Mảng tối tennis: Triệu phú và người cùng khổ
Vốn được biết đến là một trong những môn thể thao “thượng lưu” và mang lại số tiền thưởng ở các giải đấu danh tiếng vào loại cao nhất thế giới nhưng không phải vận động viên quần vợt nào cũng có thể sống được bằng nghề với mức thu nhập sung túc.
Tennis là môn thể thao được tập luyện, thi đấu và theo dõi khá phổ biến trên thế giới, tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là trong số rất đông các tay vợt đang thi đấu, chỉ khoảng dưới 1000 tay vợt chuyên nghiệp (cả nam và nữ) có thể sống tốt từ những khoảnh lợi nhuận mà môn thể thao này mang lại.
Trong khi các tay vợt hàng đầu thuộc top 10 thế giới như Federer, Nadal, Serena, Sharapova,… mỗi năm bỏ túi hàng chục triệu USD nhờ những thành tích khá tốt trên sân đấu và các khoảnh tài trợ quảng cáo khổng lồ thì những đồng nghiệp kém tên tuổi hơn của họ nằm ngoài top 100 thế giới sẽ phải rất khó khăn trong việc trang trải các chi phí liên quan đến việc tập luyện, di chuyển, thi đấu…
Có vẻ như cơ hội để các tay vợt tennis chuyên nghiệp có được thu nhập cao ngày càng giảm. Đầu tháng 12-2014, Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp (ATP World Tour) đã quyết định sẽ tăng tiền thưởng đáng kể cho các giải đấu trong khuôn khổ ATP trong vòng 4 năm tới, đặc biệt là những giải thuộc khuôn khổ ATP 500 hoặc Masters 1000 có sự tham gia tranh tài của đông đảo các ngôi sao hàng đầu thế giới như Djokovic, Federer, Nadal…
Federer là tay vợt vô địch về kiếm tiền trong năm 2014 với lợi nhuận thu về lên tới 56,2 triệu USD
Sự điều chỉnh này được Ban tổ chức ATP World Tour lý giải rằng để khuyến khích các tay vợt gắng sức thi đấu nhiệt tình hơn và phù hợp với tình hình suy thoái của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, mức thưởng đó của ATP mặc dù đã tăng gấp 4 lần nhưng cũng chỉ ngang bằng với mức thưởng của AAA minor league – giải đấu bóng chày chuyên nghiệp cấp thấp nhất ở Mỹ và nếu tính toán dựa theo mức lạm phát hiện tại, thậm chí, nó còn giảm đến 25% so với 6 năm trước.
Ngay sau thông báo đó của ATP, Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) cũng đã công bố kết quả phân tích tài chính từ các trận đấu tennis chuyên nghiệp. Khá bất ngờ khi chỉ có 336 tay vợt nam và 253 tay vợt nữ trong năm nay kiếm được nhiều tiền hơn so với thu nhập từ môn thể thao này trong năm ngoái.
Sự phân hóa giàu – nghèo trong tennis được thể hiện khá rõ: Trong khi các tay vợt nổi tiếng thế giới có cơ hội chơi ở các giải Grand Slam hay ATP Masters hoặc WTA với mức tiền thưởng “cực khủng” và hầu như không phải lo lắng lăn tăn về bất cứ điều gì ngoài việc tập trung thi đấu vì đã có nhiều nhà tài trợ sẵn sàng dang tay thì những đồng nghiệp khác ít tên tuổi sẽ phải thực sự cân nhắc rất kỹ về việc ghi danh tranh tài ở các giải đấu ấy.
Bởi lẽ, theo đuổi sự nghiệp tennis chuyên nghiệp với họ cũng giống như chuyện “chạy ăn từng bữa” khi họ gần như phải tự chủ toàn bộ các khoản từ lớn đến nhỏ như chi phí đăng ký thi đấu, di chuyển, trang thiết bị tập luyện - thi đấu hay nơi ăn chốn ở trong các giải đấu…
Mức thưởng của các giải đấu tennis chuyên nghiệp sẽ tăng đáng kể từ năm 2015 đến năm 2018
Chi phí của việc “theo đuổi đam mê” này cũng chẳng hề nhỏ, nếu không muốn nói là quá sức với nhiều tay vợt thuộc dạng làng nhàng, không có nhiều sự tiến bộ về thành tích thi đấu. Nếu không có sự tài trợ của gia đình hay Liên đoàn quần vợt tại quốc gia mà họ đang là công dân, rất có thể họ sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thu nhập của 208 tay vợt chuyên nghiệp nam và nữ giành vé tham dự 4 giải Grand Slam trong năm. Đây chính là những người có cơ hội “hái ra tiền” từ chính niềm đam mê mà họ theo đuổi.
Kể cả khi thua ngay ở trận đấu đầu tiên tại các giải đấu tầm cỡ bậc nhất đó, họ cũng sẽ “bỏ túi” số tiền thưởng lên đến 130.000 USD. Càng lọt sâu vào các vòng kế tiếp, lợi nhuận càng tăng. Thậm chí, nếu vô địch, họ có thể mang về nhà khoảng tiền thưởng từ 1,5 – 2,76 triệu USD.
Vẫn biết thành công trong việc thi đấu tennis chuyên nghiệp sẽ mang đến rất nhiều lợi nhuận cho các tay vợt, thậm chí khiến họ đổi đời, nhưng để đạt được ngưỡng ấy, rất nhiều người trong số họ đã phải đánh đổi rất nhiều.