Món lạ chỉ có ở "ao làng" SEA Games 30: Chủ nhà mơ đoạt Vàng với "người cá"
(Tin thể thao - Tin SEA Games) SEA Games 30 ở Philippines từ 30/11 - 11/12 năm nay chứng kiến các VĐV tranh tài ở một môn thể thao khá "dị" dưới nước với những thử thách cực kỳ khó khăn với các VĐV, khi họ phải hóa thân thành người cá đấu nhau dưới mặt hồ.
SEA Games 2019 sẽ khởi tranh từ 30/11 tới 11/12 và như thường lệ nước chủ Philippines lại đưa vào danh sách thi đấu các môn thể thao khá độc lạ. Mời các bạn cùng tìm hiểu qua tuyến bài "Món lạ chỉ có ở SEA Games 30" |
Video giới thiệu về môn thể thao hockey dưới nước:
Từ bài rèn thủy quân đến môn thể thao tranh tài đại hội
Khúc côn cầu (hockey) là một trong những môn thể thao được yêu thích thế giới với tính đối kháng thú vị. Môn này có 2 đội đấu nhau với mục đích đưa được trái khúc côn cầu vào lưới đối thủ để ghi nhiều bàn (gần giống bóng đá).
Nhưng hai đội sẽ phải dùng gậy để đánh bóng vào khung thành đối phương. Trò chơi này đòi hỏi người chơi có kỹ thuật tốt và khả năng quan sát tuyệt vời cùng sự quyết đoán để cùng đồng đội tạo nên chiến thắng .
Hockey được chơi trên nhiều địa hình khác nhau, phổ biến nhất là trên sân băng, nhưng môn này còn được chơi ở dưới nước.
Hockey dưới nước đòi hỏi nhiều kỹ năng rất khó với các VĐV tranh tài
Đó chính là môn khúc côn cầu dưới nước (Underwater Hockey), một trong số những môn thi lạ mà Philippines - nước chủ nhà của kỳ SEA Games 30 năm nay đã cố gắng vận động các thành viên Liên đoàn Hockey dưới nước ở Đông Nam Á tham dự cùng để tổ chức và giành HCV môn này.
Vậy khúc côn cầu dưới nước là gì? Môn này ra đời rất tình cờ trong hoàn cảnh chẳng liên quan gì đến thể thao. Vào năm 1950, Hải quân Anh thường bày ra cách vừa tập luyện vừa chơi kiểu gần giống khúc côn cầu trên băng ở dưới nước để giúp lính lặn cải thiện khả năng di chuyển và làm nhiệm vụ hiệu quả dưới mặt nước.
Đến năm 1954, Underwater hockey (còn được gọi với cái tên Octopus - Bạch tuộc) mới chính thức được xem như môn thể thao sau khi ông Alan Blake thành lập CLB đầu tiên là Southsea Sub-Aqua ở Anh.
Khúc côn cầu dưới nước là một môn rất khó vì vận động viên cần phải là người biết bơi giỏi, khả năng lặn sâu và giữ hơi tốt trong thời gian càng dài càng tốt. Do đó, bên cạnh việc tranh nhau ghi bàn vào khung thành đối phương thì đây còn là trận đấu bơi lội cùng lặn sâu, lặn dài, ai có khả năng lặn càng dài thì có thể mang về chiến thắng cho đội của mình.
Quả cầu được dùng trong khúc côn cầu dưới nước có kích thước bình thường, hình tròn, dẹt nhưng quan trọng là nó phải có sức nặng đủ để chìm xuống dưới đáy. Thường thì một quả cầu để chơi trong trận đấu thú vị này có trọng lượng khoảng từ 1,3 - 1,5kg.
Mỗi thành viên tham gia trận đấu được dùng một gậy khúc côn cầu có chiều dài khoảng 30cm, không quá dài để vận động viên có thể di chuyển dễ dàng và dùng gậy để đánh cầu vào lưới của đối phương.
Mỗi đội tham gia khúc côn cầu dưới nước gồm có 10 vận động viên, trong đó 6 người thi đấu chính thức và 4 người còn lại sẽ dự bị. Môn thể thao này không phân biệt nam nữ, miễn có sức khỏe tốt thì đều có thể chơi được.
Chủ nhà Philippines chơi môn dị, tranh HCV hockey dưới nước với đối thủ nào?
Theo trang sportalsub.net, hiện có 4 đội tuyển khúc côn cầu dưới nước thuộc Liên đoàn ở Đông Nam Á tranh tài tại SEA Games là Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore. 7 nước còn lại hiện không có đội tuyển và tranh tài ở môn này là Brunei, Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Timor Leste.
Đội tuyển nữ hockey dưới nước của Philippines
Philippines là nước chủ nhà SEA Games 30 và họ đã vận động 3 nước khác là Malaysia, Indonesia và Singapore đăng ký tham dự môn khúc côn cầu dưới nước này (môn sở trường đã được Philippines tập luyện từ lâu) để đủ điều kiện tổ chức (ít nhất 4 nước tham dự tranh 3 huy chương). Cơ hội để Philippines giành chiến thắng và đoạt huy chương vàng ở môn này là không hề nhỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
ĐT bóng rổ nam Việt Nam tự tin đạt thứ hạng cao tại SEA Games 2019.