Trận đấu nổi bật

bopanna-va-ebden-vs-krawietz-va-puetz
Nitto ATP Finals
M. Ebden & R. Bopanna
1
T. Puetz & K. Krawietz
0
alexander-vs-carlos
Nitto ATP Finals
Alexander Zverev
-
Carlos Alcaraz
-
arevalo-va-pavic-vs-bolelli-va-vavassori
Nitto ATP Finals
M. Pavic & M. Arevalo
-
S. Bolelli & A. Vavassori
-
casper-vs-andrey
Nitto ATP Finals
Casper Ruud
-
Andrey Rublev
-

Kỳ vọng những ngôi sao 'tài không đợi tuổi'

Thể thao Việt Nam không thiếu những tài năng trẻ, với tiềm năng vươn xa ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu đã tỏa sáng trong năm 2015 và hứa hẹn tiếp tục bùng nổ trong năm 2016.

Nguyễn Lê Cẩm Hiền- kỳ thủ nhí mê Doremon

Nguyễn Lê Cẩm Hiền sinh năm 2007 (9 tuổi), là con gái của Đại kiện tướng quốc tế Lê Anh Dũng và Kiện tướng quốc tế Lê Phương Liên. Không hổ danh “con nhà tông”, Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã thừa hưởng tố chất chơi cờ vua từ cả bố và mẹ.

Ba tuổi, cô bé Cẩm Hiền đã biết đủ mặt 16 quân cờ và sớm bộc lộ khả năng thiên bẩm với môn chơi trí tuệ này. Lên 5 tuổi, Cẩm Hiền bắt đầu theo tập lớp cờ vua năng khiếu Quảng Ninh, dưới sự huấn luyện của chính HLV Lê Anh Dũng.

Kỳ vọng những ngôi sao 'tài không đợi tuổi' - 1

Ngay trong lần đầu tiên tham dự 1 giải đấu quốc tế là giải U6 châu Á 2013, Cẩm Hiền đã gây ấn tượng mạnh khi đoạt 1 HCV (cờ chớp), 2 HCB (cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh) trước các đối thủ rất mạnh đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và Iran.

Chỉ 2 năm sau đó, Nguyễn Lê Cẩm Hiền tiếp tục gây sửng sốt giới chuyên môn khi lên ngôi ở giải VĐTQG lứa tuổi U8 diễn ra tại Hy Lạp hồi tháng 11/2015. Tại giải đấu này, Cẩm Hiền đã giành được 9 điểm sau 11 trận (thắng 8, hòa 2, thua 1).

Cũng trong năm 2015, Cẩm Hiền còn đem về cho Việt Nam 1 HCV đồng đội, 1 HCĐ cá nhân giải Các nhóm tuổi Đông Nam Á; 1 HCB giải trẻ châu Á.

Không chỉ giỏi cờ vua, Cẩm Hiền còn đặc biệt thông minh, học giỏi đều tất cả các môn. Cô bé được gia đình mô tả là “nhút nhát”, dễ khóc nhè và… rất mê chú mèo máy Doremon. Mới 8 tuổi, Nguyễn Lê Cẩm Hiền được đánh giá là có tiềm năng để vươn xa trong tương lai.

“Tiểu Ánh Viên” Nguyễn Diệp Phương Trâm

Nguyễn Diệp Phương Trâm có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng bơi lội Việt Nam năm 2015, chỉ sau “đàn chị” Nguyễn Thị Ánh Viên.

Tài năng bơi lội của Phương Trâm được phát lộ từ rất sớm. Năm 2014, Phương Trâm đã gây ấn tượng mạnh khi đoạt HCV nội dung 50m bướm, xác lập kỷ lục mới ở lứa tuổi 13 với thành tích 28 giây 35.

Cô trở thành VĐV trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 2015. Ở kỳ SEA Games đầu tiên, Phương Trâm đã giành quyền vào VCK 2 nội dung, dù không đoạt huy chương.

Kỳ vọng những ngôi sao 'tài không đợi tuổi' - 2

Trở về nước, Phương Trâm tham dự giải trẻ quốc gia 2015 diễn ra tại TPHCM từ 16 đến 20/7 và gây sốc khi đoạt 14 huy chương các loại ở 15 nội dung thi đấu, gồm 9 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ.

Đến giải VĐQG 2015 hồi tháng 10 tại Đà Nẵng, kình ngư trẻ tiếp tục gây bất ngờ khi đánh bại “đàn chị” Ánh Viên để đoạt HCV các cự li 50m bướm và 50m tự do.

Ở nội dung 50m tự do, Nguyễn Diệp Phương Trâm thậm chí phá kỷ lục của chính Ánh Viên thiết lập năm 2014 với thành tích 26 giây 37 (kỷ lục cũ của Ánh Viên là 26 giây 70).

Sự tiến bộ nhanh chóng của Phương Trâm khiến HLV Đặng Anh Tuấn của Ánh Viên cũng phải ngạc nhiên. Ông Đặng Anh Tuấn thừa nhận ở tuổi 14, Ánh Viên không so được với Phương Trâm hiện nay.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung đầu tư để Phương Trâm phát triển tối đa, tiếp bước kình ngư Ánh Viên. Cô được kỳ vọng sẽ thực sự “trổ tài” ở SEA Games 2017.

Đóa hoa Mường Quách Thị Lan

Sinh năm 1996, Quách Thị Lan là một trong số các gương mặt trẻ thuộc nhóm “bộ tứ” nội dung 400m của đội tuyển điền kinh Việt Nam, gồm: Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Thúy. Cả 4 nằm trong danh sách được đầu tư đặc biệt của môn điền kinh, được tập huấn dài hạn tại Mỹ năm 2014.

Kỳ vọng những ngôi sao 'tài không đợi tuổi' - 3

Thành tích nổi bật nhất của Quách Thị Lan là chiếc HCB cự li 400m ở ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc). Đây là tấm huy chương lịch sử của điền kinh Việt Nam. Thành tích của Quách Thị Lan là 52 giây 06. Cùng ở cự li này, Nguyễn Thị Huyền về thứ 7 với thời gian 53 giây 79.

Để chuẩn bị cho SEA Games 2015 diễn ra tại Singapore, Quách Thị Lan đã được bộ môn điền kinh tiếp tục đưa sang Mỹ tập huấn. Dù thành tích ở SEA Games 2015 không tốt bằng Nguyễn Thị Huyền, nhưng VĐV người dân tộc Mường vẫn được lãnh đạo ngành thể thao đánh giá là có tiềm năng tiến xa.

Quách Thị Lan có người anh trai cũng không kém phần tài năng là VĐV Quách Công Lịch. Cả 2 nhận được sự quan tâm đầu tư rất mạnh của đơn vị chủ quản Thanh Hóa và Tổng cục TDTT. Xinh đẹp và tài năng, Quách Thị Lan là một trong những “hot girl” của điền kinh Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo V.P ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN