Medvedev: Để trở thành “Tổng thống” tennis tương lai

(Tin tennis) Liệu Daniil Medvedev có thể chiến thắng ở các giải Grand Slam sắp tới và trở thành tay vợt kế nhiệm vị trí số 1 thế giới?

  

Video Medvedev thắng Djokovic ở chung kết US Open 2021:

Nếu nhìn vào cách Medvedev (người cùng họ với cựu Tổng thống Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev) vượt qua Djokovic ở trận chung kết chỉ sau 3 set, chặn đứng chuỗi 27 chiến thắng liên tiếp của đối thủ ở 4 giải Grand Slam, câu trả lời là có.

Medvedev bên chức vô địch US Open 2021

Medvedev bên chức vô địch US Open 2021

Đánh giá hiệu số đối đầu của Medvedev cũng với Djokovic trong vòng 3 năm qua, câu trả lời cũng là có. Ba năm qua là khi Medvedev trưởng thành nhất, và là quãng thời gian Djokovic ngự trị tuyệt đối ở vị trí số 1 thế giới, tay vợt người Nga đã thắng 4, còn tay vợt người Serbia thắng 3 trong số 7 lần đối đầu.  

Nếu cho rằng Medvedev chỉ so sánh với Djokovic là không đủ, thì còn những hiệu số đối đầu khác.

Medvedev đọ sức với các tay vợt Top 10 trong 3 năm qua, nếu không tính Djokovic, hiệu số là 17-10. Và có xu hướng ngày càng áp đảo rõ rệt, vì chỉ riêng trong năm 2020 tới nay (và không tính Djokovic), tỉ lệ thắng thua là 11-3.

Medvedev năm nay 25 tuổi, khi cạnh tranh với các đối thủ từ 23 tuổi trở xuống ở các thời điểm trận đấu diễn ra (và sẽ là đối thủ trong 5-7 năm tới đây), Medvedev thắng 17 và chỉ thua 2 trong gần 2 năm qua.

Với một môn thể thao thuần tuý đối kháng cá nhân như vậy, việc luôn nhỉnh hơn, hoặc vượt trội khi đối đầu, cũng có thể khẳng định cơ hội chiến thắng của một tay vợt, ở đây cụ thể là Medvedev.

Nhưng diễn biến của tennis thế giới hơn 1 thập kỷ vừa qua và bản thân Medvedev cho thấy có quá nhiều thách thức để vượt qua trên con đường chinh phục ngôi vị số 1 thế giới, giành thêm những Grand Slam. Thống trị quần vợt thế giới trong vòng hơn 2 thập kỷ qua thực sự mới chỉ giành cho ba tay vợt đã trở thành huyền thoại đương đại Federer – Nadal – Djokovic.

* US Open khốc liệt, nhưng chưa tôn vinh sự thống trị

US Open trong 12 năm qua đã trở thành giải đấu “mở” nhất trong số 4 giải Grand Slam.  

Dominic Thiem vô địch US Open năm 2020

Dominic Thiem vô địch US Open năm 2020

Nếu như suốt từ 2009 tới nay chỉ có 4 lần chức vô địch của 3 giải Australian Open, Roland Garros thuộc về các tay vợt khác ngoài Big 3, thì riêng US Open ở giai đoạn tương tự đã có 6 lần.

2009 là cuộc lật đổ ngoạn mục của Del Potro trước Federer. Sau đó là sự lên ngôi đan xen với Nadal và Djokovic của Murray, Cilic và Wawrinka. Và 2 năm gần nhất thuộc về Thiem và Medvdev.

Trong số 5 tay vợt – 5 chức vô địch trước Medvedev, chỉ có Murray và Wawrinka đã hoặc sau đó giành thêm chức vô địch Grand Slam.

US Open nhiều bất ngờ, hay Big 3 khó thể hiện sự thống trị của mình ở đấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

US Open diễn ra vào cuối mùa, khi các tay vợt lớn đã phần nào suy yếu khi chinh phục các giải đấu trước đó.

Mặt sân cứng ở Mỹ không phải nhanh nhất nhưng vẫn là đất diễn cho những tay vợt tấn công.

Khán giả Mỹ tới sân nếu như không được thấy Federer thi đấu, họ sẽ trở nên trung lập đáng kể, và có thể cổ vũ bất cứ ai có phong cách thi đấu gần gũi với văn hoá của người Mỹ: cởi mở, cống hiến và đôi khi kể cả phá cách. Một phần khác là bởi cộng đồng người nước ngoài, người nhập cư vào New York khá lớn để các tay vợt quốc tế tới đây dễ dàng tìm thấy sự cổ vũ từ những người tưởng như xa lạ.  

* Medvedev cần hoàn thiện những gì?

Medvedev với lối đánh sở trường trên sân cứng đã tận dụng tối đa những điều kiện thi đấu của US Open.

Medvedev dự nhiều trận chung kết trước khi thành công ở US Open 2021

Medvedev dự nhiều trận chung kết trước khi thành công ở US Open 2021

Tâm lý thi đấu dị thường, biết lấy sự cổ vũ cho đối thủ làm sức mạnh tinh thần cho chính mình đã bùng nổ trong cả chặng đường chinh phục danh hiệu Grand Slam đầu tiên của sự nghiệp.

Thành tích không tốt ở mùa giải đất nện và sân cỏ đã giúp Medvedev có một điểm rơi hoàn hảo cho US Open.

Sự tích luỹ về kinh nghiệm qua những trận đấu lớn và rất lớn như chung kết US Open 2019 với Nadal, bán kết US Open 2020 với Thiem, chung kết ATP Finals cũng với Thiem, chung kết Australian Open với Djokovic đã mang đến cho Medvedev một bản lĩnh cứng cáp và cả sự hợp lý trong việc lựa chọn chiến thuật.

Sau Nadal, Medvedev trở thành người có thể biến việc đứng lùi sâu trả giao bóng thành công thức hoá giải sức mạnh giao bóng của những đối thủ ngay cả khi họ là những chuyên gia giao bóng.

Cách của Nadal lùi sâu thực hiện các cú trả giao bóng với độ xoáy cao, sử dụng topspin để hoá giải chiến thuật giao bóng lên lưới, hoặc trả rất sâu để bóng cồng lên rồi anh trở về gần với gần baseline hơn để chơi đôi công cuối sân.   

Còn cách của Medvedev là anh trả giao với cú trái tay gần như không có xoáy, hoặc thuận tay thì có xoáy và rất nặng để tấn công trở lại ngay.

Tại Cincinnatti Masters 1000, Medvedev trả giao bóng 2 với tốc độ trung bình nhanh hơn tới 23 km/h so với các đối thủ của anh, trong đó bao gồm cả Berrettini và Zverev.

Còn khi trả giao bóng 1, sự khác biệt ít hơn, chỉ là 4 km/h, nhưng vẫn nhanh hơn tất cả.

Điều tương tự được thực hiện ở US Open, nên giao bóng 2 của Medvedev mang về điểm nhiều hơn 18% so với Djokovic.

Nó cho thấy kỹ chiến thuật của Medvedev đã được định hình, trên mặt sân cứng điển hình của Bắc Mỹ chứ không đơn thuần là sự thăng hoa trong một trận đấu.

Nhưng, để thống trị trên các mặt sân khác nhau, trở thành ứng viên vô địch ở cả 4 giải Grand Slam, chừng đó là không đủ.

Một vị trí trả giao bóng trung bình tới 6m sau vạch cuối sân ở trên mặt sân cỏ sẽ gặp rắc rối với những cú slice serve.

Tỉ lệ trả giao bóng trên sân cứng của Medvedev là số 1 thế giới trong năm 2021 với hơn 34%, nhưng chỉ còn hơn 28% trên mặt sân cỏ và chỉ đứng hạng 28.

Xu hướng đánh bóng bạt, nhất là cú trái tay sẽ trở thành điểm yếu trên mặt sân đất nện.

40% điểm số của Medvedev trong thời gian qua đến từ cú trái. Nhưng tỉ lệ này giảm đáng kể ở các mặt sân đất nện.

Roland Garros là đấu trường ghi nhận những người đã đăng quang ở đó trong vòng 15 năm qua bao gồm Big 3 và lần rực sáng của Wawrinka năm 2015 đều rất hiệu quả trong kỹ năng né trái đánh phải.

Thật tiếc, lối đánh đó không phải sở trường của Medvedev. Từ chung kết ATP Finals 2020 (thắng Thiem) cho tới chung kết US Open 2021 (thắng Djokovic), Medvedev đều hiếm khi áp dụng nó.

Sự chờ đợi dành cho Medvedev vì thế có thể gói gọn ở trên sân cứng, như 3 trong 4 danh hiệu anh giành được từ đầu 2021, hay việc cả 4 danh hiệu Masters 1000 trong sự nghiệp tới nay đều trên loại sân này.

Còn khát khao hoàn thiện để trở thành người kế nhiệm cho cả BIG 3, nếu Medvedev có, đó sẽ là câu chuyện của nhiều năm nhiều tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng bỏng Laver Cup 2021: ĐT châu Âu quyết thắng với ”thủ lĩnh” Medvedev

(Tin thể thao - Tin tennis) - Laver Cup là giải đấu đồng đội nam quốc tế diễn ra giữa đội châu Âu và đội Thế Giới do...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Daniil Medvedev Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN