Lại giở “trò mèo” ngay trước thềm SEA Games 28

SEA Games là đấu trường thể thao của cả khu vực Đông Nam Á – nơi hội tụ những tinh hoa của thể thao khu vực. Mục đích chính của Đại hội là giao lưu, học hỏi lẫn nhau để vươn đến thành tích cao trên đấu trường thế giới, đỉnh cao là Thế vận hội Olympic. Tuy nhiên trong những kỳ SEA Games gần đây, tư duy chạy đua thành tích bằng mọi giá khiến SEA Games càng trở nên “méo mó” trong mắt người hâm mộ thể thao của cả khu vực.

Chỉ cách đây 2 kỳ SEA Games, tại Indonesia, giới mộ điệu Pencak Silat ngỡ ngàng khi BTC thay đổi luật thi đấu sát ngày khai mạc môn võ thuật này. Họ chấp nhận đưa vào luật những đòn đánh xấu và nguy hiểm chỉ để cách đoàn không thay đổi lối đánh kịp, và vô hình chung lại có lợi thế cho các võ sĩ chủ nhà.

Xem ra vẫn chưa ăn thua vì võ sĩ của các đoàn, nhất là Việt Nam quá mạnh, nên họ lại ăn gian trắng trợn. Đơn cử như võ sĩ TPHCM Diệp Ngọc Vũ Minh (-50kg nam) đã bị tước chiến thắng trước võ sĩ chủ nhà ở bàn kết. Rồi võ sĩ chủ nhà này vào chung kết, và nạn nhân kế tiếp là đối thủ Thái Lan. Cả trận đấu, võ sĩ chủ nhà chỉ biết chạy, câu giờ, rồi cắn. Đỉnh điểm là quay lưng bỏ chạy, ôm lưng trọng tài né đòn đối thủ. Vậy mà cuối cùng chiến thắng vẫn nghiêng về chủ nhà.

Lại giở “trò mèo” ngay trước thềm SEA Games 28 - 1

Thầy trò đội tuyển Pencak Silat Việt Nam luôn là nạn nhân của trọng tài (trong ảnh là phản ứng của đoàn VN khi trọng tài tước mất chiến thắng của Vũ Minh)

Hay tại SEA Games 25 ở Korat (Thái Lan), đô vật của Việt Nam Lê Duy Hợi cũng bị mất huy chương oan ức, đã ức chế “sút” một cú đá vào mông trọng tài trung gian người Hàn Quốc. May mà đội ngũ trọng tài trung gian Hàn Quốc có có lương tâm và danh dự võ sĩ đạo nên không ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào với đô vật Việt Nam, thậm chí còn đến xin lỗi đoàn Việt Nam.

Trở lại với SEA Games 28 lần này, người ta trông chờ sẽ có một kỳ SEA Games sạch, cao thượng. Nhưng xem ra, điều này quá khó bởi những “trò mèo” đã trở thành luật bất thành văn. Và ngay ở môn thi đấu đầu tiên sau bóng đá là bóng bàn, các VĐV Việt Nam lại phải đau đầu với cách hành xử của BTC môn này.

Lại giở “trò mèo” ngay trước thềm SEA Games 28 - 2

Đô vật Lê Duy Hợi buồn bã sau khi bị trọng tài tước mất huy chương

Cụ thể, BTC đã thay đổi nội dung thi đấu mà không có kế hoạch cho các đội chuẩn bị. Theo tay vợt Trần Tuấn Quỳnh, mãi tới khuya ngày 31/5 (trong khi môn này khai mạc vào lúc 10 giờ sáng hôm sau), các VĐV mới biết lịch đã thay đổi.

Trước đó, BTC đã gửi bản fax qua và khẳng định, ngày 1/6 sẽ thi đấu đôi nam nữ trước, còn ngày 2/6 mới đánh đôi nam. Điều này ảnh ưởng rất lớn đến tâm lý và thể trang của các VĐV vì cứ hồi hộp chờ đợi.

Lại giở “trò mèo” ngay trước thềm SEA Games 28 - 3

Dù đối mặt với những áp lực rất lớn từ BTC ngay trong những ngày đầu SEA Games 28, nhưng các tay vợt Việt Nam vẫn quyết tâm thi đấu tốt nhất (trong ảnh là cặp Tuấn Quỳnh/Anh Tú xuất sắc giành chiến thắng trước cặp đôi Campuchia để vào bán kết đôi nam)

Còn nhớ cũng ở môn bóng bàn tại SEA Games 25 ở Thái Lan, lãnh đạo đoàn TTVN và BHL đội tuyển Việt Nam cũng phản ứng kịch liệt BTC về quyết định luôn đưa vị trọng tài nổi tiếng o ép Việt Nam vào điều hành trận đấu có VĐV chúng ta thi đấu.

SEA Games 28 mới chỉ đang ở vạch xuất phát, đã xảy ra tình trạng “nghìn năm muôn thưở” đã thành “thương hiệu” của SEA Games, xem ra, người hâm mộ thể thao Việt Nam và khu vực khó có thể chờ mong một kỳ Đại hội sạch và fair-play.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Hà (Thethaohcm.vn)
Bóng bàn SEA Games 30 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN