MMA: Đỉnh cao của võ thuật
Nói MMA là đỉnh cao là bởi nó tổng hợp tất cả những cái hay của các môn phái trên khắp thế giới.
Với lợi thế thoả mãn cả hai ngành truyền thông và giải trí, môn Võ tổng hợp MMA ngày nay đã phát triển vượt vượt bậc và lan toả đi khắp thế giới. MMA cũng là môn thể thao đang phát triển nhất tại Mỹ và rất nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào đào tạo ở các trung tâm võ thuật.
MMA là môn thể thao đối kháng toàn diện. Những kỹ thuật sử dụng được lấy cảm hứng từ những kỹ thuật võ truyền thống hay phi truyền thống. Trong trận thi đấu, luật của môn này cho phép sử dụng cả đấm, đá, vật, miễn là sao giành thắng lợi.
Trong thập niên 1990, các trận đấu sử dụng môn võ tổng hợp MMA diễn ra không phân hạng cân, không giới hạn thời gian. Trận đấu chỉ kết thúc khi có một người không thể đứng dậy nổi, thậm chí là chết.
Mục đích MMA ra đời là để tìm ra một loại võ thuật với kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất. Chính bởi vậy, bạn có thể thấy những võ sĩ xuất thân từ môn đấu vật, quyền anh, Muay Thai, Judo hay nhu thuật của người Brazil. MMA lấy những đòn mạnh nhất của từng môn võ, hai từ “đỉnh cao” xuất phát từ lý do này.
Tim Sylvia, cựu vô địch UFC hạng nặng từng nói: “Tập luyện MMA là điều khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện trong cuộc sống. Hay như võ sĩ UFC hạng bán nặng, Chuck Liddell khẳng định: “Tập luyện MMA nghiêm ngặt hơn bất kỳ môn võ nào.”
Lịch sử cổ đại
Thật ra, MMA cũng không phải là bộ môn mới, nó được hình thành từ trước Công nguyên tại Hy Lạp trong bộ môn Pankration, được giới chuyên gia khẳng định là nguồn gốc của mọi môn võ trên thế giới.
Đến kỳ Olympic lần thứ 18 vào năm 708 trước Công nguyên, người Hy Lạp đã chán với việc chỉ có một môn thi đấu duy nhất là chạy. Vì vậy, đấu vật đã được thêm vào trong danh sách môn thi đấu.
Môn Pankration của Hy Lạp cổ đại có nét hao hao giống các đòn thế ngày nay
Tuy nhiên, luật thi đấu trong môn đấu vật thời đó chẳng hơn luật chơi của trẻ con thời nay là mấy. Trọng tài có quyền phạt người phạm luật bằng cách dùng roi quất vào người đó cho tới khi anh này ngừng hành vi không đẹp của mình.
Tiếp sau môn đấu vật là môn pygme, hay pygmachia (môn quyền anh của người Hy Lạp cổ đại). Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng môn quyền anh xuất phát tại Sparta. Người Sparta vốn rất hung bạo. Theo họ, mũ bảo vệ trong thi đấu là không cần thiết và sẵn sàng đấm thẳng vào mặt nhau.
Trong các kỳ Olympic cổ đại, không có khái niệm thi đấu quyền anh theo hiệp. Các võ sĩ đấu với nhau cho đến khi phân thắng bại bằng cú hạ knock-out. Nếu trận đấu kéo dài quá lâu, họ sẽ thay phiên đấm vào đầu đối thủ cho đến khi một trong hai người lăn ra bất tỉnh.
Hình thức thi đấu đầu tiên của võ tỗng hợp được tổ chức bởi người Hy Lạp cổ và nó được gọi là Pankration. Pankration được giới thiệu lần đầu tiên trong thế vận hội Olympic Hy Lạp vào năm 648 trước Công nguyên và nó được pha trộn giữa đấu vật và quyền anh, cũng như kết hợp giữa tấn công trực diện và chiến đấu dưới sàn đấu. Pankration từng làm lính thiện chiến của La Mã phải e sợ khi đối đầu với chiến binh Hy Lạp. Suốt nhiều thế kỷ, môn võ cổ xưa này là môn thể thao mở màn cho bất kỳ lễ hội dân gian nào ở Hy Lạp (sau khi người La Mã chinh phục Hy Lạp. Họ coi Olympic là một lễ hội ngoại đạo. Vì vậy, vào năm 393 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã, Theodosius I cấm không cho hoạt động thi đấu thể thao Olympic diễn ra. Mục đích của ông vua này là muốn đưa Thiên chúa giáo thành quốc giáo. Olympic bị cấm mãi cho đến năm 1896 mới được khôi phục lại. Như vậy, Olympics đã hồi sinh sau 1503 năm).
Pankration sau đó truyền cảm hứng cho những môn bạo lực hơn là Etruscan và Roman pancratium, một sự kiện đã được trình diễn ở đấu trường Coloseum Roman. Thậm chí đến tận thời Early Middle Ages (một giai đoạn trong lịch sử châu Âu tiếp sau sự sụp đổ của đế chế Tây Roman, kéo dài khoảng 5 thế kỷ từ năm 500 tới 1000 sau Công guyên), các bức tượng được đem trình diện tại Rome và các thành phố khác để tôn kính vinh quang của các Pankratiast thành Rome.
Cái tên Pankration là sự kết hợp của hai từ trong tiếng Hy Lạp, Pan có nghĩa là tất cả, Kratos có nghĩa là quyền hạn.
Chỉ có 2 luật lệ cần phải tuân thủ trong khi thi đấu môn Pankration, đó là không đánh bầm mắt đối thủ và không cắn nhau. Trọng tài cũng xử bằng roi đối với người phạm luật giống như trong môn quyền anh cổ. Việc xiết cổ dẫn đến ngạt thở, đánh nhau gãy ngón tay, gãy cổ được coi là không phạm luật. Chẳng có phân hạng theo cân nặng cũng chẳng có thời gian giới hạn thi đấu. Các võ sĩ cứ đánh nhau cho đến khi đối thủ đầu hàng, bất tỉnh hay chết.
Pankration có 2 thể loại: Ano (quyền cước) và Kato (vật). Ano gồm Pygmys (thủ pháp), Laktisma (cước pháp), Aponigmes (đòn khóa cổ). Đòn tay Pankration chỉ ba cú đấm thẳng (Direct), móc vòng (Crochet) và đấm xốc (upper cut) như quyền Anh. Đòn chân đơn giản với cú đá thẳng ra trước, đá vòng cầu và đá quét chân. Ano Pankration chỉ thực sự nguy hiểm ở những đòn chỏ và gối. Nếu những thế khóa cổ hiểm hóc, khống chế cực kỳ hiệu quả thì những cú đánh chỏ, lên gối knock-out địch thủ, kết thúc trận đấu nhanh chóng. Ở cự ly gần, Kato Pankration càng lợi hại. Kỹ thuật Kato chuyên sử dụng những đòn thế vật, cầm nã, quăng ném (rassin apaly). Đòn vật của Kato có nét gần gũi với vật cổ điển phương Tây. Khi Ano bị vô hiệu hóa, Kato làm đối phương thúc thủ bằng thế khóa, vật ngã… Pankratiast đã nổi tiếng với các kỹ năng vật lộn của họ, và họ sử dụng thường xuyên nhiều kỹ thuật vật lộn, bẻ tay, siết cổ, khóa khớp… để đạt hiệu quả chiến thắng nhanh nhất.
Alexander Đại Đế đã phát hiện ra Pankratiast là chiến sĩ ưu tú bậc nhất vì những kỹ năng huyền thoại của họ sử dụng chiến đấu tay không tại các kì Olympic. Khi xâm chiếm Ấn Độ năm 326 trước Công nguyên, ông đã tuyển mộ một số lượng lớn Pankratiast phục vụ trong quân đội. (Alexandros III của Macedonia, được biết rộng rãi với cái tên Alexander Đại đế, là Quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN) và được xem là một trong những vị tư lệnh thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời. Ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử).
Đây chính là nguồn gốc và sự khởi đầu cho võ thuật châu Á. Từ Ấn Độ , võ thuật được truyền tới Trung Hoa và lan toả ra các nước xung quanh.
Lịch sử hiện đại
Ở Mỹ, cuộc chạm trán trọng đại đầu tiên giữa một võ sĩ quyền Anh và một đô vật diễn ra năm 1887 khi John L. Sullivan, lúc ấy là quán quân quyền Anh thế giới hạng nặng, vào sới đấu với huấn luyện viên của anh ta William Muldoon, vô địch vật Greco-Roman. Kết quả, Sullivan bị ném phịch xuống sàn thi đấu chỉ chưa đầy hai phút.
Kỹ thuật vật được sử dụng khá nhiều trong môn võ MMA
Cuộc chạm trán công khai thứ hai xảy ra cuối thập niên 1890, khi quán quân quyền Anh hạng nặng, Bob Fitzsimmons nhận lời thách đấu của quán quân vật Greco-Roman, Ernest Roeber. Theo ghi chép, Roeber bị gãy xương gò má trong lần đó, nhưng đã ném được Fitzsimmons xuống sàn, nơi anh ta dùng đòn khóa cánh tay và bắt võ sĩ quyền Anh phải quy phục.
Ở châu Âu, vào khoảng thế kỷ 19, đô vật người Ý, Giovanni Raicevich, với kỹ thuật vật Greco-Roman đã đánh bại Akitaro Ono, một võ sĩ hạng nặng người Nhật tinh thông Jujitsu (Nhu thuật), Judo và Sumo. Raicevich vật Ono xuống thảm bằng đòn vác lên vai quăng bằng một tay.
Các trận đấu với phong cách hỗn hợp như quyền Anh đấu Jujitsu đã trở thành hình thức giải trí phổ cập khắp châu Âu, Nhật Bản và các nước ven Thái Bình Dương suốt những năm đầu thập niên 1900. Ở Nhật, các trận đấu này cũng được biết đến với tên Merikan, từ tiếng lóng Nhật có nghĩa "đánh kiểu Mỹ”. Các trận đấu Merikan với nhiều luật lệ bao gồm điểm phân xử và chiến thắng qua cú hạ đo ván hoặc sự quy phục (chịu thua).
Vào cuối thập niên 1960 và đầu 1970, khái niệm về kết hợp các yếu tố thuộc nhiều loại võ đã được phổ biến ở Mỹ bởi Lý Tiểu Long thông qua phương pháp và triết lý của Triệt Quyền Đạo. Bruce Lee tin rằng “võ sĩ giỏi nhất không phải một người chơi quyền Anh, Karate hay Judo. Người giỏi nhất là người có thể thích nghi với mọi cách thức.”
Lịch sử của thi đấu MMA hiện đại có thể tìm thấy trong các trận đấu với phong cách hỗn hợp ở khắp châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia ven Thái Bình Dương trong suốt những năm đầu thập niên 1900 .Tại Nhật Bản những năm 1970, một loạt các trận đấu võ tổng hợp (được gọi là Kangkutougi ) được tổ chức bởi Antonio Inoki, cựu ngôi sao của môn vật chuyên nghiệp Nhật Bản. Nó thúc đẩy phong trào shoot-style (phong cách chiến đấu thực sự) trong vật chuyên nghiệp Nhật Bản, cuối cùng đưa đến sự thành lập các tổ chức võ tổng hợp đầu tiên, như Shooto thành lập năm 1985…
Cũng trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, người ta đã tổ chức các cuộc tỷ thí giữa Kungfu Trung Quốc và Muay Thai. Trước các kết quả thảm bại đó, dưới sự trợ giúp của chính phủ, Trung Quốc cũng đã bắt đầu cải tiến đơn giản hoá và nâng cao tính hiệu quả cho võ thuật của mình, điển hình là sự ra đời của SanShou, tức Tán thủ.
Chỉ vì thua đau đớn Muay Thai, Trung Quốc mới sáng tạo ra môn Tán thủ, sự kết hợp giữa kungfu và vật
Thập niên 1990, với quá nhiều môn võ, thế giới bắt đầu đặt ra câu hỏi: môn võ nào là mạnh nhất. Và để trả lời, giải UFC được thành lập và tổ chức lần đầu tiên. Lúc này khái niệm MMA còn khá mơ hồ với mọi người, vì chưa từng có giải đấu nào có quy mô chính thức giữa các môn võ với nhau. Có thể nói UFC đã mở ra một kỷ nguyên mới về tính thực chiến của võ thuật, chiến thắng quan trọng hơn là cách thắng.
1993, Gracie đã có một tác động mạnh vào sự bùng nổ đương thời của võ tổng hợp với việc sáng tạo ra giải Vô địch Võ thuật đỉnh cao “Ultimate Fighting Championship” (UFC). UFC được tạo ra dựa trên khái niệm Vale Tudo của người Brazil với một vài sự kiện đầu tiên với biểu ngữ “no–hold-barred”, nôm na là không có luật lệ gì cả.
Các trận đấu thuộc giải UFC ngày nay
Ở phần sau, 24H sẽ giới thiệu kỹ hơn về giải võ thuật UFC. Mời các bạn đón xem UFC: Nơi võ thuật được tôn vinh vào 11h, thứ bảy ngày 8/12/2012.