Linh khí trời Nam và sự tôn vinh võ Việt của cha ông

Sự kiện: Khám phá võ thuật

Võ học của VN là nền võ học mang nặng những nhiệm vụ đấu tranh phục vụ quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc, thay vì chỉ phục vụ cho một gia đình, một xóm ấp, một lớp người giới hạn trong một môi trường nhỏ hẹp.

Người học võ mặc nhiên chấp nhận truyền thống hành võ chung, nên luôn luôn mong mỏi được có cơ hội thi thố tài năng phò vua, giúp nước.

Muốn phò vua giúp nước, phải khổ luyện tài năng và tìm cơ hội tiến thân. Cơ hội tiến thân của người võ sĩ chính là các cuộc thi võ (trước đây gọi là thí võ) của các triều đại trong lịch sử. Tiến trình thí võ qua các thời đại võ học bao gồm:

Linh khí trời Nam và sự tôn vinh võ Việt của cha ông - 1

Tái hiện cuộc thi Tiến sĩ Võ tại Festival Huế 2008

1. Biểu dương tài nghệ và thành tích: Trước khi có những quy chế rõ rệt về việc tuyển dụng nhân tài võ học, sự xử dụng nhân tài võ học được ước đoán là không ngoài sự biểu dương thành tích.

Sự biểu dương tài nghệ thường chú trọng tới sức khỏe (vác tạ, cử đình...), thập bát ban võ nghệ (nhất là kiếm pháp và thương pháp), tài khéo đặc biệt (cưỡi ngựa, bơi lặn, nhảy cao, chạy xa...).

Sự biểu dương thành tích có thể căn cứ vào những buổi hội làng có đấu võ và đấu vật, và các thành tích võ học đạt được ở địa phương (như đánh cướp, bẻ sừng trâu v.v...). Trong những trường hợp nhân tài tuyển dụng sẽ được điều dụng vào những chức vụ cao, sẽ có những cuộc đàm thoại trắc nghiệm đặc biệt về binh pháp học.

Lối tuyển dụng nhân tài theo phương pháp trắc nghiệm gián tiếp bằng cách đòi hỏi biểu dương tài nghệ và thành tích cá nhân, được áp dụng cho tới năm 1253 - năm thành lập Giảng Võ Đường dưới thời Trần Thái Tông.2. Thi "trắc nghiệm" võ học: Trước khi có những quy chế thí võ rõ rệt, nước ta đã áp dụng những cuộc thi "trắc nghiệm" từ đời Trần Thái Tông.

Việc thí võ theo quy chế Giảng Võ Đường để tuyển dụng nhân tài võ học do đó chỉ áp dụng với thường dân chứ không áp dụng với quý tộc, mặc dầu quý tộc (vương gia) nhà Trần, từ công chúa, phi tần tới các văn quan đều bắt buộc phải học võ với các môn chính như múa gươm, cưỡi ngựa và binh pháp, rồi được tự do tổ chức và huấn luyện những đội quân riêng để đi khẩn hoang lập ấp, được gọi là các đội quân "Vương gia hầu đô".

3. Thi võ theo những quy chế rõ rệt: Những cuộc thí võ có quy chế rõ rệt được áp dụng từ đời Lê Thái Tổ, với chế độ Minh Kinh khoa, và tùy theo chính sách võ học của từng triều đại mà thay đổi. Những triều đại ấn định quy chế rõ rệt cho những cuộc thí võ, có thể lấy 3 triều dại Lê Thái Tổ, Gia Long làm điển hình.

a. Quy chế thi võ thời Lê Thái Tổ: Quy chế này có 3 đặc điểm sau:

Song song với việc mở trường tại khắp các lộ, các phủ để dạy cả văn lẫn võ, có tính cách cưỡng bách giáo dục cho cả con quan và con cái thường dân, triều đình mở các khoa thi "Minh Kinh Khoa" để chọn lọc và tuyển lựa nhân tài trong dân dã, gồm cả các môn thi về kinh sử và võ học.

Các văn quan từ tứ phẩm trở xuống, bị bắt buộc phải học và thi đậu "Minh Kinh Khoa" mới được lưu dụng.

Các tăng nhân cũng phải khảo hạch "Minh Kinh Khoa". Ai trượt, sẽ phải hoàn tục.Điểm đặc biệt cần ghi nhận ở đây là, Lê Thái Tổ là một vì vua rất trọng võ, nhất là võ học dân dã. Hơn ai hết, ông hiểu rằng cuộc kháng Minh sở dĩ thành công, chính là nhờ ở những tài nguyên võ học dân dã, chớ không phải là nền võ học quý tộc đã bị ngoại xâm khống chế.

Linh khí trời Nam và sự tôn vinh võ Việt của cha ông - 2

Thi võ theo những quy chế rõ rệt

b. Quy chế thí võ dưới thời Gia Long: Có 4 đặc điểm chính:

Lập các khoa thi Võ tương tự như những khoa thi Văn có đủ cả thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhưng áp dụng nguyên tắc "võ tôn văn nhất trật", tức cùng một danh xưng, nhưng đậu về "võ" bao giờ cũng kém đậu về "văn" một trật (một bậc). Ví dụ: đỗ "võ cử nhân" thì hàm Tùng lục phẩm, còn đỗ "văn cử nhân" thì được hàm Chánh lục phẩm.

Thí võ tuy cũng có Đình thí, nhưng không lấy Võ Trạng nguyên, Võ Bảng nhãn, Võ Thám hoa, mà chỉ lấy Võ Tiến sĩ. Điều kiện dự thí Võ Tiến sĩ là phải tình nguyện thi 1 bài bằng chữ Nho, với chủ đề về binh pháp (binh thư đồ trận, địa thế hành binh...). Bởi võ không được khuyến khích, và những người nếu giỏi về Hán Văn thường ít có khuynh hướng học võ vì phải chịu đựng nhiều cực nhọc, nguy hiểm, nên hầu như không có ai dự thi Đình về Võ để hy vọng đậu Võ Tiến sĩ.

Linh khí trời Nam và sự tôn vinh võ Việt của cha ông - 3

Những thí sinh đã đậu Hương thí được gọi là Võ Cử nhân

Thể lệ thi võ về Hương thí phải qua 4 trường: Cử trượng (tạ), Bắn bia (9 mũi tên, xa 30 trượng, trúng đích cả), Quyền thuật, đoản côn đánh thắng 3 độ. Thể lệ thi võ về Hội thí có 5 kỳ, được dành cho những thí sinh đã đậu Hương thí được gọi là Võ Cử nhân. Các thí sinh Võ Cử nhân được dự thi Hội tại kinh đô, cũng phải qua 3 kỳ đầu như ở Hương thí, nhưng điều kiện thi nặng hơn: Xách nặng hơn nửa tạ trên thao trình xa hơn 10 trượng, bắn 12/12 mũi tên trúng đích, đánh thắng 4/4 độ đoản côn.

Kỳ thứ 4 được gọi là kỳ đánh "lăn khiên" (giám khảo cầm cây giáo quấn vải nhúng mực đâm ra, biết tránh né không để đầu khiên có chấm mực là trúng) và kỳ cuối cùng, bao gồm cả 4 môn trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chu Hồng Châu (danviet.vn)
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN