các hạng cân nhẹ của vật nữ, các đô vật Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chiếm thế áp đảo. Về mặt tố chất, các đô vật Việt Nam không thua kém. Vấn đề chỉ nằm ở sự đầu tư. Ở đây chỉ xét về khâu HLV thì vật Việt Nam cũng có vấn đề khi cả chục năm qua vẫn sử dụng cùng một đội ngũ chuyên gia ngoại từ châu Âu.

Trong khi đó, các HLV của Trung Quốc, Nhật Bản cũng là kênh đáng tham khảo để thay đổi nhằm tìm giải pháp tốt hơn về công tác huấn luyện cho VĐV thì vẫn không được chú ý.  Thậm chí, việc duy trì đội tuyển quốc gia cũng chỉ cần áp dụng với các đô vật nữ để có nhiều kinh phí hơn, qua đó nhắm đến mục tiêu tranh vé dự Olympic thậm chí tranh huy chương Olympic. Còn các nội dung khác của nam không có khả năng giành vé dự Olympic, tranh huy chương châu lục thì để địa phương đầu tư.

Và như nhiều HLV đã khẳng định, nếu được thi đấu quốc tế nhiều hơn thì chắc chắn thành tích của vật nữ Việt Nam sẽ còn tốt hơn ở sân chơi Olympic. Trong cuộc trao đổi gần đây, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đới Đăng Hỷ cho hay, dù môn vật ở nhóm nào trong định hướng đầu tư của ngành Thể thao thì Hà Nội vẫn đầu tư cho môn vật, trong đó có vật nữ,  để có VĐV dự Olympic và tranh huy chương tại đấu trường ASIAD. Đây là thế mạnh của Hà Nội và thực tế đã chứng minh.

Rõ ràng, việc cân nhắc, cân đong đo đếm của một môn thể thao để xác định định hướng đầu tư trong cả chu kỳ dài có thể sẽ ảnh hưởng đến phát triển của môn đó trong cả giai đoạn sau đó. Sự định hướng cho những môn từng là thế mạnh như môn vật cũng cần cân nhắc kỹ.

Cần đi tập huấn nước ngoài

Một trong những vấn đề được đặt ra với môn vật trong thời gian tới chính là phải được đi tập huấn quốc tế dài hạn để lấy lại phong độ tốt nhất cho VĐV, qua đó có thể chuẩn bị tốt cho SEA Games 31 và ASIAD 19 năm 2022. (Minh Khuê)

Nguồn: [Link nguồn]

“Ánh Viên không giải nghệ mà cần một khoảng lặng”

(Tin thể thao, tin bơi lội) Lãnh đạo của bộ môn bơi Tổng cục thể dục thể thao cho rằng đây là thời điểm Ánh Viên cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN