Mike Tyson và Paul đánh chơi đút túi bộn tiền, khán giả tiếp tay hay là nạn nhân?
(Tin thể thao, tin võ thuật) Trận đấu giữa Mike Tyson và Jake Paul bị chỉ trích là "làm kinh tế" hơn là cạnh tranh về chuyên môn.
Video hiệp đấu cuối, Jake Paul không có khoảnh khắc cúi chào Mike Tyson
Trận thi đấu giữa huyền thoại quyền Anh Mike Tyson và YouTuber nổi tiếng Jake Paul tại AT&T Stadium (15/11) thu hút sự chú ý toàn cầu, nhưng không phải vì tính chuyên môn mà vì sự hiếu kỳ. Trận đấu với mục tiêu rõ ràng là tạo ra lợi nhuận khổng lồ, cho thấy cả hai võ sĩ thành công trong việc tận dụng tâm lý đám đông, bất chấp giá trị thể thao.
Jake Paul (bên trái) tuyên bố không muốn hạ knock-out Mike Tyson (bên phải) vì quá vượt trội đối thủ
Hiện tượng giải trí thay vì so tài thể thao quyết liệt
"Tay đấm thép" Tyson, ở tuổi 58, bước vào sàn đấu với dáng vẻ mệt mỏi, đôi chân được hỗ trợ bởi băng bảo vệ đầu gối. Hình ảnh của một Tyson từng là nỗi kinh hoàng trên võ đài giờ đây trở thành cái bóng của chính mình. Jake Paul, một nhân vật gây tranh cãi nhưng là bậc thầy tiếp thị, biến trận đấu này thành sự kiện giải trí hơn là một cuộc tranh tài nghiêm túc.
Theo số liệu từ Netflix, trận đấu đã thu hút khoảng 60 triệu hộ gia đình xem trực tiếp và hơn 6.000 quán bar, nhà hàng trả tiền để phát sóng. Các quán bar tại Mỹ chật kín người hâm mộ theo dõi sự kiện này, trong khi cuộc so tài thể thao thực sự như trận đấu bóng bầu dục của Golden Knights chỉ được chiếu trên những màn hình nhỏ bên lề.
"Đứa trẻ rắc rối" Jake, dù bị xem là "võ sĩ tay ngang", đã tận dụng tốt danh tiếng của mình để tạo ra sự quan tâm. Tuy nhiên, sau trận đấu, Paul thừa nhận rằng anh đã "nhẹ tay" và không cố gắng hạ knock-out Tyson khi thấy đối thủ "chỉ còn là một bao cát biết di chuyển".
Điều này càng làm dấy lên nghi ngờ về tính trung thực của các trận đấu mà Paul tham gia, đặc biệt khi có hàng triệu USD được đặt cược vào kết quả.
Kinh tế thắng thế, chuyên môn bị bỏ quên
Tyson và Jake không hề giấu diếm mục đích chính của sự kiện này: kiếm tiền. Tyson, dù chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt của chính mình, vẫn đủ sức gợi nhớ tới những ký ức huy hoàng trong quá khứ và khiến người hâm mộ sẵn lòng chi tiền. Jake, với kỹ năng quảng bá xuất sắc, chuyển hóa mọi sự chú ý thành lợi nhuận, bất kể sự chế giễu từ giới chuyên môn.
Netflix, đơn vị phát sóng, cũng bị chỉ trích vì chất lượng sản xuất kém và tập trung quá nhiều vào lợi ích kinh tế. Thậm chí, Ủy ban Thể thao Texas bị cáo buộc dung túng cho sự kiện thiếu tính chuyên môn, chỉ để tạo ra sân khấu kiếm tiền khổng lồ.
Người hâm mộ đã tiếp tay cho 2 "diễn viên", hay họ là nạn nhân?
Trong khi nhiều người chỉ trích sự kiện này là "thảm họa", chính khán giả là những người dường như tiếp tay cho sự thành công của nó. Sự tò mò, háo hức, hay đơn thuần là mong muốn giải trí khiến họ đổ tiền vào sự kiện, để rồi sau đó cảm thấy thất vọng.
Như Tyson từng chia sẻ: "Tôi không còn là chiến binh như trước, nhưng tôi vẫn có thể chiến đấu vì những giá trị khác, dù chỉ là ký ức". Câu nói này phần nào giải thích vì sao ông chọn bước lên sàn đấu, nhưng cũng đặt ra câu hỏi liệu đó là vì tinh thần thể thao, hay chỉ đơn thuần là cuộc chơi kinh tế?
Sự kiện này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho khán giả về giá trị thực sự của thể thao. Liệu chúng ta có sẵn lòng tiếp tục hỗ trợ những trận đấu không mang lại giá trị chuyên môn, chỉ vì sự tò mò nhất thời? Hay sẽ học cách phân biệt giữa thể thao chân chính và những màn kịch được dàn dựng công phu?
Dù gì đi nữa, Mike Tyson và Jake Paul đã thành công trong việc tận dụng sự hiếu kỳ của người hâm mộ để thu về lợi nhuận khổng lồ (Jake nhận 40 triệu USD, Tyson có 20 triệu USD). Và nếu thị trường vẫn còn nhu cầu, những sự kiện tương tự chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
(Tin thể thao, tin võ thuật) Mike Tyson có thể thua bao nhiêu trận đi chăng nữa, ông vẫn được tôn vinh là huyền thoại Boxing.
Nguồn: [Link nguồn]