Martina Hingis: Huyền thoại gây tranh cãi
Hingis có lẽ là một trong những huyền thoại kỳ lạ nhất.
Martina Hingis là một tài năng quần vợt xuất chúng, đó là điều không phải bàn cãi, nhưng cô cũng là một trong những ngôi sao dính vào nhiều rắc rối nhất trong làng banh nỉ. Ngay cả khi đặt chân tới ngôi nhà lưu danh những huyền thoại quần vợt thế giới (Hall of Fame) cuối tuần qua tại Newport, Hingis cũng mang tới đó những sự khó xử, trong ngày mà cô trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử được vinh danh khi mới 32 tuổi. Vài ngày trước, báo chí tại quê nhà Thụy Sỹ đã dẫn lời người chồng cũ của Hingis miêu tả cô như một phụ nữ chuyên lăng nhăng ngoại tình. Đó không còn là chuyện lạ, vì cả sự nghiệp ngoài những danh hiệu, thì người ta còn gọi Hingis là “quả phụ đen”, khi cô dính tới người đàn ông nào thì y như rằng người đó sẽ lụn bại về đường công danh. Justin Gimelstob, Ivo Heuberger, Julian Alonso, Magnus Norman hay Radek Stepanek là những tay vợt tường tận chuyện ấy rõ nhất. Hay hỏi cả tay golf Sergio Garcia and hoặc cầu thủ bóng đá Sol Campbell cũng tương tự. Và bây giờ vận động viên cưỡi ngựa Thibault Hutin, người trẻ hơn Hingis tới 6 tuổi, cũng chua chát nói về cô vợ trăng hoa của mình.
Hingis trải qua nhiều mối tình với những người đàn ông
Nhưng Hingis đã quá quen với những lời phàn nàn đấy, vì không phải là lần đầu tiên bao quanh cô là những tranh cãi. Khi còn thi đấu, Hingis tự mãn và trực tính, mà điểm nhấn lớn nhất chính là cuộc tranh cãi nảy lửa với trọng tài trong trận chung kết với Steffi Graf tại Roland Garros 1999, Grand Slam duy nhất mà Hingis không thể chinh phục. Và sự nghiệp của cô kết thúc vào năm 2007 đầy tai tiếng với vụ sử dụng cocaine (dù cho tới giờ Hingis vẫn chối đây đẩy).
Vậy nên sẽ không ít người tự hỏi: Vì sao một tay vợt với những câu chuyện lùm xùm ngoài sân đấu như vậy, lại được lưu danh vào sử sách như một huyền thoại?
Vấn đề là dù Hingis có ưa trăng hoa thì đó là chuyện ngoài đời. Còn trên sân tennis, trong suốt 12 năm từ lúc khởi đầu cho tới khi kết thúc, Hingis thực sự sở hữu bảng thành tích mà nhiều tay vợt phải hằng mơ ước.
Hingis đã giành 43 danh hiệu đơn nữ, trong đó có 5 Grand Slam và 37 danh hiệu đôi nữ gồm 9 Grand Slam. Hingis là số 1 thế giới trong vòng 209 tuần và 35 tuần là số 1 đôi nữ. Trong lịch sử Hingis là tay vợt nữ nằm trong số 5 người từng là số 1 cả đơn nữ và đôi nữ. Và khi Hingis chơi thứ tennis hay nhất của mình, có rất ít những tay vợt làm được những điều này: Năm 1997, Hingis chỉ cách kỳ tích giành 4 Grand Slam trong một mùa giải đúng 1 trận đấu; năm 1998, cô hoàn tất điều đó ở nội dung đánh đôi. Hingis cũng làm được điều mà quần vợt hiện tại không có: Một thần đồng. Năm 1996, khi mới 15 tuổi 9 tháng, Hingis đã trở thành nhà vô địch Grand Slam trẻ nhất mọi thời đại khi vô địch đôi nữ tại Wimbledon cùng với Helena Sukova.
Hingis là thần đồng hiếm hoi của quần vợt thế giới khi còn rất trẻ
Nhưng Hingis không chỉ là nhà vô địch, cô giành chiến thắng với sự thông minh và cá tính thực sự. Con gái của hai cựu tay vợt người Tiệp Khắc cũ mang DNA thể thao trong máu khi cô vô địch ở mọi nội dung đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ với những chiến thắng được pha trộn bởi rất nhiều thứ. Với những ai từng xem Hingis thi đấu sẽ có chung nhận xét, đó là tay vợt chơi thông minh và linh hoạt ở bất cứ mặt sân nào.
Nhưng một điều mà Hingis thiếu đó là sức mạnh, một lỗ hổng chết người. Tay vợt thống trị quần vợt thế giới năm 1997 đã phải tuyên bố giải nghệ lần đầu tiên vào năm 2003 ở tuổi 22. Cô gặp chấn thương và phải phẫu thuật cả hai mắt cá chân và sau đó không còn giữ được phong độ tốt nhất. Với thể hình 1m70 và không có một khung cơ bắp tốt, Hingis gặp vấn đề khi giữ được nhịp độ thi đấu nhanh và căng thẳng trong quần vợt hiện đại, khi mà những tay vợt sau này như Venus và Serena Williams, cũng như Kim Clijsters và Lindsay Davenport xuất hiện. Hingis bắt đầu sự nghiệp của mình như một thần đồng, và kết thúc câu chuyện thần tiên ấy như một lời cảnh báo với những tay vợt tuổi teen khác, những nạn nhân sớm bị kiệt sức vì không có một nền tảng thể chất tốt. Sự trở lại của Hingis vào năm 2006 có thể coi là một thành công khi trở lại vị trí số 7 thế giới nhưng không bao giờ cô còn trở thành một tay vợt lớn ở những giải Grand Slam.
Sẽ có nhiều tranh cãi, nhưng Hingis xứng đáng là một huyền thoại
Nhìn từ góc độ lịch sử, sẽ nhiều người nhận định Hingis đã ở sinh ra ở đúng thời điểm. Cô giành những Grand Slam trong giai đoạn chuyển tiếp: Vào những năm cuối của thế kỷ 20 hoàng kim của Hingis, đó là giai đoạn cuối của tay vợt đã giành 22 Grand Slam, Steffi Graf, trong khi Serena Williams, tay vợt đã có 16 Grand Slam cho tới hiện tại, mới xuất hiện. Nhưng với những ai từng xem cô thi đấu, những con số lịch sử không phải là tất cả. Từ những kỹ năng bỏ nhỏ đánh lừa đối thủ cho tới những cú vô lê trái tay, Hingis thực hiện dễ dàng và tự nhiên như bản năng. Bây giờ phong cách của Hingis giống như thứ nghệ thuật bị mai một, và sẽ thật khó để tìm được hình ảnh ấy ở những tài năng trẻ. Và mỗi khi có một tay vợt trẻ tuổi nào đó có vài trận đấu xuất sắc và gợi lại những ký ức về Hingis, người ta lại thường đặt câu hỏi: Liệu có phải là Hingis tiếp theo? Trong tốp 10 thế giới hiện tại, có lẽ chỉ một mình Agnieszka Radwanska mang dáng dấp kế thừa những gì Martina Hingis để lại. Nhưng các tay vợt hiện tại không có sự khác biệt nhiều so với nhau và có lẽ khó có ai sẽ trở thành số 1 thế giới trong 209 tuần mà chỉ thi đấu với lối chơi thông minh và khéo léo. Hingis đã làm được điều đó ngay cả khi phải đối mặt với những đối thủ hơn mình về sức mạnh trong vài mùa giải. Và có lẽ đó là di sản thực sự của một tay vợt luôn là tâm điểm của những tranh cãi ở trong và ngoài sân đấu, xứng đáng được lưu danh trong Ngôi nhà của những huyền thoại quần vợt thế giới, dù bây giờ cô mới 32 tuổi.
Martina Hingis (30/9/1980) từng có 209 tuần ở vị trí số 1 thế giới, đứng thứ 4 trong lịch sử sau Steffi Graf (377 tuần), Martina Navratilova (332 tuần), Chris Evert (209 tuần). Tay vợt người Thụy Sỹ giành 5 Grand Slam (3 Australian Open, 1 Wimbledon và 1 US Open) đơn nữ và 9 Grand Slam đôi nữ, trong đó có cả 4 Grand Slam khác nhau trong năm 1998. Hingis là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử tuần vợt vô địch Grand Slam khi giành Australian Open 1997 khi mới 16 tuổi 3 tháng. Sau chiến thắng trước Monica Seles 6–2, 6–1 tại Key Biscayne năm 1997, Hingis trở thành số 1 thế giới trẻ nhất trong lịch sử quần vợt thế giới. Hingis được bầu chọn vào Ngôi nhà của những huyền thoại tennis vào năm 2013 và cũng là tay vợt ít tuổi nhất có được vinh dự này ở tuổi 32. Hingis đánh bại Mary Pierce 6-2, 6-2 trong trận chung kết Australian Open 1997 |