Lựa chọn của Djokovic: Đè bẹp tất cả hay đợi Roland Garros?

Sau hai tuần im ắng trong khi Nadal hồi sinh sẽ là một Djokovic càn quét tất cả các danh hiệu làm đà cho cuộc chinh phục Roland Garros?

Video Djokovic bị loại sớm ở Monte Carlo:

Ngay sau khi bị loại khỏi Monte Carlo ngay từ vòng hai (và là trận đầu tiên của anh), Djokovic có lẽ đã phải giải quyết một bài toán bất ngờ được đặt lên bàn: Có nên tham dự một giải đất nện nào đó diễn ra vào tuần kế tiếp hay không?

Sự suy luận này bắt nguồn từ một thực tế: Các tay vợt hàng đầu đôi khi có thể đột ngột hiện diện ở một giải đấu nhỏ nào đó bằng một suất đặc cách ngay cả khi thời hạn chót đăng ký giải đã được chốt. Không chỉ là Bucharest hay Barcelona cách nay một tuần mà ngay cả Munich Open hay Estoril đang bước vào những trận đấu cuối.  

Lựa chọn của Djokovic: Đè bẹp tất cả hay đợi Roland Garros? - 1

Nole luôn có sự tính toán kỹ trước mỗi giải đấu

Và yếu tố thứ hai là việc Djokovic bị loại sớm ở Monte Carlo có thể đã làm đảo lộn kế hoạch chuẩn bị về thể lực, trạng thái tâm lý cho Roland Garros.

Hoàn toàn có thể như vậy vì Djokovic xưa nay luôn có cách chuẩn bị rất kỹ, thậm chí kỹ lưỡng hơn cả những đối thủ nằm trong số những tay vợt hàng đầu, những người luôn được xếp trong số các ứng viên vô địch Grand Slam như Nadal, Federer, Murray và gần đây có thêm Wawrinka.

Chẳng hạn Djokovic thường không tham dự bất cứ giải khởi động nào trên sân cỏ mà dùng cả hai tuần sau Roland Garros làm thời gian hồi phục.

Trước US Open thì Djokovic không bung hết sức dù cho nó có là giải Masters 1000, nên vì thế anh ít khi vô địch US Open Series – một hệ thống gồm các giải khởi động trên sân cứng Bắc Mỹ (Canada và Mỹ) để sau đó có cơ hội nhận gấp đôi tiền thưởng vô địch US Open. 

Trước Australian Open thì Djokovic thường nghỉ ngơi hoặc tham dự một giải đấu không nặng tính ăn thua như Hopman Cup gồm vài trận đơn và  vài trận đôi nếu đi tới cùng.

Sự chuẩn bị cho Roland Garros phức tạp hơn thế.  Việc Djokovic cũng đã đưa ra nhiều lộ trình và cách tiếp cận khác nhau đã chứng tỏ đương kim số 1 thế giới cũng đã thử nhiều phương án hòng đăng quang tại giải đấu duy nhất trong số bốn Grand Slam mà anh chưa từng vô địch. Chúng ta có thể tham khảo cách Djokovic đã chuẩn bị và thi đấu ở năm mùa đã qua dưới đây:

2011: Không tham dự Monte Carlo;  đánh bại Nadal ở cả chung kết Madrid và Rome, nhưng lại thua Federer tại bán kết Roland Garros.

2012: Thất bại tại chung kết Monte Carlo, Rome và Roland Garros trước Nadal; bị loại sớm ở Madrid khi giải lần đầu và duy nhất chơi trên sân đất nện màu xanh.

2013: Vô địch Monte Carlo sau khi thắng Nadal ở chung kết, thua bất ngờ và sớm ở Madrid và Rome (trước Dimitrov và Berdych), và tại Roland Garros thì thua Nadal ở bán kết.

2014: Chấn thương nhẹ ở cổ tay khi thua Federer ở bán kết Monte Carlo; bỏ qua Madrid; thắng Nadal ở chung kết Rome; rồi thua Nadal ở chung kết Roland Garros.

2015: Vô địch Monte Carlo; không tham dự Madrid; vô địch Rome; lần đầu thắng Nadal ở Roland Garros khi cả hai gặp ở tứ kết nhưng lại thua ở chung kết trước Wawrinka.

Hãy phân tích cụ thể hơn từ lịch thi đấu (và phần nào đó điểm rơi phong độ) ở năm mùa giải đất nện đã qua. Đây cũng chính là giai đoạn mà tay vợt người Serbia thống trị tennis thế giới.

Djokovic thường tham dự tối thiểu hai Masters 1000 trên sân đất nện, nhưng cũng sẵn sàng bỏ qua một giải Masters nào đó không chỉ vì chấn thương mà trước đó anh đã bị vắt sức.

Trong đó, Madrid thường bị gạt sang một bên, nhất là khi giải đấu này được xếp lại lịch, thi đấu trước Rome Masters. Như năm ngoái, Djokovic sau khi thâu tóm bốn giải quan trọng nhất của đầu mùa giải (một Grand Slam và ba Masters) thì anh quyết định bỏ qua Madrid.

Rõ ràng, Djokovic cũng cân nhắc kỹ lưỡng giữa yếu tố nhịp thi đấu với trạng thái sung sức thể thao (thể lực, kỹ - chiến thuật và tâm lý).

Sự sung mãn có lẽ không cần phải nói thêm còn nhịp thi đấu thì rất quan trọng trong tennis vì những trận đấu đỉnh cao là cách trải nghiệm tốt nhất để chuẩn bị cho các trận đỉnh cao tiếp theo. Chẳng hạn, việc đối thủ bỏ cuộc ở bán kết lại không tốt vì từ tứ kết tới chung kết có tới gần bốn ngày nghỉ.

Djokovic từng ở một tình huống tương tự khi anh không phải tốn giọt mồ hôi nào ở tứ kết do Fognini bỏ cuộc, và sau đó đã thua Federer ở bán kết Roland Garros 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN