Lý Hoàng Nam và lần ngã cần thiết
Bài viết thực hiện sau khi tay vợt tân vô địch quốc gia này vừa để thua tại giải trẻ châu Á. Theo HLV Trần Đức Quỳnh, đây là lần "ngã ngựa" cần thiết đối với bản thân Lý Hoàng Nam và cho cả quần vợt VN.
Làng banh nỉ Việt Nam vừa qua đón nhận "cơn địa chấn" từ tay vợt 15 tuổi Lý Hoàng Nam khi đi vào lịch sử quần vợt nước nhà với tư cách nhà vô địch trẻ tuổi nhất. Những lời khen, ca ngợi tuyệt đẹp nhất dành cho Lý Hoàng Nam và ban huấn luyện của Nam. Bản thân tôi cũng không tránh khỏi những phút giây bay bổng như đang trên mây, từ những gì Nam làm được tại Giải quần vợt quốc gia cúp Viettravel 2012 tại Hà Nội.
Rất chân thành cảm ơn em, vì có em chúng tôi được thơm lây.
Song trở về với thực tế trong tình trạng quần vợt VN hiện nay, theo tôi đó là một câu chuyện khác.
Xin kể ra rằng trước khi gửi bài viết này đến Tuổi Trẻ Online, tôi đã nhận được cú điện thoại của Hoàng Nam từ Nhật gọi về với nội dung: "Anh Quỳnh ơi, em thua rồi. Mình chưa là gì, em còn yếu lắm, cần phải luyện tập nhiều hơn nữa”.
Thật tình mà nói sau cú điện thoại này, tâm trạng của tôi vui buồn lẫn lộn.
Tại sao như vậy?
Lý Hoàng Nam 15 tuổi, cao 1,75m, bắt đầu chơi quần vợt từ năm 8 tuổi. Nghĩa là mới có 7 năm Hoàng Nam đã là tay vợt hay nhất VN rồi. Điều đó phản ánh đúng trình độ quần vợt VN hiện nay.
Trong khi đó, các nước láng giềng đã từng có các tay vợt mạnh đồng thời có thể hình và trình độ hơn hẳn Hoàng Nam. Cụ thể, tay vợt Yamasaki Jumpei (Nhật Bản) 15 tuổi, cao 1,8m, xếp hạng 244 trẻ ITF. Đây cũng là tay vợt vừa thắng Hoàng Nam với tỉ số 6/4; 6/7(2); 7/6 (3) tại giải Dunlop Japan Open Junoir Championship (nhóm 2).
Hay như tay vợt Mendoza, Jurence Zosimo (Philippines) 16 tuổi, cũng từng thắng Hoàng Nam năm ngoái tại giải Junoir ITF Becamex Cup 2011. Hiện tay vợt này đang xếp hạng 98 trẻ ITF.
Lý Hoàng Nam tại Giải vô địch quốc gia 2012 - Ảnh: Ngọc Thắng
Còn Hoàng Nam dù là tay vợt vô địch VN nhưng vẫn đứng xa lơ xa lắc trên bảng xếp hạng trẻ thế giới với hạng 297 trẻ ITF.
Từ thực tế đó cho ta thấy tại các nước quần vợt phát triển thì với độ tuổi của Hoàng Nam trình độ quần vợt như vậy rất bình thường. Chỉ cần HLV có kiến thức, VĐV có sự đam mê khổ luyện và có đủ điều kiện tài chính là có thể đạt được rồi. Không cần phải thuê HLV chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới dạy mỗi tháng khoảng 50.000 USD.
Điều này cũng giống như việc học văn hóa, nếu bạn không học hết tiểu học, cấp II, cấp III thì dù bạn được học trường đại học danh tiếng bạn cũng không thể nào tốt nghiệp được.
Theo tôi, điều thiết thực của quần vợt VN hiện nay là làm sao đào tạo ra nhiều Lý Hoàng Nam.
Mô hình quần vợt dành cho thiếu nhi phải phát triển rộng rãi trong học đường hay tại các câu lạc bộ quần vợt. Các trung tâm dạy quần vợt như kiểu mô hình Becamex Bình Dương nên được lan rộng khắp cả nước.
Khi chúng ta đã có nhiều Lý Hoàng Nam rồi thì chính sự cạnh tranh thể thao lành mạnh giữa các VĐV với nhau sẽ là đường băng đẩy một Lý Hoàng Nam xuất sắc nhất bay cao trên bầu trời đấu trường quốc tế.
Nên nhớ Paradorn Srichaphan (Thái Lan) đạt thứ hạng 9 trong bảng xếp hạng quần vợt nhà nghề thế giới là người châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong lịch sử quần vợt châu Á không cần HLV ngoại nào, HLV của anh chính là cha ruột của anh. Anh có sự cạnh tranh gay gắt từ hai anh trai của mình, người anh nào cũng là vô địch Thái Lan nhiều năm liền .
Trở lại trường hợp của Lý Hoàng Nam, lúc bình tâm suy nghĩ tôi tâm đắc nhất câu nói của em: “Anh Quỳnh ơi, em thua rồi. Mình chưa là gì, em còn yếu lắm, cần phải luyện tập nhiều hơn nữa”.
Với câu nói này, tôi hiểu ra rằng tại sao Lý Hoàng Nam có thể đưa tên mình vào lịch sử quần vợt VN - bởi em biết đối diện với thực tế và như người xưa có câu: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".