“Ma mới” làng đua xe: Đế chế tốc độ của tương lai nhân loại

(Tin đua xe) Xe chạy bằng năng lượng điện là tương lai của nhân loại, giúp cho mội trường sống trở nên ‘xanh’ hơn, sạch hơn. Từ đó, môn thể thao tốc độ trong vài năm trở lại đây cũng đã xuất hiện những giải đấu, thể thức sử dụng những chiếc xe điện để tranh tài. Bên cạnh Formula E của thể thức xe 4 bánh, sắp tới đây giải MotoE cũng chuẩn bị bước vào mùa giải đầu tiên trong lịch sử.

Hiện tại trên thế giới đã có khoảng 1 tỷ phương tiện cá nhân đang di chuyển hàng ngày trên các con đường khắp Trái Đất mà dự kiến sự tăng trưởng của ngành vận chuyển nếu tiếp tục giữ ở tốc độ như hiện tại, con số sẽ là 3 tỷ phương tiện cho tới năm 2050.

Điều này khiến các nhà sản xuất cần gia tăng công suất nhưng phải tìm ra những giải pháp kinh tế hơn và quan trọng là thân thiện với môi trường. Một trong những giải pháp đã xuất hiện chính là phương tiện sử dụng điện.

“Ma mới” làng đua xe: Đế chế tốc độ của tương lai nhân loại - 1

Đua xe sử dụng động cơ điện dần trở nên phổ biến hơn

Chính vì lý do đó, Dorna Sports, đơn vị quản lý giải đấu MotoGP đã giới thiệu một giải đấu mới mang tên FIM Enel MotoE™ World Cup kể từ năm 2019. Giải đua với mức khí thải là con số 0 cùng những công nghệ tiên tiến nhất sẽ mang đến một tầm nhìn mới về đua xe tới các trường đua trên thế giới.

Tổ chức như một thể thức mới của giải MotoGP vô địch thế giới, MotoE sẽ dần dần đến với nhiều thành phố, châu lục khác nhau để quảng bá hình ảnh về môn thể thao tốc độ không khí thải cho tương lai. Dorna cũng đang nghiên cứu, phân tích để có thể giảm lượng khí thải carbon từ các nhà máy và nhu cầu logistic của đội đua.

Về lịch trình đua cho năm 2019, mùa giải đầu tiên của FIM Enel MotoE™ World Cup sẽ chỉ có 6 cuộc đua, diễn ra trong gần 5 tháng với 4 trường đua tại châu Âu, cùng thời điểm diễn ra chặng đua của MotoGP. Vào tháng 6 này, sẽ có một đợt test cuối cùng trước khi các tay đua chính thức bước vào tranh tài.

Chặng đua đầu tiên trong lịch sử sẽ diễn ra tại trường đua Sachsenring, nước Đức từ 05-07/07, sau đó là tại Red Bull Ring, Áo vào ngày 09-11/08. Hai địa điểm tiếp theo sẽ tổ chức 2 cuộc đua liên tiếp trong 3 ngày diễn ra chặng đua (điều thường thấy ở giải World SBK, hay các giải trẻ F2, F3), đầu tiên là ở Misano, Italia từ 13-15/09 và chặng kết thúc ở Valencia, Tây Ban Nha, từ 15-17/11.

“Ma mới” làng đua xe: Đế chế tốc độ của tương lai nhân loại - 2

18 tay đua sẽ tranh tài tại FIM Enel MotoE™ World Cup 2019

Format của mỗi cuộc đua diễn ra tương tự như MotoGP, lượt chạy luyện tập vào ngày thứ 6, vòng chạy phân hạng ngày thứ 7 và cuộc đua chính ngày Chủ nhật. Quãng đường của mỗi cuộc đua được đề xuất là 10 vòng và sẽ không nâng lên cho dù các chiếc được cải tiến nâng cao sức mạnh hơn.

Có tổng cộng 18 chiếc xe tranh tài theo quy định, được phân bổ cho các đội đua như sau: Bảy đội đua MotoGP độc lập, mỗi đội sẽ nhận được 2 xe, 4 xe còn lại được cấp cho đội đua ở Moto2 hoặc Moto3 nếu họ mong muốn được tham gia. Các tay đua sẽ ký hợp đồng với đội đua và yêu cầu phải có kinh nghiệm đua xe 2 bánh nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của giải đấu.

Nhà cung cấp lốp không có gì khác biệt so với MotoGP, vẫn là Michelin. Họ sẽ cùng chia sẻ những giá trị của giải đấu, tập trung vào sự cạnh tranh cũng như những cơ hội tuyệt vời để phát triển công nghệ tương lai.

Trong khi đó tại giải Formula E với những chiếc xe 4 bánh, đang bước vào những chặng đua cuối cùng của mùa giải thứ 5 trong lích sử. Trong 10 chặng đua đã qua của mùa giải 2018-19, đã có rất nhiều bất ngờ xảy ra mà nổi bật nhất chính là việc có tới 8 tay đua khác nhau (thuộc 7 đội đua) về nhất ở 8 chặng đua đầu tiên.

Đội đua duy nhất có cả 2 tay lái về nhất gồm Sam Bird (Anh) và Robin Frijns (Hà Lan) là Envision Virgin Racing. Jean-Éric Vergne – cựu tay đua F1 người Pháp và là ĐKVĐ Formula E của đội Techeetah và Lucas di Grassi (Brazil) – cựu vô địch Formula E 2016-17 hiện đang là hai người duy nhất có nhiều hơn 1 chiến thắng và đang dẫn đầu BXH cá nhân với lần lượt 102 và 96 điểm, có cơ hội trở thành người đầu tiên có 2 chức vô địch thể thức Formula E.

“Ma mới” làng đua xe: Đế chế tốc độ của tương lai nhân loại - 3

Trường đua Sachsenring, Đức là nơi khai màn giải đấu

Trước mắt các tay đua sẽ còn 3 cuộc đua nữa, bắt đầu tại Thụy Sĩ trong 3 tuần nữa và kết thúc ở New York với 2 cuộc đua trong 2 ngày liên tiếp vào 13-14/07 tới. Mọi sự kịch tính vẫn còn ở trước mắt, nhất là khi đã có quá nhiều bất ngờ trong mùa giải này. Dù đang dẫn đầu nhưng với khoảng cách của top 5 chỉ là 21 điểm, mọi khả năng vẫn có thể xảy ra và chiến thắng sẽ đến với người bản lĩnh nhất.

Trong tương lai, kể từ mùa giải thứ 6, ban tổ chức Formula E đề xuất mở rộng quy mô lên thành 15 chặng đua/mùa và sẽ tiếp tục được phát trên truyền hình miễn phí. Hiện tại số chặng đang là 13, năm tới nhiều khả năng sẽ là 14 với sự trở lại của nước Anh (từng tổ chức 4 cuộc đua vào 2 năm 2015-2016), và nâng lên 15 trong vòng sớm nhất là 3 năm tới.

Các trường đua của Formula E vẫn chủ yếu sẽ được dựng trên đường phố, ngoại trừ trường đua cố định ở Marrakesh, Morocco; một phần Autodromo Hermanes Rodriguez tại Mexico và ở trên đường băng của sân bay bỏ hoang Tempelhof tại Berlin.

“Ma mới” làng đua xe: Đế chế tốc độ của tương lai nhân loại - 4

Formula E sẽ mở rộng quy mô trong vài năm tới

Các chặng đua đã qua thu hút được một lượng lớn người hâm mộ tới các địa điểm đua theo dõi và cổ vũ nhưng vẫn chưa nhận được nhiều quan tâm của truyền thông nếu so với F1 hay MotoGP. Hy vọng Formula E sớm có một “chỗ đứng” vững chãi hơn trong làng đua xe thế giới, và cùng MotoE sắp tới đây, ngày càng thu hút được khán giả theo dõi hơn.

Đua xe F1: Sự ra đi của huyền thoại ‘mũ đỏ’, tấm gương phi thường

Tuần vừa qua, làng F1 phải nhận thêm một tin buồn, đó là huyền thoại Niki Lauda.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN