Lịch sử lại chờ Nadal
Lần đầu tiên vô địch giải đấu mở màn của một mùa giải có ý nghĩa gì với Nadal, người có thể trở thành tay vợt đầu tiên vô địch mỗi Grand Slam ít nhất hai lần trong bốn thập kỷ?
Hoá ra là trong sáu chục chức vô địch trước kia, chẳng có cái nào đoạt được ngay trong giải đấu đầu tiên của một mùa giải cả, dù cho Nadal thường xuyên xuất hiện ở các giải đấu khởi động cho Australian Open.
Một điều thú vị khác, Qatar 2014 chỉ là danh hiệu ATP 250 thứ bảy trong sự nghiệp lẫy lừng của Nadal. Nó bằng một nửa số danh hiệu ATP 500 (14), gần một phần tư số danh hiệu Masters 1000 (26) và gần bằng một nửa số cúp Grand Slam (13) mà tay vợt người Tây Ban Nha sưu tập.
Nhưng cũng chẳng quá ngạc nhiên nếu biết rằng Nadal chưa bao giờ coi trọng việc gặt hái thành tích ở thời điểm này.
Chức vô địch vừa qua có ý nghĩa quan trọng với Nadal
Bằng chứng là HLV của anh, ông Toni Nadal thường vắng mặt ở các giải đấu đầu tiên. Và lần này cũng thế, người chịu trách nhiệm về chuyên môn cho Nadal là Francisco Roig.
Thậm chí, Nadal còn phải lôi ông Roig vào tham dự nội dung đôi, để lấy cảm giác bóng và họ vào tới vòng tứ kết nội dung này.
Mặt khác, Nadal thường ít khi tham dự các giải ATP 250. Mỗi năm tham dự 17-18 giải, ngoại trừ bốn Grand Slam, một ATP World Tour Finals, tám Masters 1000 (thường bỏ Paris Masters), Nadal thường chỉ giành số lượng giải còn lại để xuất hiện ở ATP 500, như Barcelona Open (đất nện), và hoặc là Tokyo, hoặc Bắc Kinh (trên sân cứng). Hầu hết các giải ATP 250, Nadal chỉ xuất hiện ở đó với mục tiêu làm nóng trước Grand Slam (như trước thềm Wimbledon), hoặc để kiếm tiền (như lần đến Thái Lan sau US Open).
Và điều quan trọng nhất, Nadal thường có vấn đề về chấn thương, sức khoẻ ở thời điểm đầu mùa giải. Năm 2010, Nadal kết thúc giải đấu khởi động bằng một trận sốt siêu virus. Và sau đó, anh tới Australian Open với thể trạng không tốt, để rồi kết thúc giải đấu với một chấn thương (bỏ cuộc giữa chừng).
Điều gần như tương tự cũng tái diễn trong năm 2011, và cũng dừng bước ở tứ kết Australian Open sau khi chỉ cố đứng ở trên sân để không bỏ cuộc hai năm liên tiếp.
Luôn gặp các vấn đề về thể lực ở đầu mùa (do vắt sức quá nhiều trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9) như nói trên cũng lý giải tại sao cho tới hôm nay, Nadal mới chỉ có hai lần lọt vào tới trận chung kết Australian Open và vô địch một lần năm 2009.
Thực tế trạng thái chưa thực sự sẵn sàng hay nói đúng hơn là chưa đạt tới phong độ đỉnh cao ấy cũng thể hiện ở chặng đường Nadal đăng quang ở Doha mới đây.
Năm trận, có ba trận Nadal đều thua một set, trong đó có hai trận trước Tobias Kamke và Peter Gojowzcyk (hạng 136 thế giới), và ba lần phải giải quyết set đấu bằng loạt tiebreak.
Đó là một hình ảnh tương phản với Nadal đỉnh cao US Open 2013, nơi anh vào tới trận chung kết với thành tích chỉ thua một set.
Nhưng, như đã nói ở trên, điều quan trọng nhất lúc này với Nadal khi anh bước vào mùa giải mới với tình trạng lành lặn. Và khi một tay vợt không chơi thứ tennis xuất sắc nhất, vẫn có thể vô địch, nó có thể tác động tích cực tới tâm lý, nhất là chiến thắng trong trận chung kết là trước Gael Monfils, người mới chỉ có hai lần thắng Nadal nhưng lại đều diễn ra ở Doha.
Nadal phấn khích với danh hiệu ở Doha là vì thế, gọi đấy là một “danh hiệu quan trọng”.
Lời tuyên chiến với Djokovic và Murray
Năm 2009, Nadal đã cách chức vô địch Doha chỉ một điểm. Anh có điểm quyết định (match point) nhưng sau đấy lại thua Nikolay Davydenko (người đạt phong độ đỉnh cao trong cả năm 2009).
Rồi từ Doha tới Melbourne, Nadal lần đầu tiên vô địch Australian Open với phong độ của số một thế giới đích thực (lên ngôi từ tháng 8-2008).
Lời cảnh báo cho các đối thủ lớn
Nadal đã cùng với Verdasco làm nên trận bán kết hay nhất trong lịch sử giải đấu này sau năm set đấu. Và ở chung kết, Nadal đánh bại Federer cũng sau năm set trong một buổi chiều huyền thoại người Thuỵ Sỹ đầy khát khao vươn tới cột mốc 14 Grand Slam của Pete Sampras.
Sau trận đấu ấy, Federer đã khóc, “Chúa ơi, con chết mất thôi” khi phải trải qua cảm giác vô vọng trước một Nadal gần như hoàn hảo.
Nhưng lần này Federer không còn là đối trọng thách thức của Nadal. Đó phải là Djokovic, người giờ đây có một bản năng chiến thắng thực sự và là ông Vua ở Australian Open (vô địch ba năm gần đây nhất). Hoặc cũng có thể là Murray và Del Potro, người đầu tiên đã trưởng thành thực sự, còn người thứ hai đang thay đổi phương pháp chuẩn bị đầu mùa để vươn lên một tầm vóc mới.
Để làm nên lịch sử
Nadal chưa bao giờ thiếu động lực. Ngay cả khi anh đã một mình ngự trị trên đỉnh cao (như ở Roland Garros), thì tay vợt năm nay sẽ tròn 28 tuổi vẫn khát khao qua từng trận đấu.
Nhưng, không thể không bàn tới khả năng Nadal có thể đi vào lịch sử của tennis thế giới khi trở thành người đầu tiên sau Rod Laver vô địch mỗi Grand Slam ít nhất hai lần (hiện có tám Roland Garros, hai US Open, hai Wimbledon và một Australian Open). Thế nên, nó cũng có thể tác động tới tâm lý của Nadal, người luôn cố tìm mọi cách để rũ bỏ các sức ép phải chiến thắng để thiết lập các kỷ lục.
Nếu vô địch Australian Open 2014, Nadal sẽ đi vào lịch sử
May mắn cho Nadal là giờ đây anh có thêm nhiều kinh nghiệm để đương đầu với những sức ép kiểu này sau những thất bại khi trong hoàn cảnh tương tự.
Chẳng hạn, Nadal đã thất bại ở Australian Open 2011 trong hoàn cảnh bị chấn thương, nhưng một phần nguyên nhân còn là sức ép trở thành người đầu tiên sau Rod Laver giành bốn Grand Slam khác nhau liên tiếp.
Thậm chí, ở Australian Open 2012, Nadal cũng phải chịu sức ép, dù nó phát sinh và tồn tại trong hoàn cảnh khác: Phải thắng Djokovic để chấm dứt chuỗi sáu trận thất bại liên tiếp, trong đó có hai Grand Slam.
Và đến khi phải đối diện với sức ép trở thành người thứ hai vô địch một Grand Slam tới bảy lần liên tiếp rồi là người duy nhất nâng kỷ lục ấy lên thành tám lần, Nadal đã biết đứng vững trên đôi trên của mình trong mọi hoàn cảnh.
Hẳn là không quá lời nếu tin rằng bất cứ ai muốn vô địch Australian Open 2014 cũng đều phải bước qua cửa Nadal!