Lẫy lừng võ Việt: Huyền thoại 2 cao thủ "quật" chết 3 cọp dữ
(Tin thể thao, Tin võ thuật) Trung Quốc có "Võ Tòng đả hổ", tại Việt Nam không những có 1 mà tới 2 người đã làm được điều tương tự như Võ Tòng.
Võ thuật Việt Nam không thiếu các câu chuyện ly kỳ. Mời các bạn cùng khám phá những câu chuyện đả hổ của võ Việt thông qua loạt bài "Lẫy lừng võ Việt" từ ngày 25/10! |
Nhân vật Võ Tòng trong truyện Thủy Hử của Trung Quốc được cả thế giới biết tới khi đánh bại hổ dữ, song có thể khẳng định một điều ở Việt Nam ta không thiếu những vị anh hùng đã từng đánh bại hổ, chỉ có điều những thông tin về họ không được biết tới như Võ Tòng mà thôi.
Anh hùng Việt Nam đả hổ. Ảnh minh họa
Cụ thể nhất khi tìm hiểu về môn võ Tân Khánh Bà Trà, chúng tôi đã phát hiện ra rằng môn võ này có tới 3 người anh hùng từng đánh thắng hổ trong đó có cả nam và nữ. Để làm rõ thông tin trên chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với tiến sỹ, võ sư Hồ Tường - chưởng môn đời thứ năm của phái Tân Khánh Bà Trà, hiện đang dạy võ tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh.
Theo lời ông Hồ Tường: "Trong số các võ sỹ nổi tiếng của môn phái thì hai anh em ông Võ Văn Ất (hai Ất) và Võ Văn Giáp (Ba Giáp) là những người có nhiều công trạng và nổi tiếng với tài đánh hổ. Cả hai ông có hơn 10 lần đối đầu với hổ. Hai người có sở trường sử dụng trường côn, người dân nơi đây hay gọi là "roi".
Một chiến tích vang dội của hai vị võ sư trên là lần đánh chết 3 con hổ trong một chiều ở địa danh Hố Ngỡi, nằm bên cạnh làng Tân Khánh, nay là Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên. Chính xác là trong chưa đầy 2 giờ quần chiến, 3 con hổ đã chết dưới tay của hai anh em võ sư. Võ phải Tân Khánh Bà Trà cũng từ đó mà nổi tiếng, trở thành môn võ đả hổ vang danh thiên hạ".
Võ sư Hồ Tường còn chia sẻ tiếp: "Sau khi tiêu diệt 3 con cọp dữ, danh tiếng võ nghệ của hai ông vang danh khắp vùng. Xứ Bàu Lòng (Chơn Thành, Bình Phước) khi đó bị hổ dữ quấy phá, dân làng không yên tâm làm ăn. Hay chuyện hai anh em đánh hổ, cai tổng cử người đi mời hai ông Ất, Giáp về trị cọp.
Hai anh em Ất, Giáp xuất hiện tại xứ Bàu Long nhưng phải tới ngày thứ 4 họ mới gặp hổ. Trong lúc mọi người còn đang khiếp vía thì thấy ông Giáp cắp roi nhảy ra sân thủ thế. Ông Ất tay chống nạnh, đứng nhìn nơi ngạch cửa. Ở ngoài sân, cọp thấy người liền gầm lên rồi phóng tới chụp đùa. Ông Giáp né nhanh, liền đó vung roi đâm trúng vào hông cọp khá mạnh.
Võ sư Hồ Tường, 63 tuổi (phải) Chưởng môn đời thứ 5 Tân Khánh Bà Trà
Cọp gầm lên rồi quay lại chụp liền. Ông Giáp lại vung roi, lúc đập, lúc đâm. Cọp nhảy tới, nhảy lui gầm thét. Người chứng kiến quên phần sợ hãi. Cuộc giao tranh độ tàn điếu thuốc, bất ngờ cọp hộc lên một tiếng rồi vọt ra ngoài vòng chiến, nằm ngửa chổng bốn vó lên trời chết thảm", võ sư Hồ Tưởng kể lại chi tiết.
Chuyện về "hai ông đánh hổ" được người dân thuộc lòng và ca tụng thành câu nói: "Cọp Bàu Lòng - Võ Tòng Tân Khánh". Người dân xem đây là cốt truyện lịch sử, nó chưa được chuyển thể thành truyện nhưng người dân ai cũng thuộc lòng. Có nhiều ý kiến cho rằng "Võ Tòng Tân Khánh" tài năng hơn… Võ Tòng bên Tàu nhiều".
Tân Khánh Bà Trà hay Bà Trà - Tân Khánh hay Võ lâm Thiếu Lâm được ra đời vào khoảng những năm 1850, là một trong những hệ phái võ thuật thuộc võ cổ truyền Việt Nam. Hệ phái có xuất xứ từ Bình Định và được các võ sư trau chuốt qua nhiều thế hệ tại vùng đất mới ở miền Nam Việt Nam là làng Tân Khánh (nay là thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), và làng Bình Chuẩn (nay thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). |
Mời các bạn đón xem phần cuối về "Thập đại thần công chuyên dùng để trị thú dữ" của võ Việt vào 6h, sáng mai 27/10!
Một cuộc đấu diễn ra theo luật tự do nên khi kết thúc cũng thiếu chuyên nghiệp.