Liệu Serena có giá trị bằng Federer, Djokovic?
Trận chung kết Indian Wells 2016 nội dung đơn nữ là một lần hiếm hoi nó hấp dẫn hơn nội dung đơn nam xét về mặt chuyên môn.
Và thực tế khó chối bỏ
Lịch sử tennis tôn vinh Wimbledon với tư cách giải đấu đầu tiên trao thưởng cho nam và nữ ngang nhau. Và biến tennis thành môn thể thao đỉnh cao duy nhất có sự công bằng này (bóng đá, golf, boxing... đều không).
Nhưng lịch sử cũng coi đó là cột mốc của một cuộc tranh luận không phải đến bây giờ mới có, nhất là khi tennis nữ bắt đầu thiếu vắng các tài năng, không sản sinh ra thêm những biểu tượng thực sự ngoài Serena, Sharapova: Là các tay vợt nữ có xứng đáng không để được thưởng ngang bằng với các tay vợt nam?
Chẳng hạn, các tay vợt nam nói rằng họ thi đấu ở Grand Slam với thể thức 5 set thắng 3 (trước kia chung kết Masters cũng đấu 5 set), và dĩ nhiên thù lao cho họ phải cao hơn nữ chỉ đấu 3 set thắng 2.
Azarenka từng lên tiếng phản đối: Các anh đừng đòi hỏi chúng tôi phải thi đấu 5 set. Muốn công bằng, các anh hãy thi đấu theo thể thức 3 set như nữ.
Ở US Open, hay các giải Grand Slam khác, tất cả nội dung nam và nữ đều cùng hưởng chung một gói tài trợ và tiền bản quyền truyền hình, giá vé giống nhau giữa các trận nam và nữ (trước bán kết vé bán theo ngày), việc chia thưởng 50-50 cũng ít nhiều còn có lý.
Nhưng ở các hệ thống khác, câu chuyện tạo ra các thách thức mà hơn ai hết, các nhà tài trợ và các nhà tổ chức giải rất hiểu điều này. Như ở Indian Wells, mặc dù cả nam và nữ cùng thi đấu trên một địa điểm, nhưng hệ thống vận hành của cả hai là độc lập: Nhà tài trợ khác, bản quyền truyền hình khác mà cái gì của nam cũng có giá trị cao hơn (ATP Tour ở Việt Nam thì xem K+, WTA Tour xem ThethaoTV). Và vì thế, tổng số tiền thưởng chủ giải phải trả cho các tay vợt nam và nữ có thể tạo ra những uẩn ức.
Trên thực tế, chỉ có vài giải đấu không phải Grand Slam mới làm như Indian Wells (thưởng ngang nhau), Miami Masters... Ở các giải khác, dù ở cấp tương đương khi quy đổi như ATP 500 thì tại Dubai, giải của nữ chỉ có cả thảy 1,7 triệu USD tiền thưởng, còn của nam là 2,2 triệu.
Trước Djokovic hay Murray, Nadal từng nói là các tay vợt nam xứng đáng được trả tiền thưởng nhiều hơn các tay vợt nữ có lẽ cũng là như thế. Vì họ đang sống ở kỷ nguyên hiện tại, chứng kiến sự suy thoái của tennis.
Người viết từng phân tích Serena dù không phải được hâm mộ nhất của làng banh nỉ nữ, nhưng cô chính là người duy nhất gìn giữ những giá trị đích thực của Grand Slam. Cô buộc tất cả phần còn lại phải nỗ lực hơn, phải nâng cao cả về thể chất và chuyên môn nếu muốn là nhà vô địch Grand Slam.
Và với tất cả sự tôn trọng, không phải vì Serena quá mạnh mẽ để nhận lời thách đấu của một tay vợt nam nào đó, có thể làm nên một trận đấu thứ tư của Trận chiến Giới tính (Battle of the Sexes), thì cô chính là người tạo nên đẳng cấp cho tennis nữ, sau khi những Henin, Klijsters, Hingis gác vợt.
Có thể, nếu ai đó hỏi Trận đấu Giới tính thứ ba là giữa ai với ai thì câu trả lời là Navratilova lúc 35 tuổi đã thua Jimmy Connors 40 tuổi, dù đại diện cho phái mạnh phải chấp chỉ giao một bóng và chấp thêm cả dây (Navratilova đánh cả sang phần sân đôi bên đối thủ)...
Video Serena bị Azarenka đánh bại ở chung kết Indian Wells 2016