Món lạ chỉ có ở "ao làng" SEA Games 30: Quốc võ Philippines bị Việt Nam lấn át

Sự kiện: SEA Games 32

(Tin SEA Games) Cách đây 14 năm, Việt Nam từng khuynh đảo làng võ thuật Đông Nam Á và thế giới bằng Arnis - quốc võ của người Philippines.

SEA Games 2019 sẽ khởi tranh từ 30/11 tới 11/12 và như thường lệ nước chủ Philippines lại đưa vào danh sách thi đấu các môn thể thao khá độc lạ. Mời các bạn cùng tìm hiểu qua tuyến bài Món lạ chỉ có ở SEA Games 30!

Arnis - niềm tự hào của người Philippines

Nếu Muay được xem là quốc võ của Thái Lan, Việt Nam có Vovinam, Indonesia có Pencak Silat, người Philippines cũng tự hào khi sở hữu Arnis. Arnis (hay Kali, Eskrima, Escrima) là một môn võ thuật sử dụng vũ khí, có mặt tại một số quốc gia Đông Nam Á dưới những tên gọi khác nhau như Krabi Krabong, Trumbu, võ gậy (Việt Nam).

Món lạ chỉ có ở "ao làng" SEA Games 30: Quốc võ Philippines bị Việt Nam lấn át - 1

Boxing là môn võ đưa Philippines vươn tầm thế giới, nhưng Arnis (võ gậy) mới được xem là quốc võ

Arnis đã xuất hiện ở Philippines từ thế kỷ thứ 15 nhưng không ai rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ biết người dân Philippines sử dụng môn võ này rất hữu hiệu vào cuộc kháng chiến chống Tây Ban Nha xâm lược và trường tồn cho đến nay.

Trước đây tùy bộ tộc, Arnis được gọi bằng nhiều cách khác nhau như Pananandata, Pagkalikali, Kalirongan, Kalirad- man… Quá trình phát triển, Arnis tồn tại hai trường phái cách tân và cổ điển. Nếu nhánh cổ (Solo Baston) dùng một gậy ngắn thì nhánh cách tân (Sinawali) sở trường gậy dài. Ngày nay Arnis phổ biến bằng đôi gậy, một dài (76,2 cm ), một ngắn (27,94 cm).

Trong chiến đấu, Arnis sử dụng gậy dài với tay phải, gậy ngắn bằng tay trái, bao gồm các kỹ thuật cơ bản như Taga (đòn đánh), Sangga (đỡ gạt), Agan (tước vũ khí), Buno (ném, quăng đối thủ). Để phòng thủ, võ gậy có 4 thế đỡ: Sanggang harang, Sanggang taga, Sanggang palipad, đặc biệt Sanggang papaalis vừa đỡ và tước vũ khí.

Arnis có 8 thế tấn công như Bartical (đòn đánh thẳng đứng), Buhat araw (đánh từ trên đầu), Aldabis sa itaas (đánh tạt lên), Tabas talahib (đánh tạt ngang hông), Alabis sa ilalim ( đánh từ dưới lên ), Tagang alanganin (đánh từ mọi hướng), Saksak (đâm), Saboy (ném, quật). Nếu Arnis trông có vẻ dữ tợn với những đòn đánh phủ đầu thì các thế khóa, ném, bộ pháp xoay vòng uyển chuyển như Aikido.  

Khi thi triển đòn ném hay khóa, điều quan trọng là không chỉ dựa vào sức mạnh mà cần vận dụng những cử động vòng. Những động tác vòng tròn phối hợp với kĩ thuật được tung ra đúng lúc giúp võ sinh Arnis ở vào thế thuận lợi để áp dụng đòn khóa và chế ngự gây đau đớn cho đối thủ buộc phải đầu hàng.

Năm 1986, Liên đoàn Arnis Philippines ra đời. Đến tháng 9/1991, Liên đoàn Arnis Quốc tế được thành lập với 80 nước thành viên.

SEA Games 23: Việt Nam khuynh đảo quốc võ Philippines

Với tham vọng quảng bá môn quốc võ, Philippines đều đưa Arnis vào chương trình thi đấu trong 2 lần đăng cai SEA Games 16 (1991) và 23 (2005).

Nếu ở SEA Games 16, Việt Nam dự tranh môn Arnis với mục tiêu học hỏi thì đến SEA Games 23, VN đã sánh ngang nước chủ nhà với 3 HCV, 3 HCB. Điều làm cho người Philippines bất ngờ, võ sĩ 3 lần vô địch thế giới của họ trở thành bại tướng dưới tay Nguyễn Quang Tùng, người mới làm quen Arnis có… 6 tháng.

Món lạ chỉ có ở "ao làng" SEA Games 30: Quốc võ Philippines bị Việt Nam lấn át - 2

Năm 2005, Việt Nam từng khuynh đảo làng arnis ở SEA Games và giải vô địch thế giới dù chỉ có... 6 tháng làm quen, tập luyện (ảnh minh họa)

Khoảng 1 năm trước SEA Games 23 (vào 6-2004), khi nước chủ nhà Philippines thông báo sẽ đưa môn Arnis vào thi đấu chính thức tại Đại hội, ngành thể thao Việt Nam mới bắt đầu định hình bộ khung của đội tuyển Arnis Việt Nam và bắt tay vào làm quen với môn võ thuật này.

Trong đó, thành phần đội dự tuyển từ HLV đến VĐV toàn là những gương mặt quen thuộc của môn… Pencak Silat và võ cổ truyền “nhập cư” sang. Để cập nhật những đòn thế và luật lệ mới nhất của Liên đoàn Arnis thế giới, BHL đội Arnis Việt Nam đã cử đại diện sang Philippines tham dự lớp tập huấn HLV lẫn trọng tài để về phổ biến cho các học trò. Sau một thời gian “tự học”, bước ngoặt của Arnis Việt Nam bắt đầu vào tháng 2-2005 khi chuyên gia Ruel A Gat của Philippines sang huấn luyện.

Với vốn liếng khiêm tốn như thế, đội Arnis Việt Nam đến SEA Games 23 - nơi đất tổ của môn võ này. Thế nhưng “anh lính mới" với Nguyễn Quang Tùng, Nguyễn Thị My, Nguyễn Thanh Quyền cùng các đồng đội đã làm các chuyên gia và người hâm mộ Philippines bất ngờ đến kinh ngạc khi đoạt đến 3 HCV, 3 HCB, sánh ngang cùng nước sản sinh ra môn võ này.

Rồi chỉ vài ngày sau, các võ sĩ Việt Nam lại tiếp tục gây chấn động khi vượt qua 10 quốc gia trên thế giới và chủ nhà để giành ngôi quán quân tại giải thế giới lần đầu tiên với 9 HCV và 2 HCB.

Trong khu vực Đông Nam Á hiện nay, ngoài quốc tổ của môn này là Philippines thì chỉ có Việt Nam, Đông Timor và Campuchia tham gia tập luyện và thi đấu.

Mời các bạn đón xem phần tiếp theo về môn thể thao lạ mắt lướt sóng + trượt tuyết vào 6h, sáng mai 20/11!

Nguồn: [Link nguồn]

Chủ nhà SEA Games dùng chiêu ”ao làng”: Duy Nhất 7 lần vô địch thế giới gặp khó

Bị chủ nhà làm khó, võ sĩ Duy Nhất sẽ không thi đấu đối kháng tại SEA Games 30.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Anh ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN