Làn gió mới từ những Việt kiều

Sự kiện: SEA Games 32

4 HCĐ của kình ngư Mỹ gốc Việt Paul Lê Nguyễn tuy không gây ấn tượng mạnh nhưng đã đánh dấu triển vọng cho những VĐV Việt kiều muốn về nước cống hiến

Trong số 471 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 tại Malaysia, có một số Việt kiều tham gia góp sức cho quê hương. Tuy thành tích chưa thực sự ấn tượng tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á nhưng họ chính là những người đánh dấu tiềm năng trong tương lai không xa sẽ còn hàng loạt VĐV thể thao gốc Việt khác về cống hiến cho đất nước.

Làn gió mới từ những Việt kiều - 1

Paul Lê Nguyễn là VĐV gốc Việt gây ấn tượng với 4 HCĐ bơi lội Ảnh: Quang Liêm

VĐV gốc Việt nổi bật nhất ở SEA Games 2017 là Paul Lê Nguyễn, thành viên vui tính nhất của đội tuyển bơi Việt Nam. Paul sinh năm 1992 tại Oklahoma (Mỹ), có bố mẹ cùng là người Việt Nam. Anh học bơi từ năm lên 8 tuổi, sau đó trở thành VĐV chuyên nghiệp. HLV trưởng tuyển bơi Việt Nam Đặng Anh Tuấn chính là người làm "cầu nối" để Paul về Việt Nam thi đấu, đầu quân cho An Giang.

Paul kể mới 2 năm trước, anh còn chưa từng nghĩ sẽ có ngày trở về thi đấu cho quê hương. Do có quen với gia đình Paul Lê Nguyễn nên khi biết cậu sinh viên vừa tốt nghiệp ngành kinh tế Đại học Missouri thường xuyên tham gia các giải bơi thuộc hệ thống giải thể thao sinh viên Mỹ, HLV Đặng Anh Tuấn đã đề nghị anh thử sức ở đội tuyển bơi Việt Nam.

Hoàn thành thủ tục nhập tịch, Paul được ông Tuấn sát hạch ở các giải quốc gia. Thầy của Ánh Viên phát hiện Paul mạnh ở 4 nội dung 50 m và 200 m hỗn hợp nên yêu cầu anh chuyên tâm tập luyện và tranh tài thường xuyên ở các nội dung này. Thực tế là tại SEA Games 29-2017, Paul Lê Nguyễn tuy không giành được HCV nào nhưng xét về tổng số huy chương, kình ngư điển trai người Mỹ gốc Việt chỉ xếp sau Ánh Viên với 4 HCĐ ở 200 m hỗn hợp và 3 nội dung 50 m tự do, ngửa và bướm.

Nếu Paul Lê Nguyễn được xem như Việt kiều gây ấn tượng mạnh nhất của đoàn thể thao Việt Nam bởi tài năng, sự hài hước cũng như gương mặt điển trai thì một loạt VĐV khác cũng tạo được sự tò mò từ chính giới truyền thông khu vực. Điển hình như nữ VĐV Hanako Kawasaki của đội tuyển golf Việt Nam được tờ Siam Sports phỏng vấn vì tờ báo của Thái Lan cảm thấy thú vị khi 1 VĐV Việt mang họ… Nhật Bản.

Hanako sinh năm 1999, mang trong mình hai dòng máu Việt - Nhật, cô là nhà vô địch golf nữ quốc gia 2016 và đương kim vô địch giải golf Trẻ Việt Nam mở rộng 2017. Hanako là tay golf nữ thứ 2 của Việt Nam sau Ngô Bảo Nghi được vinh dự ghi tên trên bảng xếp hạng golf thế giới (WAGR) với thứ hạng 2.297.

Dù không giành được huy chương tại SEA Games 2017 nhưng Hanako Kawasaki và người bạn Thảo My tạo được ấn tượng khá tốt ở nội dung đồng đội nữ. Ngoài ra, trong danh sách VĐV tuyển bắn súng Việt Nam sang Malaysia tranh tài vào tháng 8 tới có cái tên đặc biệt khác là Iwaki Ai (thường được gọi là Nguyễn Nhật Hằng), sinh năm 2000, mang 2 quốc tịch Việt Nam và Nhật Bản.

Sau thời gian ngắn tập luyện bắn súng, cô gái có mẹ là người Việt, cha người Nhật, sinh ra tại TP HCM này mau chóng gặt hái thành tích ấn tượng với HCĐ giải thiếu niên châu Á 2015, HCĐ vô địch Đông Nam Á 2015 ở nội dung súng trường nữ. Cũng như Hanako, cô gái Việt kiều này tuy chưa giành huy chương nhưng cũng để lại những ấn tượng nhất định trong lần đầu tiên khoác áo tuyển bắn súng Việt Nam.

Theo trưởng đoàn Trần Đức Phấn, từ thành công của Paul Lê Nguyễn, Hanako hay Iwaki, ông tin tưởng trong thời gian tới đây, làn sóng các VĐV thể thao Việt kiều sẽ sớm đóng một vai trò quan trọng cho đoàn thể thao Việt Nam trong những sự kiện thể thao quốc tế.

Vô địch thế giới thua ở ”ao làng” SEA Games: Xuân Vinh, Duy Nhất ”đầu bảng”

Dù vô địch thế giới hay Olympic nhưng một số VĐV vẫn gặp khó ở SEA Games.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Dũng ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN